Gỡ vướng về chi phí chọn lại nhà thầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chấm dứt hợp đồng với nhà thầu là việc làm bất đắc dĩ, không mong muốn vì ảnh hưởng lớn đến tiến độ của gói thầu, dự án và có thể phát sinh vướng mắc liên quan tới chi phí lựa chọn nhà thầu thực hiện các hạng mục dang dở của gói thầu. Chuyên gia kinh tế xây dựng cho rằng, chủ đầu tư có thể sử dụng nguồn dự phòng để chi cho các công việc phát sinh khi tổ chức đấu thầu lại.
Kinh phí tổ chức lựa chọn nhà thầu lại sau khi chấm dứt hợp đồng với nhà thầu được lấy từ nguồn dự phòng trong kinh phí đầu tư cấp cho dự án. Ảnh: Tiên Giang
Kinh phí tổ chức lựa chọn nhà thầu lại sau khi chấm dứt hợp đồng với nhà thầu được lấy từ nguồn dự phòng trong kinh phí đầu tư cấp cho dự án. Ảnh: Tiên Giang

Theo quy định của pháp luật đấu thầu, đối với gói thầu xây dựng, khi nhà thầu vi phạm thì chủ đầu tư phải thu hồi bảo đảm thực hiện hợp đồng và thực hiện nghiệm thu, thanh lý phần giá trị xây dựng mà nhà thầu đã thực hiện (nếu có). Sau đó, phần công việc còn lại được phép áp dụng chỉ định thầu hoặc các hình thức lựa chọn nhà thầu khác trên cơ sở bảo đảm chất lượng, tiến độ của gói thầu và do người có thẩm quyền quyết định.

Tuy nhiên, trong thực tế, một số chủ đầu tư đã gặp vướng mắc trong quá trình lựa chọn lại nhà thầu. Đơn cử, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp Ninh Bình hiện đang làm chủ đầu tư một số dự án sử dụng vốn đầu tư công. Trong quá trình thực hiện, chủ đầu tư này gặp một số vướng mắc liên quan đến kinh phí thực hiện các công việc phát sinh sau khi nhà thầu vi phạm hợp đồng xây dựng.

Cụ thể, theo điều khoản trong hợp đồng đã ký kết, nhà thầu phải bồi thường cho chủ đầu tư những thiệt hại do nhà thầu gây ra. Thiệt hại ở đây là việc ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ, chất lượng, hiệu quả của gói thầu khiến cho chủ đầu tư phải chấm dứt hợp đồng và tổ chức đấu thầu lại.

Trong trường hợp nhà thầu chấp nhận bồi thường thiệt hại gây ra và đền bù kinh phí kịp thời thì chủ đầu tư dùng kinh phí đó để tiếp tục thực hiện công tác lựa chọn nhà thầu mới cho kịp tiến độ của dự án. Trường hợp nhà thầu không chấp hành hoặc chưa chấp hành việc bồi thường thiệt hại trên mà gói thầu xây dựng (phần còn lại) bắt buộc phải tiếp tục thực hiện thì chủ đầu tư chưa biết sẽ sử dụng nguồn kinh phí từ đâu để chi trả cho các chi phí phát sinh do việc lựa chọn nhà thầu mới để thực hiện công việc còn lại của gói thầu, chủ đầu tư nêu trên cho biết.

Theo tìm hiểu, trên thực tế, các chủ đầu tư không thể sử dụng các nguồn chi thường xuyên, nguồn thu sự nghiệp để thanh toán cho các chi phí phát sinh như: chi phí tư vấn lập hồ sơ mời thầu (HSMT), đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT)… Bởi theo quy định của Luật Xây dựng thì các chi phí cho tư vấn lập HSMT, đánh giá HSDT đã nằm trong tổng mức đầu tư của dự án và được thanh toán từ nguồn kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản cấp cho dự án. Đối với số tiền bảo đảm thực hiện hợp đồng sau khi thu hồi của nhà thầu vi phạm, chủ đầu tư không được sử dụng để thực hiện các chi phí phát sinh khác mà phải nộp vào ngân sách nhà nước.

Theo pháp luật về đấu thầu, căn cứ quy định tại Điều 9 Nghị định 63/2014/NĐ-CP, đối với các gói thầu có nội dung tương tự thuộc cùng một dự án, dự toán mua sắm, các gói thầu phải tổ chức lại việc lựa chọn nhà thầu thì các chi phí như: lập, thẩm định hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển; lập, thẩm định HSMT, hồ sơ yêu cầu được tính tối đa là 50%. Trường hợp tổ chức lại việc lựa chọn nhà thầu thì phải tính toán, bổ sung chi phí lựa chọn nhà thầu vào dự án, dự toán mua sắm phù hợp với thực tế của gói thầu.

Liên quan tới pháp luật chuyên ngành về chi phí quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, một chuyên gia kinh tế xây dựng cho biết, để có kinh phí trong việc tổ chức lựa chọn nhà thầu lại sau khi chấm dứt hợp đồng với nhà thầu cũ, chủ đầu tư vẫn lấy từ nguồn kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản cấp cho dự án nhưng dùng từ nguồn dự phòng và chi phí này được ghi trong hạng mục “tư vấn khác” trong tổng mức đầu tư của Dự án.

Chuyên đề