Giá thành điện từ năng lượng tái tạo cao, chưa tạo ra lợi nhuận đủ để hấp dẫn nhà đầu tư. Ảnh: Ngọc Tuấn |
Một số chuyên gia cho rằng, các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước khi cho những dự án này vay cần chú ý đến việc “giảm nhẹ” phần bảo lãnh của Chính phủ để bảo đảm không gia tăng nợ công.
Giá bán điện chưa đủ sức hút nhà đầu tư
Tại Hội nghị Đối thoại cấp kỹ thuật Việt Nam - JBIC (Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản) lần thứ 6 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức, đại diện Sở Công Thương Bình Thuận cho biết, trên địa bàn Tỉnh hiện có 19 dự án điện gió với tổng công suất đăng ký đầu tư, đề nghị lắp đặt 1.142,5MW. Trong đó, có 2 dự án (tổng công suất 36MW) đã hoàn thành phát điện, 2 dự án đang thi công (80MW), 2 dự án đã được UBND Tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư và đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư (120MW), 10 dự án đang hoàn chỉnh hồ sơ với tổng công suất 757 MW; 2 dự án đang khảo sát, nghiên cứu để lập dự án đầu tư với tổng công suất dự kiến 100MW. Ngoài ra, còn có 1 nhà đầu tư đang xin chủ trương khảo sát, đo gió để lập hồ sơ dự án đầu tư với công suất 50MW.
Tuy nhiên, theo đại diện Sở Công Thương Bình Thuận, nhiều dự án điện gió còn chậm triển khai do năng lực của nhà đầu tư còn hạn chế, chính sách của Nhà nước về hỗ trợ phát triển điện gió chưa đủ mạnh (trong đó quan trọng nhất là giá bán điện cho ngành điện còn thấp) khiến các nhà đầu tư khó vay vốn các ngân hàng, tổ chức tín dụng. Điều này đã làm giảm sức hấp dẫn của các dự án điện gió đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Lý giải về giá điện, ông Trần Văn Ngọc, Vụ Kinh tế công nghiệp thuộc Bộ KH&ĐT thông tin, hiện Việt Nam vẫn chưa chủ động được việc chế tạo thiết bị cho phát triển năng lượng tái tạo, phải nhập khẩu các thiết bị cốt lõi, nên giá thành bán điện từ nguồn năng lượng tái tạo cao. Do đó, giá bán điện vẫn ở mức chưa đủ khuyến khích, chưa tạo ra mức lợi nhuận đủ để hấp dẫn các nhà đầu tư.
Giảm bảo lãnh chính phủ để không tăng nợ công
Tại Hội nghị, đại diện JBIC cho biết, ngân hàng này hiện có 3 công cụ tài chính nhằm hỗ trợ cho các dự án PPP (bao gồm cả dự án BOT) trong lĩnh vực năng lượng tái tạo là: khoản tài trợ đầu tư nước ngoài; khoản tài trợ xuất khẩu; khoản tài trợ không ràng buộc (GREEN). Trong đó, khoản GREEN chủ yếu dành cho các nước đang phát triển để thực hiện dự án hoặc nhập khẩu máy móc, hoặc cho các quốc gia nâng mức cân bằng cán cân thương mại, ổn định tiền tệ.
Liên quan tới các khoản vay cho các dự án năng lượng tái tạo đầu tư theo hình thức PPP, ông Trần Văn Ngọc cho rằng, Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến vấn đề nợ công. Do đó, JBIC có thể xem xét việc đa dạng hóa nguồn vay, khoản vay, trong đó giảm nhẹ phần bảo lãnh của Chính phủ để tránh gia tăng nợ công, ảnh hưởng tới sự phát triển chung của kinh tế Việt Nam.
Đại diện Vụ Hợp tác quốc tế thuộc Ngân hàng Nhà nước thông tin, hiện các khoản vay của JBIC tại Việt Nam đang được thực hiện giải ngân ở Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB). Với cơ chế này, các nhà đầu tư, người vay cuối cùng, khó có thể tiếp cận được những khoản tín dụng lãi suất tốt. Đại diện Ngân hàng Nhà nước đề xuất, JBIC nên có những cơ chế để hạn chế tối đa trung gian chuyển vốn, để giảm chi phí phát sinh, giúp người vay cuối cùng được hưởng mức lãi suất tốt nhất.
Trước những đề xuất từ phía Việt Nam, ông Kazunori Ogawa, Vụ trưởng Vụ Tài chính Điện và Năng lượng mới II thuộc JBIC cho biết, với những dự án điện truyền thống có quy mô hầu hết là các dự án lớn nên phần bảo lãnh chính phủ đòi hỏi cao. Còn đối với các dự án năng lượng tái tạo có quy mô nhỏ hơn thì các nhà đầu tư có thể làm việc trực tiếp với JBIC trong từng dự án cụ thể để đánh giá và trao đổi cụ thể về phần bảo lãnh chính phủ.