Gỡ vướng chính sách cho DN phục hồi và phát triển

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tại Diễn đàn Kinh doanh và pháp luật năm 2022 tổ chức ngày 20/12 vừa qua, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh nhấn mạnh, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) phục hồi nhanh và phát triển bền vững sau đại dịch là nhiệm vụ rất quan trọng, được Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ hết sức quan tâm.
Nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã "khát vốn" nhưng không thể tiếp cận gói hỗ trợ. Ảnh: Nguyễn Huế
Nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã "khát vốn" nhưng không thể tiếp cận gói hỗ trợ. Ảnh: Nguyễn Huế

Chính sách khó đi vào cuộc sống

Đầu năm 2022, Quốc hội và Chính phủ ban hành nhiều nghị quyết, văn bản pháp lý để chỉ đạo, điều hành, triển khai nhiều chính sách nhằm hỗ trợ DN phục hồi như: giảm thuế VAT từ 10% xuống 8%; hỗ trợ giảm 2% lãi vay thương mại do Ngân hàng Nhà nước triển khai thông qua hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) trên cả nước; hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.

Tuy nhiên, có một thực tế là, DN, hộ kinh doanh, hợp tác xã “đói vốn” nhưng không thể tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ, gói hỗ trợ. Ông Nguyễn Tiến Đạt, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Du lịch AZA cho biết, khi cho vay gói hỗ trợ giảm 2% lãi vay, các NHTM phải tuân thủ quy định về đánh giá rủi ro của khoản vay, theo đó, không cho vay các DN kinh doanh ngành du lịch nói riêng và một số ngành kinh doanh thua lỗ trong thời gian qua. “Thử hỏi có DN du lịch nào mà không bị lỗ trong thời gian qua vì dịch bệnh, không thể đáp ứng điều kiện vay nên cơ hội tiếp cận các khoản vay là rất thấp”, ông Đạt nói.

Không riêng DN ngành du lịch, đa số DN “lắc đầu” vì không thể đáp ứng điều kiện vay gói hỗ trợ lãi suất 2%. Theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hỗ trợ giảm 2% lãi vay thương mại là một chính sách tốt, nhưng trên thực tế lại gây rủi ro pháp lý cho nhiều bên. Về phía NHTM, do sử dụng nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước nên quá trình xét duyệt, thẩm định điều kiện vay rất cẩn trọng và luôn có tâm lý lo ngại rủi ro cao. Đối với người đi vay là các DN, nếu vay được và sử dụng nguồn vốn từ gói hỗ trợ cũng e ngại quá trình thanh, kiểm tra.

Đối với gói hỗ trợ giảm thuế VAT từ 10% xuống 8%, DN cũng có rủi ro từ việc không chắc chắn trong thực thi quy định này. Bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuộc Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính chia sẻ, có một số vấn đề pháp lý nảy sinh trong quá trình thực thi chính sách. Đơn cử, việc xác định hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế không được nhận thức đầy đủ và nhất quán ở các đối tượng áp dụng dẫn đến rủi ro khi thanh, kiểm tra có thể bị truy thu.

Ngoài ra, Nghị định 15/2022/NĐ-CP quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội có quy định liên quan tới việc DN phải lập hóa đơn riêng đối với hàng hóa, dịch vụ giảm thuế. Trong quá trình thực thi, Bộ Tài chính nhận được phản ánh về việc nếu DN lập chung một hóa đơn cho các hàng hóa, dịch vụ có nhiều mức thuế giá trị gia tăng thì sẽ không được giảm thuế, điều này dẫn đến việc tăng chi phí kế toán, tăng chi phí thực thi của DN.

Gỡ vướng chính sách, cách nào?

Gói chính sách hỗ trợ DN phục hồi và phát triển được Nhà nước đưa ra rất mạnh mẽ, nhưng thực tế triển khai, nhiều DN khó được thụ hưởng cho thấy, tính khả thi là một điểm yếu của chính sách đã ban hành.

Trên bình diện chung, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho biết, năm 2022, ngành tư pháp đã rà soát gần 28.000 văn bản, từ đó kiến nghị cấp có thẩm quyền bổ sung, sửa đổi, hoặc bãi bỏ gần 6.000 văn bản. Bên cạnh đó, trong Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho DN nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025, các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức nhiều hoạt động bồi dưỡng kiến thức pháp luật và hỗ trợ tư vấn cho nhiều DN.

Chia sẻ tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng cho rằng, để xác định đúng, trúng nhu cầu của DN, cần có tiếng nói của các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia, đặc biệt là từ chính cộng đồng DN.

Về phía DN, để chính sách hỗ trợ sự phát triển, ông Nguyễn Hưng Quang, Giám đốc điều hành Văn phòng Luật sư NHQ & cộng sự cho rằng, DN cần chủ động xây dựng nhân sự chuyên trách pháp lý. Cùng với đó, các DN nên tham gia các hiệp hội và các hiệp hội nên tham gia vào quá trình xây dựng chính sách để nắm bắt các chính sách ngay từ “gốc”. Khi “cùng lắng nghe nhau”, hay nói cách khác, cơ quan quản lý cầu thị và DN thẳng thắn bày tỏ chính kiến của mình, việc xây dựng, thực thi chính sách sẽ khả thi hơn và giảm rủi ro cho các bên.

Chuyên đề