Gỡ khó phát triển KCN-KCX tại TP.HCM

(BĐT) - Là thành phố năng động bậc nhất cả nước, song đến thời điểm này chỉ có khoảng 60% diện tích khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN-KCX) tại TP.HCM được lấp đầy. Điều này cho thấy, việc phát triển KCN tại đầu tàu kinh tế cả nước còn nhiều hạn chế.
Các KCN của TP.HCM phân bố không tập trung và thiếu tính liên kết. Ảnh: Quang Tuấn
Các KCN của TP.HCM phân bố không tập trung và thiếu tính liên kết. Ảnh: Quang Tuấn

Bất cập

TP.HCM hiện có 17 KCN-KCX với tổng diện tích 2.571 ha, tỷ lệ lấp đầy mới chỉ là 60%, được phát triển chủ yếu trên nền tảng của 4 ngành công nghiệp là cơ khí chế tạo, điện tử - công nghệ thông tin, cao su - nhựa, chế biến tinh lương thực, thực phẩm và 2 ngành truyền thống là dệt may và da giày.

Các KCN trên địa bàn Thành phố phân bố phân tán, không tập trung, vẫn còn có KCN nhỏ trong nội đô như KCN Tân Bình. Hệ thống chuyên dụng về đường sắt và đường thủy để vận chuyển còn thiếu, giao thông luôn quá tải. Đây cũng là nguyên nhân giải thích việc các KCN phía Nam của Thành phố được lấp đầy do gần sông nước, trong khi đó nhiều KCN phía Bắc còn trống vì phải đi qua nội thành.

Thực trạng này khiến các KCN-KCX tại TP.HCM khó cạnh tranh được với Bình Dương, một tỉnh lân cận. Bình Dương hiện có 36 KCN với tổng diện tích trên 10.200 ha. Đại đa số các KCN tại Bình Dương đều phát triển theo mô hình phức hợp, bao gồm đô thị - công nghiệp - dịch vụ, trong khi đó tại TPHCM, đa số theo mô hình truyền thống, KCN đơn giản chỉ là nơi sản xuất. 

Định hướng phát triển

Theo định hướng, TP.HCM sẽ phát triển cụm liên kết ngành công nghiệp hỗ trợ tại các KCN, quy hoạch các KCN theo hướng hình thành các cụm công nghiệp chuyên ngành để kết nối dễ hơn với các DN FDI, DN lớn trên địa bàn cũng như trong khu vực phía Nam. Hiện quỹ đất dành cho KCN tại TP.HCM không còn nhiều, trong khi một số KCN có tỷ lệ lấp đầy rất thấp như Hiệp Phước giai đoạn 2 là 13%, An Hạ 19%, Lê Minh Xuân 3 là 21%... Đây là cơ sở để “vẽ lại” quy hoạch chi tiết tại các KCN này.

TP.HCM sẽ nghiên cứu kỹ các mô hình như VSIP tại Bình Dương, mô hình này có thể áp dụng tại KCN - cảng Hiệp Phước. Hiện KCN Hiệp Phước giai đoạn 1 đã được lấp đầy, KCN Hiệp Phước giai đoạn 2 có diện tích 597 ha, KCN Hiệp Phước giai đoạn 3 có 393 ha được quy hoạch với vai trò hình thành khu logistics hiện đại, Khu đô thị Hiệp Phước với quy mô 1.354 ha trong tổng thể Khu đô thị cảng Hiệp Phước có quy mô dân số 180.000 người.

Phát biểu tại cuộc tọa đàm về định hướng phát triển KCN-KCX tổ chức mới đây, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đề nghị rà soát lại từ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại các KCN, các KCN phải định hình lại, không thể có sản xuất mà không có chỗ để ở, không có đường để đi, đến tháng 4/2018 sơ kết chương trình phải có đánh giá rõ ràng, cụ thể hơn. Ông Nguyễn Thiện Nhân lưu ý về giá cho thuê trên 100 USD/m2 sẽ khó cạnh tranh với “anh hàng xóm” Bình Dương chỉ vài chục USD. Ông cũng ủng hộ VSIP cùng bắt tay phát triển các KCN tại TP.HCM để đạt hiệu quả cao nhất.

Còn ông Nguyễn Hoàng Năng, Trưởng ban quản lý KCX-KCN TP.HCM cho rằng, phải xem đề xuất của nhà đầu tư là đơn đặt hàng thì các KCN-KCX tại TP.HCM mới thực sự phát triển bền vững. Theo đó, ông Năng đề xuất, việc phát triển cụm liên kết ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghệ trình độ cao cần được đặc biệt ưu tiên.

Chuyên đề