Gỡ điểm nghẽn để tăng lợi thế hút dòng vốn mới

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Quy mô và xu hướng dòng vốn đầu tư toàn cầu tiếp tục có sự thay đổi mạnh mẽ do ảnh hưởng của các yếu tố địa chính trị và đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh đó, Việt Nam ngày càng nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư, đặc biệt trong các lĩnh vực định hướng ưu tiên.
Intel đánh giá Việt Nam là nơi rất tiềm năng cho các doanh nghiệp công nghệ tiếp tục mở rộng hoạt động. Ảnh: Lê Tiên
Intel đánh giá Việt Nam là nơi rất tiềm năng cho các doanh nghiệp công nghệ tiếp tục mở rộng hoạt động. Ảnh: Lê Tiên

Nhiều cơ hội đón dòng vốn mới

Trong chuyến làm việc tại Mỹ vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã làm việc với lãnh đạo nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới. Các “ông lớn” công nghệ của Mỹ đều có mối quan tâm hay những kế hoạch đầu tư mới tại Việt Nam.

Giám đốc điều hành Tập đoàn Apple Tim Cook chia sẻ, Apple mong muốn mở rộng chuỗi cung ứng, phối hợp với các doanh nghiệp Việt Nam có đủ điều kiện, tiêu chuẩn tham gia vào chuỗi giá trị của Apple. Ông Tim Cook khẳng định sẽ tích cực xem xét đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng số lượng nhà cung ứng nội địa và nâng tỷ lệ sử dụng dịch vụ và hàng hóa nội địa cao hơn trong các sản phẩm của Apple thời gian tới. Tại Việt Nam, Apple chưa có nhà máy sản xuất trực tiếp nhưng có 31 nhà máy của các đối tác sản xuất thiết bị gốc tại 14 tỉnh, thành với khoảng 160.000 lao động. Các đơn vị này chuyên sản xuất các cấu phần điện tử như bảng điện, camera, màn hình… cho sản phẩm Apple và lắp ráp hoàn thiện sản phẩm.

Các lãnh đạo của Microsoft cho rằng, thế kỷ này là thế kỷ của châu Á và Việt Nam là nước có đóng góp lớn. Microsoft mong muốn xây dựng kỹ năng số cho mọi người cả khối tư nhân, nhà nước; phát triển khoa học dữ liệu tại Việt Nam.

Google cũng mong muốn đóng góp vào sự phát triển kinh tế Việt Nam và phát triển hệ sinh thái kỹ thuật số bền vững, trong bối cảnh Việt Nam đang tiến hành chuyển đổi số toàn diện và xác định đây là một lĩnh vực mũi nhọn trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Ông Keyvan Esfarjani, Phó Chủ tịch điều hành Khối sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu của Intel, nhấn mạnh vai trò rất quan trọng của Việt Nam trong chuỗi sản xuất của Intel, cũng như vai trò của nhà máy tại Việt Nam mà Intel đã đầu tư. Intel đánh giá Việt Nam là nơi rất tiềm năng cho các doanh nghiệp công nghệ tiếp tục mở rộng hoạt động.

Sự quan tâm của các tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ tiếp tục cho thấy cơ hội đón dòng vốn đầu tư mới vào những lĩnh vực mà Việt Nam có định hướng thu hút.

Phát biểu tại Diễn đàn Bất động sản công nghiệp 2022 vừa diễn ra, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Duy Đông chia sẻ, Việt Nam vẫn là điểm sáng trên bản đồ thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Các nhà đầu tư đến từ châu Á, châu Âu, Mỹ và ASEAN tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam. Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP và EVFTA tiếp tục đóng vai trò là động lực tích cực cho tăng trưởng kinh tế nói chung và hoạt động giao thương của Việt Nam với quốc tế nói riêng trong giai đoạn sau dịch. Việc đẩy mạnh xuất khẩu trong bối cảnh nhu cầu hàng hóa của thế giới tăng cao sẽ càng tăng cường vị thế của Việt Nam như một điểm đến hấp dẫn cho các nhà sản xuất, là một phần của chuỗi cung ứng trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.

Xác định ưu tiên thu hút đầu tư, gỡ điểm nghẽn

Mặc dù có nhiều cơ hội, nhưng cuộc cạnh tranh thu hút FDI đang diễn ra quyết liệt, đặc biệt là giữa các nước trong khu vực trong bối cảnh hoạt động đầu tư vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 cũng như những căng thẳng địa chính trị trên thế giới.

Ông Charles Kaye, Tổng giám đốc Quỹ đầu tư Warburg Pincus chia sẻ với Thủ tướng Phạm Minh Chính, có 4 vấn đề mà các nhà đầu tư luôn quan tâm là khả năng đáp ứng của các doanh nghiệp nội địa; ổn định kinh tế vĩ mô; cơ sở hạ tầng; và khả năng đối thoại, trao đổi với các cơ quan chức năng.

Tại Diễn đàn Bất động sản công nghiệp 2022, ông Bruno Jaspaert - Tổng giám đốc Tổ hợp khu công nghiệp Deep C Việt Nam nhận định, Việt Nam đã làm rất tốt và thành công nhưng cần tạo sự khác biệt trong việc định hướng, thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài. Để trở thành người thắng cuộc trong việc đón nhận dòng vốn của xu hướng Trung Quốc + 1, ông Bruno Jaspaert chỉ ra một số vấn đề mà Việt Nam cần chú ý để tăng tính hấp dẫn. Đó là, vấn đề năng lượng; tạo môi trường sống tốt bên cạnh môi trường đầu tư thuận lợi; cải cách thủ tục cần sự nhảy vọt sang một giai đoạn phát triển mới, số hóa ngay các thủ tục, chứ không thể cải cách từ từ. Đặc biệt, Việt Nam đang có chi phí logistics cao nhất trong khu vực Đông Nam Á, chỉ cần thay đổi điều đó thì Việt Nam hoàn toàn có thể tăng lợi thế.

Ông Trần Duy Đông cho biết, Việt Nam đã và đang chuẩn bị những điều kiện cần thiết để sẵn sàng đón nhận làn sóng chuyển dịch đầu tư mới, trở thành cứ điểm sản xuất quan trọng của thế giới bằng cách tiếp tục hoàn thiện thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng để thu hút có chọn lọc, ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường.

Chuyên đề