Hệ thống thu giá sử dụng đường bộ không dừng của tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đang sử dụng công nghệ DSRC. Ảnh: Hoài Tâm |
Đồng bộ hóa công nghệ
Bộ GTVT cho biết, hiện nay, VEC là chủ đầu tư và đang trực tiếp quản lý 5 dự án cao tốc gồm: Cầu Giẽ - Ninh Bình; Nội Bài - Lào Cai; Đà Nẵng - Quảng Ngãi; TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây; Bến Lức - Long Thành. Ngoại trừ tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình lắp đặt thiết bị thu giá tự động không dừng (ETC) sử dụng công nghệ RFID (công nghệ đang được Bộ GTVT triển khai trên toàn quốc), cao tốc Nội Bài - Lào Cai dự kiến triển khai lắp đặt hệ thống ETC trong năm 2018, 3 tuyến cao tốc còn lại sử dụng công nghệ DSRC của Nhật Bản.
Tại tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, hệ thống ETC của dự án này được đưa vào sử dụng từ tháng 5/2017. Tuy nhiên, do sử dụng công nghệ DSRC nên đến nay chưa thể kết nối với hệ thống ETC đang được Bộ GTVT triển khai trên toàn quốc. Vì thế, Bộ GTVT đã chỉ đạo VEC nghiên cứu phương án kết nối 2 công nghệ để bảo đảm phương tiện tham gia giao thông có thể lưu thông qua tất cả các trạm trên toàn quốc theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Đối với 3 tuyến cao tốc còn lại do VEC làm chủ đầu tư, hiện cao tốc Nội Bài - Lào Cai đang trong quá trình vận hành, khai thác, dự kiến trong năm 2018, VEC sẽ triển khai lắp đặt hệ thống giao thông thông minh (ITS), trong đó có hệ thống ETC.
Còn 2 tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và Bến Lức - Long Thành, theo dự án đầu tư được duyệt, hệ thống ETC sử dụng công nghệ DSRC của Nhật Bản. Tuy nhiên, để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, 2 tuyến cao tốc này sẽ triển khai hệ thống ETC theo công nghệ RFID, nên phía Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã tạm dừng không tài trợ cho hạng mục ITS.
Vướng mắc vì đặc thù nguồn vốn
Theo Bộ GTVT, trong thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai hệ thống thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ tự động không dừng, các dự án cao tốc do VEC quản lý gặp khó khăn, vướng mắc vì có tính đặc thù về nguồn vốn, cơ chế đầu tư và vận hành thu phí trả nợ. Cụ thể, trong quyết định phê duyệt các dự án cao tốc của VEC đều có hạng mục đầu tư ITS, trong đó bao gồm cả hệ thống ETC. Tuy nhiên, theo dự án đầu tư được duyệt, 3 trong số 5 tuyến cao tốc trên áp dụng công nghệ DSRC của Nhật Bản, hiện nay chưa thể kết nối với hệ thống thu giá không dừng theo công nghệ RFID đang được Bộ GTVT triển khai trên toàn quốc.
Các dự án cao tốc do VEC làm chủ đầu tư đều là các dự án đầu tư công (vốn ODA), có cơ chế đầu tư và vận hành thu phí trả nợ riêng đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. Do vậy, việc điều chỉnh phương án vận hành, thu phí trả nợ của các dự án phải được cấp có thẩm quyền chấp thuận.
Bên cạnh đó, các dự án cao tốc nói trên triển khai độc lập hệ thống ITS (bao gồm cả hệ thống ETC) dẫn đến tình trạng không đồng bộ với hệ thống thu giá tự động không dừng do Bộ GTVT triển khai trên toàn quốc. Khi đó, người sử dụng không thể sử dụng chung thẻ định danh (Etag) để lưu thông qua tất cả các trạm trên toàn quốc như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Từ đó, Bộ GTVT cho rằng, một số dự án do VEC quản lý chưa phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ tự động không dừng.
Để bảo đảm đúng lộ trình, tính đồng bộ, kết nối liên thông tại các trạm thu giá trên toàn quốc theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng chấp thuận cho VEC đầu tư lắp đặt, sửa chữa, cải tạo, vận hành hệ thống thiết bị, phần mềm tại trạm theo hình thức ETC tại tất cả các dự án đường cao tốc do VEC quản lý.
Bộ GTVT cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận kết nối hệ thống thiết bị, phần mềm (Front - End) tại 5 dự án cao tốc trên với trung tâm dữ liệu (Bach - End) của các nhà cung cấp dịch vụ ETC được Bộ GTVT lựa chọn, bảo đảm đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, mức phí dịch vụ do VEC và các nhà cung cấp dịch vụ thỏa thuận, trên nguyên tắc không ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của các dự án cao tốc và hài hòa lợi ích các bên.