Gỡ khó về bảo trì các dự án BOT ngừng thu phí

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có văn bản chấp thuận cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam (TCĐB) tiếp nhận quản lý, bảo trì tài sản công các dự án BOT giao thông trong thời gian tạm dừng thu phí đến khi hoàn tất thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản, đảm bảo an toàn, chống xuống cấp, giải quyết tình trạng “cha chung không ai khóc” thời gian qua.
Tổng cục Đường bộ sẽ tiếp nhận quản lý, bảo trì các dự án BOT giao thông trong thời gian tạm dừng thu phí đến khi xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản. Ảnh: Lê Tiên
Tổng cục Đường bộ sẽ tiếp nhận quản lý, bảo trì các dự án BOT giao thông trong thời gian tạm dừng thu phí đến khi xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản. Ảnh: Lê Tiên

Vừa qua, nhiều dự án BOT giao thông sau khi ngừng thu phí để làm các thủ tục thanh lý hợp đồng, chuyển giao sang sở hữu toàn dân đã bị xuống cấp nghiêm trọng vì không được bảo trì, sửa chữa. Có những dự án dừng thu phí cả năm nhưng vẫn chưa thanh lý được hợp đồng, chưa bàn giao công trình do cơ quan quản lý và nhà đầu tư BOT chưa thống nhất được các chi phí để xác định thời gian hoàn vốn đầu tư như: lợi nhuận nhà đầu tư trong giai đoạn xây dựng, một số chi phí, lãi vay.

Đáng chú ý, việc bảo trì, bảo dưỡng những dự án BOT trong thời gian chuyển giao này như quả bóng bị đẩy qua, đẩy lại giữa nhà đầu tư và cơ quan nhà nước có thẩm quyền của dự án BOT. Chẳng hạn tại Dự án BOT cầu Đồng Nai mới (dừng thu phí từ ngày 24/8/2020), Tổng công ty CP Đầu tư và Xây dựng cầu Đồng Nai (doanh nghiệp dự án) đã có văn bản gửi TCĐB và các cơ quan chức năng báo cáo về lý do bất khả kháng phải dừng thực hiện công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên công trình này sau khi dừng thu phí.

Bộ GTVT đã có văn bản báo cáo Thủ tướng về chủ trương tiếp nhận và bảo quản công trình dự án BOT trong thời gian tạm dừng thu phí đến khi hoàn tất thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản. Thủ tướng đã có văn bản chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu và hướng dẫn Bộ GTVT thực hiện, nhưng đến nay văn bản hướng dẫn chưa được ban hành.

Ngày 13/5/2021, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Bộ GTVT, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để lấy ý kiến Dự thảo hướng dẫn việc quản lý công trình dự án BOT theo hướng: “Để tránh việc xuống cấp của tài sản cũng như trách nhiệm duy trì cung cấp dịch vụ công của Nhà nước, trường hợp hai bên không đàm phán, thỏa thuận được thời điểm chấm dứt hợp đồng, căn cứ quy định về chấm dứt hợp đồng trước thời hạn tại Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), Nghị định số 35/2021/NĐ-CP và các quy định pháp luật có liên quan, đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu thực hiện thủ tục chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, đảm bảo tính pháp lý và vận hành công trình hạ tầng, cung cấp dịch vụ sử dụng đường bộ cho người dân”.

Bộ GTVT cho biết, trong khi chờ hướng dẫn của Bộ Tài chính, căn cứ quy định về sửa đổi hợp đồng tại Điều 421 Bộ luật Dân sự 2015, Bộ GTVT giao TCĐB nghiên cứu các quy định mới, trường hợp doanh nghiệp dự án BOT từ chối thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo trì công trình dự án theo hợp đồng đã ký và đề nghị giao lại dự án, TCĐB chủ trì thực hiện chức năng cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Thông tư 50/2018/TT-BGTVT để đàm phán điều chỉnh hợp đồng thống nhất áp dụng Điều 52 Luật PPP làm cơ sở thực hiện. Trình tự chấm dứt hợp đồng trước thời hạn quy định tại Điều 81 Nghị định 35/2021/NĐ-CP. Sau khi đã thống nhất các nội dung này, trong khi chờ phương án xử lý tiếp theo, TCĐB tổ chức thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Khoản 4, Khoản 5 Điều 52 Luật PPP để đảm bảo tính liên tục trong vận hành khai thác công trình. Trường hợp TCĐB tiếp nhận lại dự án BOT trước thời hạn hợp đồng theo quy định của Luật PPP, TCĐB cần nghiên cứu và thực hiện chặt chẽ để xác định rõ trách nhiệm từng bên đến thời điểm bàn giao, tổ chức tiếp nhận công trình, không để xảy ra tình trạng xung đột lợi ích các bên.

Chuyên đề