Gỡ khó đấu thầu dự án chuyên ngành: Cần sự vào cuộc mạnh hơn của nhiều chủ thể

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực chưa đủ hướng dẫn chuyên ngành, gây khó khăn cho nhiều địa phương như Thanh Hóa, Nghệ An và Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng... và giảm tính hấp dẫn của dự án. Để gỡ khó cần sự vào cuộc của các bộ quản lý ngành để có những hướng dẫn phù hợp nhất với từng ngành, lĩnh vực.
Nhiều địa phương gặp vướng mắc trong lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án chuyên ngành, dự án xã hội hóa do thiếu hướng dẫn cụ thể. Ảnh: Biển Ngọc
Nhiều địa phương gặp vướng mắc trong lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án chuyên ngành, dự án xã hội hóa do thiếu hướng dẫn cụ thể. Ảnh: Biển Ngọc

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Thanh Hóa, thời gian gần đây, trên địa bàn Tỉnh có nhiều nhà đầu tư đăng ký thực hiện các dự án chuyên ngành, dự án xã hội hóa trong lĩnh vực môi trường, y tế, giáo dục như các dự án sản xuất, cung cấp nước sạch, xử lý chất thải rắn, bệnh viện, phòng khám đa khoa… Tuy nhiên, hiện các văn bản quy phạm pháp luật còn có những nội dung chưa thực sự rõ ràng, có những nội dung chưa được quy định, nên các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn Tỉnh chưa có cơ sở giải quyết. Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến cơ hội phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, môi trường đầu tư của Tỉnh.

Tiếp nhận hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Bến xe khách trung tâm Nghĩa Đàn kết hợp dịch vụ tổng hợp, Sở KH&ĐT Nghệ An phải gửi văn bản xin hướng dẫn của Bộ KH&ĐT về hình thức lựa chọn nhà đầu tư. Theo Sở KH&ĐT Nghệ An, qua ý kiến của các đơn vị liên quan, quỹ đất dự án không đủ điều kiện đấu giá; Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Nghệ An thì có ý kiến việc đầu tư xây dựng bến xe là theo hình thức xã hội hóa. Tuy nhiên, quy trình lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án thuộc lĩnh vực xã hội hóa chưa được các bộ, ngành trung ương hướng dẫn cụ thể…

Tỉnh Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng… cũng chia sẻ vướng mắc tương tự, khi nhiều dự án mà pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực quy định phải đấu thầu, nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể từ bộ quản lý ngành đối với tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư, phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu…

Theo quy định, đối với dự án phải tổ chức đấu thầu theo pháp luật chuyên ngành, pháp luật về xã hội hóa, trình tự, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư thực hiện theo quy định tại Khoản 1, Điều 16 Nghị định số 25/2020/NĐ-CP (được sửa đổi theo quy định tại Điểm a, Khoản 7, Điều 108 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư).

Các nội dung về lập, phê duyệt và công bố danh mục dự án, phương pháp và tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất sẽ do các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ ban hành hoặc trình Thủ tướng Chính phủ ban hành theo quy định tại Khoản 3, Điều 16 Nghị định số 25/2020/NĐ-CP (được sửa đổi theo quy định tại Điểm b, Khoản 7, Điều 108 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP).

Trong thời gian các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chưa ban hành quy định hoặc trình Thủ tướng ban hành quy định chi tiết thì nội dung hồ sơ đấu thầu được xây dựng trên cơ sở chỉnh sửa mẫu hồ sơ quy định tại Phụ lục VI và VII ban hành kèm theo Thông tư số 09/2021/TT-BKHĐT hướng dẫn lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư và dự án đầu tư có sử dụng đất (Khoản 2, Điều 8).

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 23/11/2021, trong đó yêu cầu các bộ, ngành khẩn trương hoàn thiện các nhiệm vụ trên. Tuy nhiên, đến nay, mới có một số bộ, như Bộ Xây dựng, Bộ GTVT đã ban hành thông tư hướng dẫn. Đơn cử Bộ GTVT đã ban hành 3 thông tư hướng dẫn, trong đó có Thông tư số 01/2023/TT-BGTVT hướng dẫn về trình tự, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư công trình dịch vụ chuyên ngành giao thông đường bộ, mở đường cho việc lựa chọn nhà đầu tư nhiều trạm dừng nghỉ trong thời gian tới.

Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư số 01/2023/TT-BGTVT, mở đường cho việc lựa chọn nhà đầu tư trạm dừng nghỉ trên cao tốc. Ảnh: Song Lê

Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư số 01/2023/TT-BGTVT, mở đường cho việc lựa chọn nhà đầu tư trạm dừng nghỉ trên cao tốc. Ảnh: Song Lê

Chia sẻ tại cuộc họp Ban soạn thảo Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và các biện pháp thi hành của Luật Đấu thầu 2023 về lựa chọn nhà đầu tư mới đây, lãnh đạo Cục Quản lý đấu thầu cho biết, Cục nhận rất nhiều văn bản xin hướng dẫn của các bộ, ngành, địa phương về đấu thầu dự án theo quy định của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực. Vì thế, việc ban hành hướng dẫn là rất cấp thiết để tháo gỡ vướng mắc thực tiễn, đồng thời bảo đảm thi hành khi Luật Đấu thầu 2023 có hiệu lực.

Luật Đấu thầu luật hóa, quy định hoạt động lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư kinh doanh, trong đó ngoài dự án đầu tư có sử dụng đất thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật về đất đai, có dự án đầu tư thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực.

Bộ KH&ĐT đang lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và các biện pháp thi hành của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư (gọi tắt là Dự thảo Nghị định). Dự thảo Nghị định điều chỉnh các dự án thuộc trường hợp phải tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều 2 Luật Đấu thầu. Đối với các dự án đầu tư có sử dụng đất sẽ tiếp tục thực hiện theo Nghị định số 25/2020/NĐ-CP…

Về đối tượng áp dụng, Dự thảo Nghị định thiết kế theo hướng liệt kê các dự án thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật quản lý ngành lĩnh vực quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều 2 Luật Đấu thầu. Trong đó có: dự án (thí điểm) kinh doanh đặt cược bóng đá quốc tế; dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt; dự án xây dựng công trình quảng cáo; dự án kinh doanh, khai thác quản lý chợ; dự án nạo vét vùng nước cảng biển, vùng nước đường thủy nội địa kết hợp thu hồi sản phẩm; dự án công trình dịch vụ chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không, sân bay; dự án công trình dịch vụ chuyên ngành giao thông đường bộ; dự án đầu tư trên cơ sở liên doanh, liên kết giữa doanh nghiệp nhà nước với nhà đầu tư khác khi chuyển mục đích sử dụng đất.

Cũng theo Dự thảo, phải tổ chức đấu thầu khi có từ 2 nhà đầu tư trở lên quan tâm cùng đăng ký thực hiện dự án tại một địa điểm, gồm: dự án thuộc lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường theo quy định của pháp luật về khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường; dự án đầu tư trường đua ngựa, đua chó, trong đó có hoạt động kinh doanh đặt cược đua ngựa, đặt cược đua chó; dự án xây dựng nhà ở xã hội; dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.

Dự thảo Nghị định hướng dẫn chi tiết về quy trình, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư; phương pháp và tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu trong lựa chọn nhà đầu tư và nhiều nội dung khác trong lựa chọn nhà đầu tư.

Tuy nhiên, để bảo đảm Nghị định khả thi, hiệu quả, về phương pháp, tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu, Bộ KH&ĐT đề nghị các bộ, ngành, địa phương tích cực tham gia, có ý kiến cụ thể về chi tiết nội dung, yêu cầu đối với phương pháp, tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu, phù hợp với đặc thù từng ngành, lĩnh vực. Các bộ quản lý có ý kiến cụ thể đối với phương pháp và tiêu chuẩn đánh giá lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án thuộc trách nhiệm quản lý của mình.

Theo nhiều ý kiến, việc xây dựng phương pháp, tiêu chuẩn đánh giá là cốt lõi để lựa chọn được nhà đầu tư phù hợp với dự án từng ngành, lĩnh vực, vì vậy cần sự vào cuộc tích cực hơn của các bộ, ngành. Khung pháp lý hoàn thiện sẽ tháo gỡ vướng mắc cho địa phương, tạo điều kiện thu hút nguồn lực xã hội vào nhiều ngành, lĩnh vực.

Chuyên đề