Gọi tên nhiều dự án chậm tiến độ, lãng phí tại Cần Giờ, TP.HCM

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Kết quả thanh tra việc chấp hành pháp luật trong quản lý, sử dụng vốn ngân sách nhà nước tại các dự án đầu tư xây dựng công trình trên địa bàn huyện Cần Giờ (TP.HCM) đã chỉ ra nhiều sai sót, hạn chế từ khâu chuẩn bị đầu tư, bố trí vốn đến thực hiện dự án, gây thất thoát, lãng phí nguồn lực của Nhà nước.
Trong giai đoạn 2018 - 2022, Ban Quản lý dự án huyện Cần Giờ (TP.HCM) có 57/251 dự án kéo dài, không bảo đảm thời gian thực hiện dự án, làm giảm hiệu quả đầu tư. Ảnh: Phương Nhi
Trong giai đoạn 2018 - 2022, Ban Quản lý dự án huyện Cần Giờ (TP.HCM) có 57/251 dự án kéo dài, không bảo đảm thời gian thực hiện dự án, làm giảm hiệu quả đầu tư. Ảnh: Phương Nhi

90 dự án bố trí vốn kéo dài

Thanh tra TP.HCM xác định, trong giai đoạn 2018 - 2022, Ban Quản lý dự án (QLDA) huyện Cần Giờ được cấp thẩm quyền giao kế hoạch vốn đầu tư công tại 251 dự án với tổng số vốn được giao là 5.531 tỷ đồng. Trong số các dự án này, có 90 dự án bố trí vốn kéo dài, gồm 29 dự án nhóm B được bố trí vốn quá 4 năm, 61 dự án nhóm C được bố trí vốn quá 3 năm sau khi được cấp thẩm quyền quyết định chủ trương. Kết luận của cơ quan thanh tra TP.HCM công bố giữa tháng 10/2024 cho biết, việc bố trí vốn kéo dài chưa phù hợp với quy định của Nghị định 77/2015/NĐ-CP và Luật Đầu tư công năm 2019. Trong đó, có tới 57 dự án kéo dài, không bảo đảm thời gian thực hiện như quyết định phê duyệt dự án ban đầu, phải gia hạn thời gian thực hiện và thời gian triển khai thực hiện các gói thầu, làm giảm hiệu quả đầu tư.

Đơn cử, Dự án Xây dựng hệ thống đê bao sông Hà Thanh từ mũi Đồng Hòa đến mũi Cần Thạnh, có mức đầu tư khoảng 190 tỷ đồng. Dự án này thuộc nhóm B, có thời gian bố trí vốn quá 5 năm và được đề xuất kéo dài, chưa bảo đảm theo quy định. Hiện Dự án vẫn đang thực hiện dở dang.

Cơ quan thanh tra TP.HCM cho biết, tại dự án trên, Ban QLDA Cần Giờ tổ chức lựa chọn nhà thầu và thi công khi chưa bảo đảm mặt bằng để bàn giao theo tiến độ, dẫn đến Dự án phải ngừng thi công và kéo dài thời gian thực hiện do không có mặt bằng, là thực hiện không đúng quy định tại Luật Đấu thầu 2013 và Luật Xây dựng 2014. “Việc này đã làm giảm hiệu quả đầu tư và không bảo đảm mục tiêu cấp bách của Dự án, gây lãng phí vốn ngân sách nhà nước, vì công trình dang dở, thi công gián đoạn, một số hạng mục xuống cấp”, kết luận của Thanh tra TP.HCM chỉ rõ.

Bên cạnh đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ tại Dự án là 239,493 tỷ đồng (thời điểm năm 2023), tăng hơn 7,2 lần so với dự toán (32,834 tỷ đồng) trong tổng mức đầu tư được phê duyệt. Cơ quan thanh tra TP.HCM cho biết, nguyên nhân chính là do đơn vị tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi, lập tổng mức đầu tư và Ban QLDA Cần Giờ chưa điều tra, khảo sát, thống kê việc sử dụng đất, công trình trên đất bị ảnh hưởng, chỉ căn cứ theo tập tin tài liệu bản đồ địa chính 2003 - 2005 không rõ nguồn cung cấp, chưa bảo đảm bám sát với hiện trạng thực tế và chưa rà soát đầy đủ cơ sở pháp lý sử dụng đất, dẫn đến có sự sai lệch lớn về số diện tích đất đủ điều kiện bồi thường, hỗ trợ.

Ngoài ra, Thanh tra TP.HCM cũng xác định nhiều khiếm khuyết trong lựa chọn nhà thầu và quản lý, thực hiện hợp đồng thi công xây lắp tại Dự án. Kết quả kiểm tra chọn mẫu 4/15 gói thầu thuộc Dự án cho thấy, việc chỉ định nhà thầu tư vấn lập hồ sơ mời thầu và việc lập, thẩm định, phê duyệt, nghiệm thu, bàn giao hồ sơ mời thầu 2 gói thầu xây lắp và tư vấn giám sát thi công được thực hiện cùng ngày Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành quyết định phê duyệt thiết kế và dự toán xây dựng công trình Hệ thống đê bao sông Hà Thanh (ngày 7/2/2018). Thanh tra TP.HCM đánh giá, thời gian như vậy là chưa phù hợp, có biểu hiện lập hồ sơ mời thầu mang tính hình thức.

Gọi tên các sai sót, bất thường tại một số dự án

Tại gói thầu xây lắp thuộc Dự án, cơ quan thanh tra cho rằng, có cơ sở xác định nhà thầu trúng thầu cung cấp thông tin không trung thực trong hồ sơ dự thầu, làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, vi phạm điểm c khoản 4 Điều 89 Luật Đấu thầu 2013. Ngoài ra, Thanh tra TP.HCM còn phát hiện dấu hiệu bất thường, có khả năng vi phạm điều cấm của pháp luật về đấu thầu liên quan đến doanh thu bình quân. Do đó, theo cơ quan thanh tra, “cần chuyển đến cơ quan chức năng để xác minh làm rõ và xử lý theo quy định pháp luật”.

Dự án Xây dựng hệ thống đê bao sông Hà Thanh từ mũi Đồng Hòa đến mũi Cần Thạnh là 1 trong 19 dự án được Thanh tra TP.HCM chọn mẫu để kiểm tra. Bên cạnh dự án này, còn có các dự án khác gồm: Dự án Xây dựng hạ tầng hoàn chỉnh khuôn viên khu đất dự trữ Bệnh viện Đa khoa huyện Cần Giờ; Dự án Xây dựng đường Lương Văn Nho; Dự án Xây dựng hệ thống thoát nước tổ 2, 3 ấp Bình An; Dự án Nâng cấp hệ thống thủy lợi khu vực Mốc Keo; Dự án Di dời bố trí dân cư phòng tránh thiên tai tại xã Thạnh An; Dự án Xây dựng, nâng cấp đường Bùi Lâm; Dự án Xây dựng mới cầu Rạch Sở Mía; 11 dự án thuộc Đề án Nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 trên đại bàn xã Lý Nhơn.

Theo kết quả thanh tra, Dự án Xây dựng hạ tầng hoàn chỉnh khuôn viên khu đất dự trữ Bệnh viện Đa khoa huyện Cần Giờ đã nghiệm thu hoàn thành đưa vào sử dụng, tuy nhiên hiện trạng công trình đang để trống, nhiều hạng mục xuống cấp do ít sử dụng, không đưa vào khai thác như mục tiêu ban đầu của Dự án, không được duy tu bảo dưỡng, có dấu hiệu việc bỏ hoang, chưa tiết kiệm, gây lãng phí. Tại Dự án Nâng cấp hệ thống thủy lợi khu vực Mốc Keo, công tác khảo sát, lập dự án không chặt chẽ, việc phân tích, tính toán chọn phương án khả thi chưa sát với thực tế, dẫn đến việc thực hiện ở giai đoạn sau phải thay đổi, bổ sung thiết kế, vượt quá tổng mức đầu tư ban đầu được duyệt, gây khó khăn trong việc thanh toán và lãng phí vốn ngân sách nhà nước. Còn tại Dự án Di dời bố trí dân cư phòng tránh thiên tai tại xã Thạnh An, đơn vị quản lý sử dụng và đơn vị thụ hưởng Dự án không thực hiện công tác quản lý, không đưa vào khai thác sử dụng như mục tiêu, không có biện pháp bảo dưỡng, bảo trì theo quy định; công trình có dấu hiệu xuống cấp…

Đáng chú ý, 11 dự án thuộc Đề án Nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 trên đại bàn xã Lý Nhơn chưa được khởi công thực hiện do không có mặt bằng thi công, người dân không đồng thuận hiến đất để thực hiện các dự án. Hiện Ban QLDA Cần Giờ đang kiến nghị UBND huyện Cần Giờ chấp thuận kết thúc các dự án và quyết toán những chi phí đã giải ngân trong bước chuẩn bị đầu tư là 14,284 tỷ đồng. Nếu việc kết thúc các dự án được chấp thuận, thì khoản chi phí ngân sách hàng chục tỷ đồng để chuẩn bị đầu tư không mang lại bất kỳ hiệu quả nào. Bên cạnh đó, sau khi ký hợp đồng, Ban QLDA Cần Giờ đã cho các nhà thầu thi công, tư vấn giám sát tạm ứng với tổng số tiền 30,753 tỷ đồng ở thời điểm năm 2019. Từ tháng 7/2020 - 10/2021, Ban mới thực hiện thu hồi, hoàn trả ngân sách số tiền tạm ứng trên.

Từ những kết luận thanh tra, Chánh Thanh tra TP.HCM kiến nghị Chủ tịch UBND TP.HCM 6 nhóm biện pháp xử lý các sai sót trong quản lý, sử dụng vốn ngân sách nhà nước tại các dự án đầu tư xây dựng công trình ở huyện Cần Giờ.

Bình luận về kết luận thanh tra trên, một chuyên gia cho rằng, các sai sót trong quản lý, sử dụng vốn ngân sách nhà nước tại huyện Cần Giờ đã bao quát cơ bản những khiếm khuyết trong hoạt động đầu tư công từ giai đoạn lập dự án, chọn tư vấn, đấu thầu, thi công, giám sát, nghiệm thu công trình. Để sử dụng hiệu quả và chống “thất thoát, lãng phí” nguồn vốn đầu tư công, các cơ quan hữu trách, chủ đầu tư tại các địa phương cần tham khảo, nghiên cứu và rút kinh nghiệm từ những hạn chế ở khâu chuẩn bị đầu tư, tổ chức thực hiện dự án, đấu thầu, quản lý hợp đồng xây lắp… Đặc biệt là khâu lập báo cáo kinh tế kỹ thuật, báo cáo nghiên cứu khả thi để lựa chọn dự án đầu tư cho “đúng” và “trúng”.

Chuyên đề