Doanh nghiệp Việt Nam đang chịu nhiều tác động tiêu cực từ sự suy giảm của hoạt động xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng. Ảnh: Tuấn Anh |
Những nghịch lý phát triển
Doanh nghiệp Việt Nam giỏi chống chịu, sống dai nhưng chậm lớn, khó trưởng thành - đó là nghịch lý phát triển doanh nghiệp mà chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên chỉ ra khi phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế xã hội Việt Nam 2023.
Ông Trần Đình Thiên phân tích, một mặt, doanh nghiệp có năng lực chống chịu và sinh tồn phi thường. Bằng chứng là hiếm có nơi nào trên thế giới mà các doanh nghiệp phải trả giá vốn (lãi suất) cao như ở Việt Nam, chưa kể các khoản “chi phí giao dịch” cũng cao vượt trội. Theo logic cạnh tranh, với gánh nặng chi phí như vậy và trình độ thấp, thực lực yếu, doanh nghiệp Việt khó có thể tồn tại trong môi trường kinh tế “mở”. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt vẫn tồn tại một cách bền bỉ và mạnh mẽ, đóng góp ngày càng lớn vào thành tựu phát triển của đất nước.
Nhưng theo ông Thiên, thực tế này cũng cho thấy một khía cạnh khác trong quá trình phát triển của doanh nghiệp Việt. Câu hỏi đặt ra là tại sao với năng lực “chống chịu” và “trụ hạng” hiếm có như vậy mà đa số doanh nghiệp Việt mãi cứ là những thực thể nhỏ bé và yếu kém, cứ “chậm lớn”, “khó lớn”, “ngại lớn”, khi “li ti hóa” trở thành xu hướng xuyên suốt quá trình phát triển của đại đa số doanh nghiệp Việt? Cùng với đó, một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp “chưa kịp lớn” đã “ra đi”. Xu thế đó báo động chất lượng quản trị thấp, năng lực cạnh tranh quốc tế yếu của doanh nghiệp Việt Nam. Nghịch lý được bộc lộ rõ rệt hơn bao giờ hết trong những năm gần đây, đặc biệt là năm 2023.
Nghịch lý thứ hai là nền kinh tế khát vốn nhưng không hấp thụ được vốn. Nhiều doanh nghiệp “đói vốn” nhưng lâm vào tình thế “không thể, không dám và không cần” vay vốn. “Đây thực sự là một nghịch cảnh”, ông Thiên nói.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam đang đối diện với những thách thức to lớn, thậm chí còn hơn cả giai đoạn chịu tác động của dịch Covid-19. Số doanh nghiệp ra khỏi hoặc tạm thời ra khỏi thị trường 8 tháng của năm 2023 đã cao hơn tổng số doanh nghiệp rời khỏi thị trường cả năm của các năm từ 2018 đến 2021. Đây là một chỉ báo quan trọng cho thấy “sức khỏe” đáng báo động của khu vực doanh nghiệp. Sức khỏe của nền kinh tế và doanh nghiệp suy yếu còn thể hiện ở chỗ, 8 tháng đầu năm 2023, lần đầu tiên sau nhiều năm, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam đã giảm so với cùng kỳ năm trước.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, những khó khăn chưa từng có của DN hiện nay có nhiều nguyên nhân, bao gồm nguyên nhân khách quan của kinh tế toàn cầu và cả nguyên nhân từ trong nước, từ thể chế, chính sách.
Cụ thể, nhiều doanh nghiệp phản ánh một yếu tố ảnh hưởng trực tiếp và quan trọng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và sự hấp dẫn của môi trường đầu tư là chất lượng các quy định pháp luật. Khảo sát doanh nghiệp hàng năm PCI cho thấy, tính ổn định và khả năng dự đoán được pháp luật của Việt Nam tương đối thấp, trong cả giai đoạn ban hành và thực thi pháp luật.
Đặc biệt, thời gian qua nổi lên vấn đề lạm dụng ban hành thông tư, ban hành quy chuẩn kỹ thuật. Có quy chuẩn kỹ thuật tương đối thấp, nhưng có những quy chuẩn của Việt Nam có yêu cầu cao hơn cả quy chuẩn của những nước phát triển, chi phí tuân thủ rất cao, vượt quá khả năng của nhiều doanh nghiệp. Ngoài ra, có quy chuẩn ban hành xong, đến thời điểm áp dụng rồi mà chưa chỉ định các phòng thử nghiệm trong nước đủ năng lực, ví dụ như một số quy chuẩn về thiết bị 5G...
Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do những vướng mắc, rào cản về vấn đề pháp lý, thị trường đầu ra, tiếp cận vốn và lao động… Ảnh: Tuấn Anh |
Để doanh nghiệp muốn lớn, trưởng thành một cách bài bản
Trăn trở với nhận định của PGS. TS. Trần Đình Thiên, bà Lê Hồng Thủy Tiên, Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP) cho rằng, không phải doanh nghiệp muốn chậm lớn. “Ngoài những doanh nghiệp dùng thuốc tăng trọng lớn nhanh, bất chấp khả năng “lăn đùng ra chết yểu” thì có rất nhiều doanh nghiệp chịu khó đầu tư, tìm tòi học hỏi, muốn lớn và trưởng thành một cách bài bản nhưng vướng cơ chế, thiếu chính sách mang tính chiến lược", bà Lê Hồng Thủy Tiên nói.
Để giúp doanh nghiệp vượt qua những khó khăn vô cùng lớn hiện nay, bà Lê Hồng Thủy Tiên đưa ra 3 đề xuất. Thứ nhất về chính sách thuế tài chính, hỗ trợ lãi vay, cần giải pháp cụ thể cho từng nhóm doanh nghiệp, có cơ quan độc lập đánh giá các hỗ trợ cho doanh nghiệp để điều chỉnh một cách hiệu quả hơn. Thứ hai là dỡ bỏ rào cản đối với doanh nghiệp, rà soát những quy định thiếu thực tế, không đặt ra những quy định cao hơn khu vực hoặc thế giới hoặc cao hơn mức cần thiết để tránh lãng phí nguồn lực doanh nghiệp. Thứ ba là cơ chế chính sách cần thực chất hỗ trợ doanh nghiệp củng cố nội lực trong giai đoạn hiện nay.
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực đề xuất quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực từ suy giảm xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng bằng cách khai thác tốt hơn các hiệp định thương mại tự do đã ký kết, thực hiện hiệu quả hơn công tác xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, đa dạng hóa hàng hóa và thị trường xuất khẩu, đầu tư. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ kịp thời các vướng mắc về quy định phòng cháy - chữa cháy, cung ứng điện… Đồng thời, triển khai hiệu quả các biện pháp khuyến mại, kích cầu thương mại và du lịch trong nước; quyết liệt tháo gỡ các vướng mắc, rào cản lớn đối với doanh nghiệp hiện nay, nhất là về vấn đề pháp lý, thị trường đầu ra, tiếp cận vốn và lao động...
Ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nhấn mạnh đến yếu tố củng cố niềm tin, giúp doanh nghiệp có sức mạnh tinh thần vượt qua khó khăn. Muốn giữ niềm tin, Chính phủ cần “nói đi đôi với làm”, đang làm tốt thì phải làm quyết liệt hơn, triệt để hơn và cần tiếp tục khích lệ tinh thần đầu tư, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, khuyến khích đổi mới sáng tạo...
Nhận định doanh nghiệp là nguồn năng lực nội sinh quan trọng, ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, công tác cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh được Chính phủ đặc biệt chú trọng, là điều kiện tiên quyết rất quan trọng để doanh nghiệp lớn mạnh, hoạt động hiệu quả trong bối cảnh nhiều khó khăn hiện nay. Bộ KH&ĐT được Chính phủ giao nhiệm vụ tổng rà soát điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính, để có đề xuất kiến nghị đơn giản, cắt giảm hơn nữa thủ tục không cần thiết, giảm chi phí cho doanh nghiệp càng nhiều càng tốt.