Gỡ nút thắt, tạo niềm tin cho doanh nghiệp và người dân

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Phát biểu tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương ngày 29/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, lãnh đạo Chính phủ luôn lắng nghe từng hơi thở của các doanh nghiệp trong phát triển đất nước. Thủ tướng yêu cầu từng cấp, từng ngành phải gỡ nút thắt, không được để người dân và doanh nghiệp mất niềm tin vào Chính phủ, vào bộ trưởng, chủ tịch, bí thư các tỉnh, thành phố.
Đẩy nhanh chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2021. Ảnh: Lê Toàn
Đẩy nhanh chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2021. Ảnh: Lê Toàn

Thủ tướng cho biết, mục tiêu kép trong phát triển kinh tế - xã hội của năm 2020 đã được thực hiện thành công, kinh tế vĩ mô ổn định, giải ngân vốn đầu tư công đạt kết quả cao, phát triển văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ, cải cách thủ tục hành chính đạt nhiều kết quả, quốc phòng, an ninh được bảo đảm, đặc biệt là thành công trong đối ngoại.

Người đứng đầu Chính phủ nêu rõ, chúng ta thống nhất chủ đề năm 2021 là “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới sáng tạo, khát vọng phát triển”. Từ đó, quan điểm chỉ đạo nhất quán là tiếp tục đổi mới tư duy phát triển, hành động quyết liệt hơn, hiệu quả hơn, vượt qua khó khăn, biến thách thức thành cơ hội, tận dụng tốt các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và xu hướng dịch chuyển đầu tư, thương mại, chuyển đổi số trong khu vực và thế giới. Kiên quyết không lùi bước trước khó khăn, thách thức.Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương ban hành kế hoạch cụ thể của các bộ, ngành, địa phương trước ngày 20/1/2021.

“Chúng ta làm kế hoạch 2021 nhưng cũng phải nghĩ dài hơi hơn, đó là quy hoạch vùng, quy hoạch ngành, quy hoạch quốc gia, kế hoạch đầu tư trung hạn 2021 - 2025. Cho nên từng cấp, từng ngành phải gỡ nút thắt để bừng lên sự phát triển bền vững, với một tinh thần là không được để người dân, doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế mất niềm tin vào Chính phủ, vào bộ trưởng, vào chủ tịch, bí thư các tỉnh, thành phố”, Thủ tướng yêu cầu.

Trình bày tham luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh các nhiệm vụ trọng tâm năm 2021. Trong đó, phòng chống dịch Covid-19 vẫn là ưu tiên hàng đầu. Cùng với đó, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, các đột phá chiến lược, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, doanh nghiệp, các sản phẩm. Đẩy nhanh chuyển đổi số. Cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng hiệu quả cao. Khẩn trương lập Đề án xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại Đà Nẵng và TP.HCM. Tập trung hoàn thiện nhanh khung khổ pháp lý và triển khai các loại hình kinh doanh mới, kinh tế số. Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia. Tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp vươn ra quốc tế, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Tại Hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, năm 2021, ngành ngân hàng tập trung vào các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, thiên tai, bão lũ và biến đổi khí hậu. Tái cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội để hỗ trợ người lao động, tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, giảm chỉ tiêu lợi nhuận để có điều kiện giảm lãi suất cho vay. Mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn, hiệu quả, nâng cao chất lượng dịch vụ thanh toán, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ để phản ứng kịp thời, bảo đảm cung ứng đầy đủ thanh khoản cho nền kinh tế. Sử dụng đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa để bảo đảm đạt mục tiêu lạm phát bình quân khoảng 4% mà Quốc hội đề ra, thực hiện chủ trương không ai bị bỏ lại phía sau...

Từ góc độ cơ quan điều hành tài chính - ngân sách quốc gia, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, năm 2021, ngành tài chính khẩn trương rà soát, báo cáo Chính phủ và cấp có thẩm quyền các giải pháp ưu đãi, miễn giảm, giãn các khoản thuế, lệ phí nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; thu hút các nguồn dịch chuyển vốn đầu tư phù hợp với mục tiêu, yêu cầu phát triển kinh tế, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn kế hoạch... Tuy nhiên, việc đề xuất chính sách cần căn cứ vào thực tiễn, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm.

Cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đề nghị các ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo công tác quản lý ngân sách, bảo đảm thu đúng, thu đủ, kịp thời các khoản thu; chống thất thu, chuyển giá, trốn lậu thuế, buôn lậu, gian lận thương mại và xuất xứ, giao chỉ tiêu giảm nợ đọng thuế, trốn thuế 5%, phấn đấu tăng thu ngân sách tối thiểu 3% so với dự toán ngân sách được giao…

Chuyên đề