Gói thầu Bảo hiểm Kè tại Kon Tum: Chỉ nhà thầu được dự đoán trúng thầu tham dự

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một gói thầu bảo hiểm công trình xây dựng kè tại TP. Kon Tum có giá trị dưới 2 tỷ đồng. Khi mời thầu, nhiều nhà thầu là những doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ lớn trên thị trường chưa đấu đã chịu thua, và dự đoán chỉ có 1 nhà thầu có khả năng đáp ứng hết các yêu cầu đưa ra tại hồ sơ yêu cầu (HSYC). Đến thời điểm mở thầu, duy nhất nhà thầu được dự đoán trúng thầu tham dự.
Gói thầu bị kiến nghị có nội dung bảo hiểm công trình kè chống lũ lụt, sạt lở các làng đồng bào dân tộc thiểu số dọc sông Đăk Bla trên địa bàn Kon Tum. Ảnh: Bùi Hoàn
Gói thầu bị kiến nghị có nội dung bảo hiểm công trình kè chống lũ lụt, sạt lở các làng đồng bào dân tộc thiểu số dọc sông Đăk Bla trên địa bàn Kon Tum. Ảnh: Bùi Hoàn

Đó là câu chuyện xảy ra tại Gói thầu Bảo hiểm công trình thuộc Dự án Kè chống lũ lụt, sạt lở các làng đồng bào dân tộc thiểu số dọc sông Đăk Bla trên địa bàn thành phố Kon Tum (tuyến bờ Bắc - đoạn từ làng KonHraChót đi làng Kon Tum Kơ Nâm, KonKlor 1 và Kon Tum Kơ Pơng) do Ban Quản lý dự án thực hiện các dự án đầu tư đặc biệt quan trọng và các dự án theo hình thức đầu tư mới (gọi tắt là BQLDA) làm chủ đầu tư/bên mời thầu. Gói thầu lựa chọn nhà thầu theo hình thức chào hàng cạnh tranh trong nước, dự toán 1,912 tỷ đồng.

Trong thời gian phát hành HSYC, 2 nhà thầu đã có văn bản đề nghị làm rõ và kiến nghị sửa đổi HSYC vì cho rằng các tiêu chí đưa ra quá cao so với quy định về đánh giá mức đáp ứng về năng lực tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm theo Thông tư số 195/2014/TT-BTC ngày 17/12/2014 của Bộ Tài chính cũng như quy mô Gói thầu. Một số tiêu chí được 2 nhà thầu này dẫn ra, là tỷ lệ biên khả năng thanh toán tại thời điểm 31/12/2020 lớn hơn hoặc bằng 230%; nhà thầu phải có quỹ dự phòng nghiệp vụ 4.000 tỷ đồng tính tới thời điểm 31/12/2020; dự phòng bồi thường bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm tại thời điểm 31/12/2020 4.000 tỷ đồng; tỷ suất lợi nhuận ROE tính đến thời điểm 31/12/2020 15%. Ngoài ra, HSYC nêu rõ: tiêu chí về tỷ lệ biên khả năng thanh toán và ROE này áp dụng chung cho các nhà thầu, bao gồm cả nhà thầu độc lập hay từng thành viên liên danh (đối với nhà thầu liên danh) đều phải đạt.

Hai nhà thầu kiến nghị đều nhận định tại thời điểm 31/12/2020, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam chỉ có 1 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đáp ứng các tiêu chí này. Trong khi đối với quy mô và tính chất của Gói thầu, trên thị trường bảo hiểm Việt Nam có nhiều công ty bảo hiểm đủ năng lực, uy tín và kinh nghiệm để bảo hiểm cho Dự án.

Theo lý giải của Bên mời thầu, Dự án được đầu tư nhằm bảo vệ toàn bộ hạ tầng khu trung tâm hành chính của Tỉnh đã và đang đầu tư, đất sản xuất của nhân dân và các khu dân cư dọc sông Đăk Bla thuộc 2 phường Thống Nhất và Thắng Lợi với diện tích 260 ha và bảo vệ khu dân cư với 23.000 hộ. Ngoài ra, thời gian thi công xây dựng của công trình là 36 tháng, phạm vi thi công của Dự án thuộc phạm vi lòng sông; có mức độ rủi ro rất cao, đặc biệt trong mùa mưa lũ. Do vậy, tiêu chuẩn đánh giá được xây dựng căn cứ theo đặc thù của Dự án, tính chất, quy mô Gói thầu, thời gian thi công và bảo hành công trình, nhằm lựa chọn được nhà thầu có đủ năng lực tài chính, kinh nghiệm và kỹ thuật thực hiện Gói thầu. Trong khi lập HSYC, Chủ đầu tư, Bên mời thầu và đơn vị tư vấn hoàn toàn không nắm được các thông tin về tình hình tài chính của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm.

Theo một chuyên gia đấu thầu, khi xây dựng HSYC/hồ sơ mời thầu cần căn cứ quy mô, tính chất, điều kiện cụ thể của gói thầu đang xét mà đưa ra các yêu cầu phù hợp trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế. Không phân tích cụ thể các tiêu chí đưa ra tại HSYC gói thầu nêu trên nhưng chuyên gia này cho rằng, với 1 gói thầu chào hàng cạnh tranh mà rất nhiều doanh nghiệp bảo hiểm lớn trên thị trường không thể đáp ứng yêu cầu năng lực tài chính thì nên xem xét lại về tính cạnh tranh.

Một số chuyên gia bảo hiểm khi đọc bộ tiêu chí này đều dự đoán chỉ có 1 nhà thầu đáp ứng được, nếu liên danh thì cũng phải có nhà thầu này mới đáp ứng.

Thực tế, đến thời điểm mở thầu ngày 16/8/2021, chỉ có 1 nhà thầu tham dự, cũng chính là nhà thầu được hai nhà thầu kiến nghị cũng như một số chuyên gia bảo hiểm dự đoán là nhà thầu duy nhất đáp ứng HSYC. Đây cũng là nhà thầu đã trúng nhiều gói thầu bảo hiểm của BQLDA trong 3 - 4 năm trở lại đây.

Trao đổi với Báo Đấu thầu chiều 8/9/2021, cán bộ phụ trách Gói thầu của BQLDA khẳng định lại quan điểm của Chủ đầu tư/Bên mời thầu bảo lưu những tiêu chí đã đưa ra tại HSYC. Cán bộ này cho biết, ngoài hai nhà thầu đã có văn bản đề nghị làm rõ HSYC, Bên mời thầu cũng nhận được văn bản đề nghị làm rõ với nội dung tương tự của một số nhà thầu khác qua đường bưu điện và đã trả lời các nhà thầu. Cán bộ này cho biết hiện Gói thầu chưa có kết quả lựa chọn nhà thầu.

Chuyên đề