Gỡ 3 “nút thắt”, khơi thông nguồn lực đầu tư đường bộ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa trình Chính phủ Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số luật liên quan tới đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.
Dự kiến có 19 dự án giao thông đường bộ được áp dụng cơ chế thí điểm tháo gỡ vướng mắc pháp lý. Ảnh: Tường Lâm
Dự kiến có 19 dự án giao thông đường bộ được áp dụng cơ chế thí điểm tháo gỡ vướng mắc pháp lý. Ảnh: Tường Lâm

Một số nhà đầu tư đánh giá, các cơ chế được đưa ra sẽ “khơi thông” nguồn lực đầu tư cho các công trình đường bộ, tăng tính hấp dẫn cho các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) cũng như trao quyền chủ động, tăng cường trách nhiệm của địa phương trong việc triển khai thực hiện dự án.

Cần thiết tháo gỡ vướng mắc về cơ chế

Thời gian qua, nhiều địa phương đã có văn bản đề xuất Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho phép được giao làm cơ quan chủ quản đầu tư, nâng cấp các đoạn tuyến quốc lộ, cao tốc thuộc địa bàn quản lý nhằm giải quyết những bức xúc về hạ tầng giao thông tại địa phương. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, Luật Xây dựng, hệ thống quốc lộ do Bộ GTVT chịu trách nhiệm tổ chức quản lý, thực hiện đầu tư xây dựng. Đối với các tuyến đường cao tốc, việc quản lý đầu tư xây dựng cũng thuộc thẩm quyền của Bộ GTVT. Pháp luật hiện hành không cho phép địa phương làm cơ quan chủ quản, sử dụng ngân sách địa phương để đầu tư các dự án quốc lộ, cao tốc thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương.

Bên cạnh đó, Luật Đầu tư công và các nghị định hướng dẫn không quy định về việc giao một địa phương quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án thực hiện trên địa bàn 2 địa phương. Luật Ngân sách nhà nước quy định, không được sử dụng ngân sách địa phương này chi cho địa phương khác…

Bộ KH&ĐT cho biết, quá trình áp dụng các quy định của pháp luật vào thực tiễn đầu tư phát triển các dự án đường bộ, bao gồm cả phương thức đầu tư công và đầu tư PPP đã bộc lộ những vướng mắc, phát sinh đòi hỏi phải điều chỉnh, hoàn thiện, nhằm tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thúc đẩy, đa dạng hóa và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ngân sách nhà nước từ Trung ương đến địa phương cũng như nguồn lực tài chính từ khu vực tư nhân, các tổ chức tín dụng.

Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số luật liên quan tới đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ sẽ tháo gỡ 3 “điểm nghẽn” lớn về cơ chế theo hướng: tỷ lệ vốn nhà nước tham gia trong các dự án PPP không vượt quá 50% tổng mức đầu tư dự án (không bao gồm chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư); giao thẩm quyền cho địa phương làm cơ quan chủ quản, sử dụng vốn ngân sách địa phương đầu tư các dự án quốc lộ, cao tốc đi qua các địa phương; giao cho 1 địa phương làm cơ quan chủ quản thực hiện đầu tư các dự án giao thông đường bộ qua nhiều địa phương và sử dụng ngân sách của địa phương này hỗ trợ vốn cho địa phương khác.

Khơi thông nguồn lực đầu tư

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Ngọ Trường Nam - Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả cho biết, việc xây dựng và ban hành Nghị quyết là hoàn toàn hợp tình, hợp lý, xuất phát từ nhu cầu của thực tiễn triển khai các công trình giao thông lớn thời gian qua. Việc Dự thảo Nghị quyết “bóc tách” chi phí giải phóng mặt bằng ra khỏi mức trần 50% vốn tham gia của Nhà nước vào các dự án PPP sẽ tạo thêm sức hấp dẫn cho loại dự án này khi phương án tài chính khả thi hơn, rút ngắn thời gian hoàn vốn.

Mặt khác, theo ông Nam, Dự thảo Nghị quyết trao quyền chủ động, giao cho địa phương làm cơ quan chủ quản đầu tư dự án của địa phương hoặc dự án đi qua nhiều địa phương sẽ góp phần sớm hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, thúc đẩy tiến độ hoàn thành dự án, gián tiếp hỗ trợ thu hút đầu tư tư nhân vào các dự án PPP, dự án đầu tư khác của địa phương.

Ông Lê Đức Thọ - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Cienco 4 cho rằng, 3 nội dung của Dự thảo Nghị quyết đều là những vướng mắc lớn cần phải tháo gỡ trong thực tế triển khai các dự án giao thông. Chắc chắn, khi được ban hành, đây sẽ là công cụ hữu ích để thu hút đầu tư vào nhiều dự án PPP lớn cũng như tạo thuận lợi cho quá trình triển khai các tuyến cao tốc, dự án giao thông lớn tại địa phương.

Bên cạnh đó, việc Dự thảo Nghị quyết đưa ra cơ chế thí điểm và cân nhắc việc trao quyền làm chủ đầu tư dự án quốc lộ, cao tốc cho một số địa phương, cho một số địa phương làm cơ quan chủ quản các dự án đi qua nhiều địa phương là đã có sự xem xét về năng lực điều hành, khả năng làm chủ đầu tư dự án của một số địa phương nhất định, vì dự án giao thông quy mô lớn đòi hỏi khả năng điều phối, năng lực điều hành, xử lý nhanh các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, việc giao cho các địa phương làm cơ quan chủ quản đầu tư các dự án giao thông là chủ trương lớn của Chính phủ, Quốc hội nhằm phân cấp, phân quyền cho địa phương, tạo sự chủ động cũng như tăng cường trách nhiệm của địa phương trong quá trình triển khai thực hiện dự án, nhất là khâu giải phóng mặt bằng. Hơn ai hết, địa phương có dự án đi qua là đơn vị “tai mắt”, trực tiếp nắm bắt các vấn đề của dự án nhanh nhất, cũng là địa bàn hưởng lợi trực tiếp từ dự án sau khi hoàn thành nên phải tăng cường trách nhiệm về giải phóng mặt bằng, thúc đẩy các khâu để sớm hoàn thành dự án. Với chức năng quản lý nhà nước của mình, Bộ GTVT sẽ sát sao hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương tháo gỡ vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai để đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành và đưa công trình vào sử dụng.

Dự kiến có 19 dự án được áp dụng cơ chế thí điểm theo quy định tại Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội. Trong đó có 2 dự án PPP gồm: cao tốc Tân Phú (tỉnh Đồng Nai) - Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng); cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương.

Có 9 dự án đề nghị phân cấp cho địa phương làm cơ quan chủ quản và được sử dụng ngân sách để thực hiện, gồm: cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, đoạn qua tỉnh Sơn La; cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua Hải Phòng, đoạn qua Ninh Bình; cao tốc Nội Bài - Bắc Ninh - Hạ Long, đoạn qua Bắc Ninh; cao tốc TP.HCM - Chơn Thành, đoạn qua Bình Phước; tuyến nối Cần Thơ - Hậu Giang (Quốc lộ 61C); nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 61C, đoạn qua Cần Thơ; nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 14G; đường Hồ Chí Minh (đoạn tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk).

Có 8 dự án đi qua nhiều địa phương, đề nghị phân cấp cho 1 địa phương làm cơ quan chủ quản, gồm: cầu Kênh Vàng kết nối Bắc Ninh và Hải Dương; cầu Quảng Đà (kết nối Quảng Nam và Đà Nẵng; cầu Cửa Đại (tỉnh Bến Tre và Tiền Giang); cầu Cổ Chiên (tỉnh Bến Tre và Trà Vinh); cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng và Hậu Giang); cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang; hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên nối thị xã Sa Pa; tuyến đường nối Bắc Kạn - hồ Ba Bể sang Na Hang - Tuyên Quang.

Chuyên đề