Gỡ rào cản, thu hút đầu tư tư nhân vào tăng trưởng xanh

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Việt Nam đã có các cơ chế, chính sách thu hút tư nhân đầu tư cho tăng trưởng xanh. Tuy nhiên, do nhiều khó khăn, bất cập nên kết quả còn hạn chế, nhà đầu tư đối mặt nhiều rủi ro. Cần làm gì để môi trường đầu tư hấp dẫn hơn?
Thời gian qua, số lượng doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo và môi trường tăng mạnh. Ảnh: Bùi Văn Thịnh
Thời gian qua, số lượng doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo và môi trường tăng mạnh. Ảnh: Bùi Văn Thịnh

Còn nhiều rào cản

Dẫn kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) về vai trò của đầu tư tư nhân đối với tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, TS. Hồ Công Hòa, Phó Trưởng ban Nghiên cứu các vấn đề xã hội thuộc CIEM cho biết, hướng tới phát triển bền vững, Việt Nam đã ban hành các chính sách huy động đầu tư tư nhân cho tăng trưởng xanh.

Cụ thể, để thu hút đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, Nhà nước đã ban hành các cơ chế mua điện năng lượng tái tạo theo giá cố định (FIT) với mức giá ưu đãi. Với dịch vụ công, Nhà nước tạo môi trường đầu tư công khai, minh bạch và bình đẳng trong tham gia cung ứng dịch vụ công cho doanh nghiệp (DN) tư nhân. Luật Bảo vệ môi trường quy định, tất cả các dịch vụ môi trường chất thải, nước thải phải thực hiện đấu thầu, nếu không đấu thầu được thì mới đặt hàng, giao nhiệm vụ.

“Nghị định số 32/2019/NĐ-CP quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên là “chìa khóa” mở cánh cửa cho khu vực tư nhân tham gia”, ông Hòa dẫn chứng.

Theo đó, giai đoạn 2010 - 2019, số lượng DN tư nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực năng lượng và môi trường tăng mạnh, đặc biệt là đầu tư sản xuất năng lượng tái tạo, nước sạch, thu gom và xử lý nước thải, chất thải rắn.

Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn không ít “rào cản” trong thu hút đầu tư của khu vực này mà nguyên nhân chính là cơ chế, chính sách chưa đồng bộ, thiếu tính ổn định; quy trình cấp phép đầu tư, phát triển, xây dựng, vận hành dự án mất nhiều thời gian và phức tạp; nhà đầu tư tư nhân còn gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng, thiếu đất sạch làm tăng chi phí và rủi ro cho DN thực hiện dự án; tư duy nhiệm kỳ còn tồn tại…

TS. Nguyễn Diễm Hằng, Trưởng phòng Nghiên cứu đô thị thuộc Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội cho rằng, dù đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, nhưng khâu triển khai thực hiện ở nhiều địa phương còn hạn chế.

Trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, một nhà đầu tư cho rằng, văn bản quy phạm pháp luật về chính sách giá điện có thời gian hiệu lực ngắn và thay đổi liên tục khiến các nhà đầu tư lĩnh vực này gặp nhiều rủi ro.

“Bài học lớn đối với các nhà đầu tư điện gió trong bối cảnh dịch Covid-19 vừa qua là gần như tất cả rủi ro đều đẩy về phía nhà đầu tư. Đó là, nhiều dự án điện năng lượng tái tạo của nhà đầu tư bị cắt giảm công suất khi tiêu thụ điện giảm; nhiều dự án điện gió chậm tiến độ, không kịp hưởng giá FIT, nhưng đến nay chưa rõ cơ chế san sẻ, hỗ trợ nhà đầu tư”, nhà đầu tư này băn khoăn.

Tạo dựng môi trường đầu tư hấp dẫn

Để thu hút nguồn lực đầu tư tư nhân cho tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030 nói chung, lĩnh vực năng lượng tái tạo, dịch vụ môi trường nói riêng, ông Hòa cho rằng, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp tạo dựng môi trường đầu tư hấp dẫn, nâng cao chất lượng khung pháp lý và năng lực thực hiện chính sách.

Nhóm nghiên cứu của CIEM cho rằng, Việt Nam cần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực năng lượng và môi trường, từng bước tạo dựng thị trường năng lượng đầy đủ theo cơ chế thị trường; đảm bảo thông thoáng, minh bạch, công bằng giữa mọi thành phần kinh tế. Cùng với đó, áp dụng các công cụ kinh tế như phát triển ngân hàng xanh, tín dụng xanh giúp DN tiếp cận được các nguồn tài chính xanh; thúc đẩy quá trình triển khai chính sách mua sắm công xanh; nghiên cứu khả năng áp dụng thuế các bon theo lộ trình phù hợp nhằm định hướng sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của xã hội trong tương lai…

Từ thực tế thu hút đầu tư vào năng lượng tái tạo, ông Nguyễn Thanh Hải, chuyên gia kinh tế của Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) chia sẻ, việc chuyển đổi sang cơ chế đấu thầu phát triển các dự án là rất tốt. Đây là phương pháp hay, mang tính khoa học và hiệu quả thực tế để giảm thiểu rủi ro cho các nhà đầu tư.

Bà Hằng đề nghị, tới đây cần làm rõ vai trò của các địa phương trong việc hiện thực hóa các mục tiêu của Chiến lược tăng trưởng xanh. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cần nâng cao năng lực để đảm bảo thực hiện các dự án đã trúng thầu…

Chuyên đề