Gói thầu bảo hiểm của BQLDA giao thông Ninh Thuận: Băn khoăn tiêu chí đánh giá khả năng tài chính lành mạnh

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một loạt gói thầu (GT) bảo hiểm công trình do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Ninh Thuận (gọi tắt là BQL) mời thầu đã vấp phải phản ứng của nhiều nhà thầu. Theo đó, các nhà thầu này cho rằng, hồ sơ mời thầu (HSMT) đưa ra tiêu chí hạn chế sự tham gia của nhiều doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ có đủ năng lực tài chính, uy tín để thực hiện các gói thầu BQL đang lựa chọn nhà thầu.
Ảnh chỉ mang tính minh họa
Ảnh chỉ mang tính minh họa

Doanh nghiệp hàng đầu thị trường chào thua

Cụ thể đó là 4 GT bảo hiểm thuộc 2 Dự án. Gói thầu số 30 và 31 thuộc Dự án thành phần 2: Đường từ xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận đến ngã tư Tà Năng, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, có giá GT lần lượt là 810,317 triệu đồng và 1,15 tỷ đồng.

GT số 25 và 26 Bảo hiểm công trình nền mặt đường và các công trình trên tuyến đoạn từ Km3+500 đến cuối tuyến thuộc Dự án Đường nối cao tốc Bắc - Nam với Quốc lộ 1 và Cảng biển tổng hợp Cà Ná, giá GT lần lượt là 596,567 triệu đồng và 681,453 triệu đồng.

Cả 4 gói đều đấu thầu qua mạng.

Trong quá trình phát hành HSMT các gói thầu trên, hai nhà thầu đã có văn bản đề nghị làm rõ và kiến nghị sửa đổi HSMT. Cả hai đều gửi kiến nghị 2 lần vì cho rằng trả lời lần đầu của BQL không thỏa đáng.

Cụ thể, PVI Hà Nội có văn bản kiến nghị về tiêu chí “tỷ lệ giữ lại phí bảo hiểm gốc” bình quân 3 năm 2019, 2020, 2021 phải đạt mức ≥ 50% tại Chương III HSMT của 4 GT, để đánh giá khả năng tài chính lành mạnh của nhà thầu. Nhà thầu sẽ bị đánh giá “không đạt” nếu không đáp ứng tiêu chí này. Theo PVI, việc đưa ra tiêu chí này là không có cơ sở, không phù hợp quy định. Vì không phải doanh nghiệp bảo hiểm nào cũng đủ năng lực tài chính, kinh nghiệm để các nhà tái bảo hiểm nhận tái với tỷ lệ cao như PVI (theo số liệu mà phóng viên có được, với tỷ lệ tái bảo hiểm cao, tỷ lệ giữ lại phí bảo hiểm gốc của PVI trong 3 năm này khoảng 39 - 40%).

Theo phân tích thêm của PVI, “tỷ lệ giữ lại phí bảo hiểm gốc” không phải là chỉ tiêu đánh giá, xếp loại doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ theo hướng dẫn hiện hành của Bộ Tài chính về đánh giá, xếp loại doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ. Đồng thời, với bảo hiểm dự án, rủi ro lớn, thì càng yêu cầu cao đối với tái bảo hiểm. Tái bảo hiểm là công cụ quản trị rủi ro hữu hiệu của những nhà bảo hiểm lớn trong việc dàn trải rủi ro và tổn thất; phân tán rủi ro, góp phần ổn định tài chính cho công ty bảo hiểm gốc, đặc biệt là trong những trường hợp xảy ra các sự cố thảm họa hay tích luỹ rủi ro. Công cụ giúp cho khách hàng yên tâm hơn trong việc đảm bảo khả năng thanh toán của các công ty bảo hiểm gốc, nhờ có tái bảo hiểm mà khách hàng có thể nhận được bồi thường chính xác, đầy đủ và kịp thời…

PVI cho rằng, hiện nay chỉ có 2 đơn vị bảo hiểm đáp ứng các HSMT với tư cách tham gia độc lập hoặc đứng đầu liên danh là PJICO và MIC.

Trong công văn làm rõ GT số 31, Công ty Bảo hiểm Bưu điện (PTI) Bình Định cũng cho rằng, HSMT hạn chế sự tham gia của nhiều nhà thầu; trong khi đó, với quy mô, tính chất của GT 31 thì có nhiều công ty bảo hiểm trên thị trường Việt Nam có đủ năng lực, uy tín và kinh nghiệm để thực hiện. PTI Bình Định kiến nghị một số tiêu chí như “chỉ số ROE” 2019 - 2021 ≥ 8%; tiêu chí “quỹ dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm dao động lớn tại thời điểm 31/12/2021 để đảm bảo yếu tố dự phòng khi có tổn thất lớn xảy ra ≥ 132 tỷ đồng”.

Bên cạnh đó, cả PVI Hà Nội và PTI Bình Định đều chỉ ra tại Yêu cầu kỹ thuật Chương V, giá trị yêu cầu bảo hiểm phần vật chất HSMT để trống, không có tổng số tiền bảo hiểm. Các nhà thầu đề nghị BQL làm rõ để nhà thầu có cơ sở dự thầu. Tuy nhiên, trong công văn trả lời cả 2 lần, BQL đều không nhắc đến nội dung này.

Trong cả 2 lần trả lời với 2 nhà thầu, BQL đều bảo lưu HSMT, chỉ gia hạn thêm thời gian phát hành HSMT. BQL cũng không trả lời cụ thể vào những tiêu chí nhà thầu nêu ra, chỉ khẳng định các gói thầu thuộc những dự án trọng điểm của tỉnh Ninh Thuận, thi công trong thời gian dài, tuyến đường thi công chủ yếu bám theo khu vực có địa hình đồi núi cao, hiểm trở, sườn dốc lớn,… Căn cứ vào quy mô và tính chất quan trọng của gói thầu thi công xây dựng nên Ban đã lập HSMT gói thầu GT theo quy định...

Khó hiểu cách gửi công văn làm rõ!

Cán bộ của PTI Bình Định cho biết thêm, công văn làm rõ lần 1 của Nhà thầu gửi trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia (gọi tắt là Hệ thống) ngày 20/9/2022; tuy nhiên, đến 26/9/2022, Nhà thầu mới nhận được công văn trả lời qua đường bưu điện của BQL (công văn đề ngày 23/9/2022). Ngày 26/9/2022 cũng là ngày đóng thầu GT 31 theo thông báo mời thầu lần 1. Ngay trong ngày 26/9/2022, sau khi nhận được công văn trả lời của BQL, PTI Bình Định có công văn đề nghị làm rõ lần 2 gửi lên Hệ thống; trong đó, ngoài các kiến nghị về tiêu chí đưa ra tại HSMT như tại công văn lần 1, Nhà thầu phản ánh việc BQL gửi công văn trả lời qua đường bưu điện gây chậm trễ thời gian của Nhà thầu.

Theo chuyên gia đấu thầu, với GT đấu thầu qua mạng, bên mời thầu phải gửi công văn làm rõ trên Hệ thống. Thời điểm bên mời thầu nhập công văn trả lời thì Hệ thống sẽ hiển thị công khai cả công văn đề nghị làm rõ của nhà thầu và công văn trả lời của bên mời thầu.

Khảo sát của phóng viên, phải đến 17:01 ngày 27/9/2022, công văn trả lời lần 1 của BQL mới được gửi trên Hệ thống. Trước đó ít phút, 16:28 ngày 27/9, BQL thông báo gia hạn thời điểm đóng thầu từ 11:00 ngày 26/9/2022 đến 10:15 ngày 1/10/2022.

Theo quan sát của một số nhà thầu, việc BQL không gửi công văn trả lời làm rõ cho nhà thầu trên Hệ thống ngay ngày phát hành văn bản (23/9), mà gửi qua đường bưu điện trước và đến ngày 27/9/2022 - sau khi đóng thầu và nhận được phản ánh lần 2 của nhà thầu, mới gửi lên Hệ thống là "khá vòng vèo và khó hiểu".

Phóng viên Báo Đấu thầu đã liên hệ tới BQL để tìm hiểu thêm lý do, đồng thời, đề nghị làm rõ thêm một số nội dung nhà thầu phản ánh chưa được trả lời tại các công văn của BQL. Tuy nhiên, cán bộ kỹ thuật của Ban cho biết, “chỉ phụ trách đăng tải thông tin, sẽ báo cáo Lãnh đạo Ban và phản hồi đến Báo”. Phóng viên đã nhiều lần liên hệ lại với cán bộ này nhưng không có người nghe máy và đến nay chưa có thông tin phản hồi.

Những nhà thầu nào tham dự?

GT số 25 đóng thầu ngày 6/10/2022, 2 nhà thầu tham dự là Liên danh VBI (Tổng công ty CP Bảo hiểm Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam) - Tổng công ty CP Bảo Hiểm Quân đội (MIC) với giá dự thầu 583,733 triệu đồng; PVI với giá dự thầu 370 triệu đồng.

GT số 26 đóng thầu 30/9/2022, 2 nhà thầu tham dự là Liên danh Tổng công ty CP Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) - Tổng công ty CP Bảo hiểm Sài Gòn Hà Nội (BSH) - MIC với giá dự thầu 596,51 triệu đồng; PVI với giá dự thầu 262,779 triệu đồng.

GT số 30 đóng thầu ngày 1/10/2022, có 2 nhà thầu gồm PVI (giá dự thầu 340 triệu đồng); Liên danh Bảo Minh - Bảo Việt - MIC (giá dự thầu 800 triệu đồng).

GT 31 đóng thầu ngày 1/10/2022, có PVI (giá dự thầu 400 triệu đồng); Liên danh Bảo Minh - Bảo Việt - MIC (giá dự thầu 1,135 tỷ đồng).

Chuyên đề