Gỡ nút thắt tiến độ cho các dự án điện

(BĐT) - Dù đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Chính phủ cũng như cơ quan quản lý, song đến nay, tiến độ nhiều dự án điện (nguồn điện và lưới điện) vẫn không đáp ứng yêu cầu. Tiến độ các dự án điện không được cải thiện, nguy cơ thiếu điện càng bộc lộ rõ nét…
Vướng mắc lớn nhất của các dự án lưới điện là vấn đề bồi thường, giải phóng mặt bằng. Ảnh: Thế Anh
Vướng mắc lớn nhất của các dự án lưới điện là vấn đề bồi thường, giải phóng mặt bằng. Ảnh: Thế Anh

Chia sẻ với Báo Đấu thầu về tiến độ Dự án Đường dây 500 kV mạch 3 (Vũng Áng - Quảng Trạch - Dốc Sỏi - Pleiku 2) do Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) làm chủ đầu tư, một cán bộ EVNNPT cho biết, hiện Dự án vẫn chưa hết vướng cho dù dịch Covid-19 đã cơ bản được đẩy lùi. Vướng mắc lớn nhất vẫn là liên quan đến bồi thường, giải phóng mặt bằng (BTGPMB). “Lãnh đạo Chính phủ, Bộ Công Thương… cũng có nhiều cuộc làm việc để gỡ vướng, song đến nay vẫn chưa giải quyết được bao nhiêu”, cán bộ EVNNPT cho biết.

Thông tin rõ hơn về tiến độ của Dự án, đại diện Phòng Kế hoạch thuộc Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung (CPMB) - đơn vị thay mặt chủ đầu tư quản lý Dự án cho biết, tính đến ngày 23/5/2020, Ban đã đo đạc giải thửa được 1.606/1.606 vị trí (đạt 100%), kê kiểm 1.606/1.606 vị trí (đạt 100%), lập phương án bồi thường (PABT) 1.419/1.606 vị trí, đạt 88%; bàn giao mặt bằng được 1.459/1.606 vị trí, đạt 91%. Về tiến độ thi công, các nhà thầu đã đào móng 1.288/1.606 vị trí (đạt 80% kế hoạch); đúc móng được 1.216/1.606 vị trí (đạt 76% KH); dựng cột 704/1.606 vị trí…

“Tuy nhiên, để công trình về đích cuối năm nay không phải là điều dễ dàng nếu không có sự tập trung và quyết liệt cao”, đại diện Phòng Kế hoạch nhấn mạnh. Đại dịch Covid-19 đã làm chậm tiến độ Dự án khoảng 3 tới 4 tháng.  “Lúc chúng tôi báo cáo Chính phủ xin lùi tiến độ hoàn thành vào cuối năm 2020 thì dịch mới bắt đầu, nhưng sau đó chúng ta phải thực hiện giãn cách xã hội nên gần như công trường không thể triển khai”, vị cán bộ cho biết.

Một báo cáo của Bộ Công Thương cho biết, trong tổng số 62 dự án nguồn điện có công suất trên 200 MW thì chỉ có 15 dự án đạt, còn lại 47 dự án chậm hoặc chưa xác định được tiến độ so với yêu cầu nêu trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh.
Để Dự án Đường dây 500 kV mạch 3 (Vũng Áng - Quảng Trạch - Dốc Sỏi - Pleiku 2) hoàn thành và đóng điện vào cuối năm nay, EVNNPT và CPMB yêu cầu các nhà thầu thi công tập trung nhân lực, vật lực để đảm bảo mặt bằng được giao đến đâu triển khai thi công ngay đến đó, phối hợp với chủ đầu tư tuyên truyền vận động người dân chấp hành tốt phương án bồi thường đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Tương tự, Dự án Đường dây 220kV Nha Trang - Tháp Chàm cũng đang gặp khó khăn trong hoạt động BTGPMB và các thủ tục liên quan đến chủ trương chuyển đổi đất rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, đặc dụng…

Ngoài dự án lưới điện, nhiều dự án nguồn điện cũng đang chậm trễ. Tại cuộc làm việc giữa lãnh đạo Bộ Công Thương với các bên để đẩy nhanh tiến độ các Dự án Nhiệt điện Ô Môn diễn ra vào chiều ngày 27/5, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Giám đốc Ban Quản lý điện 3 thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, tiến độ chậm hơn so với kế hoạch. Một trong những nguyên nhân là việc đàm phán mua bán và định giá khí giữa EVN và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chưa đạt được thoả thuận.

Trước đó, một báo cáo của Bộ Công Thương cho biết, trong tổng số 62 dự án nguồn điện có công suất trên 200 MW thì chỉ có 15 dự án đạt, còn lại 47 dự án chậm hoặc chưa xác định được tiến độ so với yêu cầu nêu trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Điển hình như: Nhiệt điện Thái Bình II; Nhiệt điện Long Phú I; Thủy điện Hòa Bình mở rộng; Tua bin khí hỗn hợp Ô Môn III và IV…

Nhằm bảo đảm cung ứng điện cho phát triển kinh tế với chất lượng tốt, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) cho rằng, cần thực hiện một loạt giải pháp để đẩy nhanh tiến độ các dự án điện đang chậm trễ hiện nay. Đó là, đảm bảo tiến độ các dự án nguồn điện lớn trong giai đoạn 2021 - 2025 và sau năm 2025 được phê duyệt trong Quy hoạch điện VII; nhập khẩu điện từ Trung Quốc và Lào, đồng thời bổ sung quy hoạch các công trình lưới điện 220 kV liên quan đến mua điện nhập khẩu; tăng cường thực hiện các giải pháp kiểm soát nhu cầu phụ tải như: tiết kiệm điện, triển khai mạnh mẽ các chương trình kiểm toán năng lượng…

Về công tác giải phóng mặt bằng, Chủ tịch VEA cho rằng cần có biện pháp quyết liệt theo quy định của pháp luật để giải quyết dứt điểm khó khăn cho các dự án điện, đặc biệt là các dự án nguồn điện trọng điểm, các dự án lưới điện truyền tải quan trọng phục vụ giải tỏa công suất các trung tâm điện lực…

Chuyên đề