Gói thầu 900 tỷ Mua công tơ và thiết bị đọc xa năm 2023: Thiếu vắng nhà thầu mới

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) vừa công bố kết quả lựa chọn nhà thầu 12 gói thầu với tổng giá trị gần 900 tỷ đồng thuộc Dự án Mua sắm công tơ và thiết bị đọc xa năm 2023. Số lượng nhà thầu tham gia thưa vắng khiến Bên mời thầu không có nhiều sự lựa chọn, tỷ lệ nội địa hóa chưa như kỳ vọng… là thực trạng lâu nay tại những gói thầu này.
EVNNPC vừa công bố kết quả lựa chọn nhà thầu 12 gói thầu với tổng giá trị gần 900 tỷ đồng thuộc Dự án Mua sắm công tơ và thiết bị đọc xa năm 2023. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
EVNNPC vừa công bố kết quả lựa chọn nhà thầu 12 gói thầu với tổng giá trị gần 900 tỷ đồng thuộc Dự án Mua sắm công tơ và thiết bị đọc xa năm 2023. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Các gói thầu nêu trên đều lựa chọn nhà thầu (LCNT) thông qua đấu thầu rộng rãi qua mạng, phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ. Số lượng nhà thầu tham dự không nhiều, 12 gói thầu có tổng số 5 nhà thầu tham dự, trong đó, 2 gói thầu có 3 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu (HSDT), 10 gói còn lại mỗi gói có 2 nhà thầu tham dự.

Kết quả, 3 nhà thầu “chia nhau” trúng 12 gói thầu, tỷ lệ giảm giá sát sao so với giá gói thầu.

Trong đó, Công ty CP Điện lực Gelex trúng 4 gói thầu cung cấp công tơ và thiết bị đọc xa năm 2023 (Gói 1, 2, 5, 9) cho Công ty Điện lực Nam Định; Công ty Điện lực Bắc Kạn, Thái Bình; Công ty Điện lực Hà Giang, Phú Thọ, Lai Châu; Công ty Điện lực Hà Tĩnh, Thái Nguyên. Tổng giá trúng thầu của Điện lực Gelex là 311,215 tỷ đồng (tổng giá gói thầu 316,655 tỷ đồng).

Công ty CP Thiết bị công nghiệp Hữu Hồng được lựa chọn thực hiện 3 gói thầu cung cấp công tơ và thiết bị đọc xa năm 2023 (Gói 4, 8, 11) cho Công ty Điện lực Bắc Giang; Công ty Điện lực Bắc Ninh, Quảng Ninh; Công ty Điện lực Điện Biên, Lạng Sơn, Hòa Bình và Gói 12 Mua sắm công tơ điện tử 3 pha 3 giá gián tiếp cho các công ty điện lực. Tổng giá trúng thầu là 277,805 tỷ đồng (tổng giá gói thầu 282,757 tỷ đồng).

Công ty TNHH Cung ứng vật tư khoa học kỹ thuật và chuyển giao công nghệ (TSI) trúng 4 gói thầu cung cấp công tơ và thiết bị đọc xa năm 2023 (Gói 3, 6, 7, 10) cho Công ty Điện lực Thanh Hóa; Công ty Điện lực Nghệ An; Công ty Điện lực Hưng Yên, Hà Nam; Công ty Điện lực Cao Bằng, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Sơn La, Yên Bái. Tổng giá trúng thầu là 295,14 tỷ đồng (tổng giá gói thầu 300,334 tỷ đồng).

Công ty CP Thiết bị Vinasino và Công ty CP Tư vấn đầu tư phát triển hạ tầng viễn thông chỉ cùng tham dự 1 gói thầu (Gói 12 Mua sắm công tơ điện tử 3 pha 3 giá gián tiếp cho các công ty điện lực) nhưng đều bị loại.

Mở rộng khảo sát kết quả LCNT lĩnh vực này những năm gần đây (từ năm 2019 - 2022) cho thấy, 3 nhà thầu trên thường xuyên trúng các gói thầu mua sắm công tơ và thiết bị đọc xa của ngành điện.

Một chuyên gia ngành điện nhìn nhận, các nhà thầu trúng thầu đều là những “gương mặt quen” trong lĩnh vực công tơ và thiết bị đọc xa của ngành điện nhiều năm trở lại đây, bởi số lượng nhà sản xuất trong nước được cấp phép hoạt động lĩnh vực này không nhiều, chỉ khoảng 5 - 7 nhà thầu.

Hơn nữa, theo chuyên gia này, bối cảnh thị trường hiện nay có nhiều khó khăn, giá cả biến động bất lợi… nên gần như không thấy xuất hiện các nhà đầu tư mới trong lĩnh vực này. Vì thế, các bên mời thầu không có nhiều lựa chọn khi đấu thầu mua sắm công tơ và thiết bị đọc xa. Khi số lượng nhà thầu hạn chế, chắc chắn tính cạnh tranh trong đấu thầu sẽ không cao.

Mặt khác, dù 3 nhà thầu trên đều được hưởng ưu đãi theo quy định của pháp luật về đấu thầu do có tỷ lệ nội địa hóa trên 25%, nhưng tỷ lệ chi phí sản xuất trong nước của công tơ điện tử 1 pha và công tơ điện tử 3 pha có module đọc xa vẫn chưa cao. Cụ thể, Điện lực Gelex đạt từ 46 - 58%; Thiết bị công nghiệp Hữu Hồng đạt từ 27 - 32%; TSI từ 41 - 52%… Nhà sản xuất trong nước chủ yếu sản xuất những bộ phận thiết bị giản đơn, gia công, lắp ráp; phần thiết bị công nghệ kỹ thuật phức tạp (chip) vẫn chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc.

“Không hẳn là các nhà sản xuất trong nước không sản xuất được các thiết bị này, vấn đề là sản xuất được nhưng giá thành lại kém cạnh tranh hơn so với nhập khẩu, do đó, tỷ lệ nội địa hóa lĩnh vực công tơ và thiết bị đọc xa còn hạn chế”, một nhà sản xuất lý giải.

Có thể thấy, bức tranh của lĩnh vực sản xuất công tơ điện tử và thiết bị đọc xa phần nào phản ánh bức tranh của ngành công nghiệp Việt Nam, nhất là công nghiệp hỗ trợ, đòi hỏi phải có những giải pháp mạnh về tài chính, gỡ rào cản về thủ tục hành chính, sớm ban hành Luật Công nghiệp hỗ trợ... để đáp ứng yêu cầu phát triển.

Chuyên đề