Thượng viện Mỹ thông qua dự luật lưỡng đảng về trần nợ công

0:00 / 0:00
0:00
Dự luật về trần nợ giờ đây sẽ được chuyển cho Tổng thống Joe Biden ký phê chuẩn thành luật trong bối cảnh chỉ còn vài ngày nữa là đến thời hạn chót ngày 5/6 như cảnh báo của Bộ Tài chính Mỹ.
Quang cảnh một phiên họp Quốc hội Mỹ ở Washington, DC. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Quang cảnh một phiên họp Quốc hội Mỹ ở Washington, DC. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tối 1/6 (theo giờ địa phương), với 63 phiếu thuận và 36 phiếu chống, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật lưỡng đảng đình chỉ chính sách áp dụng trần nợ công, qua đó tránh được thảm họa vỡ nợ đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ, vốn có nguy cơ gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Dự luật về trần nợ giờ đây sẽ được chuyển cho Tổng thống Joe Biden ký phê chuẩn thành luật trong bối cảnh chỉ còn vài ngày nữa là đến thời hạn chót ngày 5/6 như cảnh báo của Bộ Tài chính Mỹ để các bên đạt được thỏa thuận nâng trần nợ 31,4 nghìn tỷ USD trước khi ngân sách liên bang cạn kiệt.

Trước đó 1 ngày, với 314 phiếu thuận và 117 phiếu chống, Hạ viện Mỹ cũng đã thông qua dự luật nói trên và chuyển lên Thượng viện xem xét. Tổng thống Biden đã hối thúc Thượng viện nhanh chóng thông qua dự luật để ông có thể ký phê chuẩn thành luật.

Sau nhiều tuần đàm phán, Tổng thống Biden và Chủ tịch Hạ viện McCarthy đã đạt được thỏa thuận sơ bộ về vấn đề nợ công vào cuối ngày 27/5.

Theo nội dung thỏa thuận, hai bên nhất trí đình chỉ việc áp trần nợ trong hai năm, đến ngày 1/1/2025; giới hạn chi tiêu trong ngân sách năm 2024 và 2025, thu hồi quỹ COVID-19 chưa sử dụng, đẩy nhanh quá trình cấp phép cho một số các dự án năng lượng và tăng thêm điều kiện đối với các chương trình dành cho người nghèo.

Dự luật cũng bao gồm quyết định cấp hơn 886 tỷ USD cho ngân sách an ninh trong năm tài chính 2024 và hơn 703 tỷ USD trong hạng mục chi phí an ninh trong cùng năm.

Ngoài ra, hai bên cũng nhất trí tăng 1% chi tiêu an ninh trong tài khóa 2025.

Thống đốc bang Florida Ron DeSantis, một ứng viên tiềm năng của đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2024, cho rằng thỏa thuận sơ bộ này không đủ để làm thay đổi đường hướng tài khóa./.

Chuyên đề