Gỡ vướng đấu thầu lĩnh vực y tế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhiều ý kiến cho rằng, tình trạng hoạt động đấu thầu trong lĩnh vực y tế chậm trễ, thiếu thuốc, thiết bị, không có nhà thầu tham gia… phần nhiều do khâu lập dự toán chưa sát, chưa tính đúng, tính đủ chi phí đầu vào.
Khó khăn lớn nhất trong công tác đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế, hóa chất, vật tư tiêu hao là xác định giá kế hoạch, dự toán khi lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Khó khăn lớn nhất trong công tác đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế, hóa chất, vật tư tiêu hao là xác định giá kế hoạch, dự toán khi lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Về vấn đề này, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đã có nhiều buổi khảo sát về việc thực hiện cơ chế tự chủ và đấu thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị tại một số bệnh viện trên địa bàn Thành phố.

Theo ông Phạm Quốc Dũng, Giám đốc Bệnh viện Quận 11 (TP.HCM), khó khăn lớn nhất trong công tác đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế, hóa chất, vật tư tiêu hao là xác định giá kế hoạch, dự toán khi lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Dự toán thấp là nguyên nhân dẫn tới tình trạng Bệnh viện thường xuyên khó khăn khi tổ chức lựa chọn nhà thầu. “Qua thống kê, Bệnh viện chỉ lựa chọn được nhà thầu cung ứng khoảng 60% số lượng thuốc cần mua”, ông Dũng cho biết.

Bác sỹ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh cho biết, hiện nay Bệnh viện gặp nhiều khó khăn do giá dự toán chưa được tính đúng, tính đủ. Cụ thể, cơ cấu giá dịch vụ khám chữa bệnh chỉ tính 4 trong số 7 cấu phần; 3 cấu phần còn lại chưa được tính là khấu hao tài sản, bảo quản, vận hành, chi phí hoạt động gián tiếp để vận hành bệnh viện, chi phí đào tạo, bồi dưỡng chuyển giao công nghệ. Bên cạnh đó, trong 4 cấu phần đã được tính lại chưa bao gồm phần hao hụt, rủi ro trong quá trình bảo quản, cấp phát thuốc và vật tư.

Mặt khác, do là đơn vị y tế tự chủ, sau khi tổ chức đấu thầu, ký hợp đồng với nhà thầu xong, Bệnh viện đã phải dồn toàn bộ nguồn lực thanh toán cho các nhà thầu trúng thầu. Trong khi đó, về nguồn thu, Bệnh viện lại phải phụ thuộc rất nhiều vào cơ quan bảo hiểm thanh toán BHYT. “Trường hợp cơ quan bảo hiểm chậm thanh toán thì hệ lụy là tình trạng nợ xấu với nhà thầu. Nhà thầu cũng phải xoay xở với nhiều chi phí nên dẫn tới đứt hàng, chậm trễ cung ứng là khó tránh khỏi”, ông Lê Văn Thịnh thông tin.

Trong khi đó, Bác sĩ Tôn Văn Tài, Trưởng Đơn vị Đấu thầu, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết, nhiều quy định pháp luật hiện hành còn bất cập, đặc biệt đối với đơn vị tự chủ khi thực hiện thủ tục chi thường xuyên. Hiện nay, giá dịch vụ khám chữa bệnh chưa được tính đủ, chi phí mua vào các mặt hàng như thuốc, vật tư tiêu hao chưa tính cả các chi phí quản lý, lưu trữ, bảo quản... Trong khi đó, nhiều loại thuốc là những mặt hàng đặc biệt, cần được bảo quản, lưu trữ trong môi trường chuyên dụng, bởi đội ngũ nhân sự có chuyên môn.

Theo các bệnh viện, rất nhiều gói thầu sửa chữa, thay thế trang thiết bị y tế đang bị vướng mắc phần lớn cũng do việc chưa được tính đúng, tính đủ về chi phí. Theo quy định, chi phí duy tu bảo dưỡng thiết bị được tính 2 - 5%. Tuy nhiên, hầu hết trang thiết bị y tế đang sử dụng tại các bệnh viện đều cũ hoặc rất cũ, nên chi phí thực tế cao hơn rất nhiều.

Mặt khác, Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập đã có hiệu lực hơn 1 năm, nhưng vẫn chưa có đủ khung giá. Theo tính toán sơ bộ, mới chỉ 11% dịch vụ y tế có khung giá, nên rất khó khăn cho các bệnh viện, đặc biệt là đơn vị đầu mối mua sắm. Bên cạnh đó, cơ quan bảo hiểm cần sửa đổi các quy định về thang giá dịch vụ khám chữa bệnh theo hướng tính đúng, tính sát với chi phí thực tế chi trả.

Theo bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, bên cạnh việc góp ý cho Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), các vướng mắc, tồn tại liên quan đến hàng loạt luật và quy định về công tác khám, chữa bệnh. “Để công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế vận hành hiệu quả, phục vụ kịp thời nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân, các ý kiến sẽ được ghi nhận để góp ý sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh và các văn bản dưới luật. Đồng thời, cần hành lang pháp lý về tiêu chuẩn định mức kỹ thuật thiết bị mua sắm nhằm tính đúng, tính đủ các chi phí, giá dịch vụ hợp lý, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các bệnh viện”, bà Tuyết cho biết.

Chuyên đề