Gợi mở 5 định hướng phát triển doanh nghiệp Việt

(BĐT) - Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp (DN) với chủ đề: “Phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp – Hội nhập, hiệu quả, bền vững” diễn ra hôm nay, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, với trách nhiệm là cơ quan tham mưu tổng hợp của Chính phủ trong lĩnh vực phát triển DN, Bộ đề xuất  gợi mở 5 định hướng và giải pháp lớn để phát triển DN trong bối cảnh mới.
Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, với trách nhiệm là cơ quan tham mưu tổng hợp của Chính phủ trong lĩnh vực phát triển DN, Bộ đề xuất  gợi mở 5 định hướng và giải pháp lớn để phát triển DN trong bối cảnh mới.
Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, với trách nhiệm là cơ quan tham mưu tổng hợp của Chính phủ trong lĩnh vực phát triển DN, Bộ đề xuất gợi mở 5 định hướng và giải pháp lớn để phát triển DN trong bối cảnh mới.

Trước hết, cần có cơ chế chính sách tập trung phát triển DN nhằm hình thành lực lượng DN có quy mô lớn, đóng vai trò chủ lực trong nền kinh tế, tạo ra các sản phẩm chiến lược của quốc gia, khẳng định được thương hiệu Việt Nam trên trường quốc tế. Sản phẩm của những DN này cần được coi là sản phẩm quốc gia, thành công của những sản phẩm chủ lực này cũng chính là sự thành công của quốc gia.

Hơn nữa, các DN lớn này cần có một sợi dây, một cơ chế liên kết lại với nhau để tạo ra sức mạnh tổng hợp; trở thành cơ chế đóng góp và xây dựng chính sách; đại diện cho cộng đồng DN Việt Nam tham gia các sân chơi lớn tầm quốc tế; thảo luận những bài toán phát triển, hợp tác lớn với các tập đoàn xuyên quốc gia,…

Đồng thời, chính lực lượng DN này sẽ đóng vai trò đầu tầu dẫn dắt các DN nhỏ và vừa trong nước tham gia vào các mạng lưới sản xuất, chuỗi cung ứng, đưa DN Việt Nam lên nấc thang mới trong chuỗi giá trị toàn cầu. Chính phủ khuyến khích, hỗ trợ kết nối DN, giúp các DN Việt Nam liên kết, tạo khối thống nhất, có chiều sâu, hỗ trợ lẫn nhau trong đầu tư, kinh doanh, cùng tạo nên sức mạnh, tên tuổi và thương hiệu DN, sản phẩm và kinh tế Việt Nam trên trường quốc tế.

Thứ hai, cần đẩy mạnh cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, lấy sản xuất, chế biến chế tạo là trọng tâm trên cơ sở tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng lần thứ 4 để tái cấu trúc DN theo hướng bền vững, sáng tạo, từ đó tạo nên các ngành chủ lực quốc gia. Đồng thời, chúng ta cần có khát vọng tạo ra các sản phẩm được làm bởi các DN Việt Nam; phát triển bởi con người Việt Nam; tạo thành xu hướng chuyển dịch từ “Made in Vietnam” tiến tới “Made by Vietnam”.

Thứ ba, xây dựng và hoàn thiện chính sách đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, có tay nghề giỏi, kiến thức chuyên môn sâu, trình độ quốc tế và kinh nghiệm làm việc chuyên nghiệp. Cần tiếp tục tận dụng nhiều hơn nữa mạng lưới tri thức cao người Việt trong và ngoài nước, đang sống và làm việc ở rất nhiều nước phát triển trên thế giới, tạo thành cơ chế đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở nhiều cấp bậc. Cùng với đó là chính sách thu hút và phát triển các công nghệ hiện đại nhằm tạo ra các sản phẩm có chất lượng, sức cạnh tranh, thân thiện với môi trường.

Tiếp đó, chúng ta cần tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước trong phát triển DN. Đặc biệt là việc đảm bảo quyền đối với nhà đầu tư cần tiếp tục được tăng cường để ngày càng khuyến khích người dân tham gia vào hoạt động kinh doanh, không hình sự hóa các hoạt động kinh tế nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Thứ năm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, chính cộng đồng DN cũng cần chủ động đổi mới tư duy kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị, năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ; chuẩn hóa sản xuất kinh doanh để đáp ứng các yêu cầu, tiêu chí của các thị trường quốc tế; tăng cường đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong sản xuất kinh doanh, đặc biệt các công nghệ lõi có tính tiên phong; phát huy tinh thần dân tộc, đoàn kết sức mạnh để cùng tạo dựng thương hiệu Việt Nam…

“Các giải pháp cần bảo đảm tính tổng thể, toàn diện, giải quyết cả vấn đề trước mắt và lâu dài, huy động được sự tham gia của tất cả các bên liên quan, các cơ quan của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và người dân”.

Cũng theo Lãnh đạo Bộ KH&ĐT, cùng với quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư, Luật DN và các văn bản hướng dẫn luật, Bộ KH&ĐT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sau Hội nghị ngày hôm nay ban hành một kế hoạch hành động yêu cầu các cấp, các ngành quan tâm hơn nữa đến phát triển DN; tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ để đưa ra định hướng phát triển toàn diện, bao quát cho cả DN quy mô lớn, vừa và nhỏ trong thời gian tới.

“Bên cạnh đó, các DN cũng cần có những suy nghĩ trăn trở cùng với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, tìm các giải pháp, hướng đi mạnh dạn, đột phá, sáng tạo và hiện đại, không chỉ để tự lớn mạnh mà còn đóng góp chung vào sự phát triển của đất nước, vươn ra thị trường thế giới, tạo lập và khẳng định thương hiệu của chính doanh nghiệp, từ đó, xây dựng thương hiệu quốc gia”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng bày tỏ.

Theo Bộ KH&ĐT, những năm qua, các DN đã đầu tư một lượng vốn lớn trong tổng đầu tư toàn xã hội; đóng góp tích cực vào tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước, xuất khẩu; là mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị để nâng cao khả năng cạnh tranh cho các sản phẩm, hình thành các chuỗi liên kết giá trị, tạo dựng thương hiệu Việt Nam trên thị trường quốc tế. DN trở thành lực lượng nòng cốt trong tạo việc làm, cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định xã hội. Đặc biệt, trong bối cảnh bùng nổ của khoa học, công nghệ, các doanh nghiệp có vai trò trọng tâm trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; nhiều doanh nghiệp tư nhân đã thành công, góp phần không nhỏ trong việc tạo dựng các thương hiệu Việt Nam về công nghệ thông tin trên bản đồ khởi nghiệp thế giới như FPT, Vingroup, TTC, Phenikaa... khơi dậy niềm tin và sự kỳ vọng vào việc sẽ tạo bước tiến đột phá trong phát triển.

Chuyên đề