“Gỡ trúng” điểm nghẽn, tạo xung lực tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Niềm tin vào môi trường kinh doanh tại Việt Nam ngày càng cải thiện và nhận được sự đánh giá tích cực từ cộng đồng các nhà đầu tư. Tuy nhiên, vẫn còn một số điểm về hành lang pháp lý, thủ tục hành chính, kết cấu hạ tầng cần tiếp tục được chú trọng giải quyết. Với Nghị quyết 01/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP vừa được Chính phủ ban hành, giới chuyên gia đặt kỳ vọng vào triển vọng tăng trưởng kinh tế tích cực trong năm 2024 nếu thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp đề ra.
Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại. Ảnh: Lê Tiên
Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại. Ảnh: Lê Tiên

Cải thiện chỉ số niềm tin kinh doanh

Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) vừa công bố chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) của các nhà đầu tư châu Âu tại Việt Nam quý IV/2023 đạt 46,3 điểm, tăng nhẹ so với kết quả của quý III/2023. Triển vọng quý I năm 2024 là tích cực với 29% doanh nghiệp đánh giá “xuất sắc” hoặc “tốt”. Một dấu hiệu nữa cho thấy mối lo ngại đang giảm dần là mức độ lo lắng cực độ của các doanh nghiệp đã giảm từ 9% xuống 5%.

Các doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết, hoạt động kinh doanh tại Việt Nam đã sẵn sàng cho sự tăng trưởng. 31% công ty có kế hoạch mở rộng lực lượng lao động trong quý I/2024 và 34% có ý định tăng mức đầu tư, một sự tăng trưởng rõ ràng kể từ năm 2023. Những số liệu thống kê này báo hiệu động lực tăng trưởng mạnh mẽ và cơ hội cho Việt Nam trong năm 2024.

Chủ tịch EuroCham Gabor Fluit nhận xét: “Chắc chắn xu hướng tích cực đang diễn ra. Mặc dù vẫn còn một chặng đường dài để phục hồi hoàn toàn, nhưng các doanh nghiệp đang cảm thấy lạc quan hơn. Cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tin rằng đã vượt qua thời kỳ kinh tế được cho là thách thức và khó khăn nhất. Mặc dù những con số này đầy hứa hẹn, nhưng vẫn cần thận trọng. Chỉ số niềm tin kinh doanh vẫn ở dưới mức trung bình và hơn 1/3 số doanh nghiệp dự đoán sẽ hoạt động kém hiệu quả”.

Theo ông Gabor Fluit, trước thực tế cạnh tranh kinh tế ngày càng tăng trong khu vực, Việt Nam vẫn nên cảnh giác. Điều quan trọng là phải tiếp tục hoàn thiện các chính sách và chiến lược để thu hút và duy trì đầu tư trực tiếp nước ngoài của châu Âu. Một lĩnh vực quan trọng cần tập trung thực hiện là đơn giản hóa thủ tục hành chính, vốn là một trở ngại lớn đối với doanh nghiệp. Đồng thời, đầu tư vào kết cấu hạ tầng để giảm chi phí hậu cần và nâng cao trình độ của lực lượng lao động sẽ giúp duy trì tính cạnh tranh và quỹ đạo tăng trưởng.

Nghị quyết số 02/NQ-CP đặt mục tiêu tổng quát là cải thiện mạnh mẽ chất lượng môi trường kinh doanh để phù hợp với bối cảnh và xu thế phát triển, nâng cao vị thế của đất nước. Ảnh: Tiên Giang

Nghị quyết số 02/NQ-CP đặt mục tiêu tổng quát là cải thiện mạnh mẽ chất lượng môi trường kinh doanh để phù hợp với bối cảnh và xu thế phát triển, nâng cao vị thế của đất nước. Ảnh: Tiên Giang

Xúc tiến cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư kết cấu hạ tầng

Hoàn thiện các chính sách, đơn giản hóa thủ tục hành chính và đầu tư vào kết cấu hạ tầng là những nội dung được chú trọng tại Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024.

Trong đó, Chính phủ nhấn mạnh việc đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, nhất là hệ thống đường cao tốc, cảng hàng không, bến cảng, hạ tầng đô thị, hạ tầng liên vùng, hạ tầng số, hạ tầng xã hội, y tế, giáo dục… Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các dự án hạ tầng quy mô lớn, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất rừng, đất lúa; bảo đảm nguồn cung và kiểm soát giá nguyên vật liệu; kịp thời rà soát, điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất để phù hợp với mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng.

Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là trọng tâm trong chỉ đạo điều hành ngay từ đầu năm của Chính phủ tại Nghị quyết số 02/NQ-CP.

Nghị quyết đặt mục tiêu tổng quát là cải thiện mạnh mẽ chất lượng môi trường kinh doanh để phù hợp với bối cảnh và xu thế phát triển, nhằm nâng cao vị thế của đất nước trên các bảng xếp hạng quốc tế. Để đạt các mục tiêu trên, một số nhóm giải pháp được Chính phủ chú trọng thực hiện là: tháo gỡ bất cập pháp lý trong thực hiện dự án đầu tư; nâng cao chất lượng cải cách danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh; nâng cao hiệu quả công tác quản lý, đẩy mạnh cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa và triển khai hiệu quả Cổng thông tin một cửa quốc gia.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, TS. Võ Trí Thành, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, việc ban hành Nghị quyết 01 và Nghị quyết 02 cho thấy sự kịp thời và nỗ lực liên tục của Chính phủ trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. “Các giải pháp tại hai nghị quyết này hướng đến đúng những điểm nghẽn cần tháo gỡ của nền kinh tế. Điểm nổi bật là nêu rõ các nhiệm vụ và mục tiêu cụ thể. Để thực hiện thành công các nghị quyết này, cần chú trọng các giải pháp phân cấp giám sát và trách nhiệm cá nhân trong triển khai”, ông Thành nhấn mạnh.

TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam cho rằng, điểm đáng chú ý tại hai nghị quyết này là yêu cầu phát huy nội lực nền kinh tế như: phát triển thị trường trong nước, thúc đẩy giải ngân đầu tư công, cải thiện môi trường kinh doanh để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và của quốc gia, từ đó thu hút hơn nữa đầu tư trong nước và nước ngoài.

“Để thực hiện thành công các nhiệm vụ đặt ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP, cần có sự giám sát chặt chẽ từ các bộ, ngành, địa phương và báo cáo kết quả định kỳ. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm giải trình của các bộ, ngành, địa phương nếu không thực hiện hoặc thực hiện không đạt các mục tiêu đã đặt ra. Nếu các giải pháp được thực hiện tốt và liên tục như những năm vừa qua thì hoàn toàn có thể kỳ vọng vào triển vọng tăng trưởng kinh tế tích cực cho năm 2024”, ông Bình nhấn mạnh.

Chuyên đề