Giữ vững ngọn lửa đổi mới, sáng tạo

(BĐT) - Không phải chỉ năm qua mà nhìn lại cả quá trình đổi mới, phát triển, hội nhập của đất nước, cán bộ làm công tác kế hoạch và đầu tư (KH&ĐT) đã luôn là người lính xung kích trong đổi mới tư duy kinh tế, đề xuất với Đảng, Nhà nước, Chính phủ những chính sách, biện pháp hoàn thành nhiệm vụ của đất nước. 
Thủ tướng khẳng định, những nỗ lực của Bộ KH&ĐT đã góp phần rất lớn vào cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư. Ảnh: Lê Tiên
Thủ tướng khẳng định, những nỗ lực của Bộ KH&ĐT đã góp phần rất lớn vào cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư. Ảnh: Lê Tiên

Đó là ghi nhận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Bộ KH&ĐT.

Dấu ấn đậm nét của Bộ KH&ĐT

Thành công của năm 2017, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, có sự đóng góp lớn, trực tiếp của ngành KH&ĐT và Thống kê nói chung, của Bộ KH&ĐT nói riêng. Theo Thủ tướng, Bộ đã làm tốt vai trò tham mưu trưởng trong tổng hợp, đề xuất các chính sách kinh tế vĩ mô, các cơ chế, chính sách, giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô, phân rã kế hoạch trong từng lĩnh vực, từng ngành, cụ thể, đưa ra những chỉ tiêu phấn đấu chi tiết cho từng đơn vị. 

Thủ tướng cũng đánh giá cao nỗ lực xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước của Bộ trong năm qua. Thủ tướng nhắc đến cuộc xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản là một ví dụ điển hình, khi lần đầu tiên có một hội nghị xúc tiến đầu tư lớn với hàng nghìn người tham dự, trong đó có rất nhiều chủ doanh nghiệp lớn, đặc biệt có sự tham dự chỉ đạo của Thủ tướng Nhật Bản.

Đặc biệt, Thủ tướng ghi nhận những nỗ lực, tâm huyết, sự dày công và cả quyết tâm kiên trì đấu tranh, vượt qua rất nhiều khó khăn, va chạm với các bộ, ngành liên quan để bảo vệ, trình Chính phủ báo cáo Quốc hội thông qua được 2 đạo luật quan trọng có tư tưởng đổi mới đột phá là Luật Quy hoạch, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).

“Những nỗ lực của Bộ đã góp phần rất lớn vào cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư của Việt Nam trong năm qua”, Thủ tướng ghi nhận.

Lãnh đạo nhiều địa phương tham dự Hội nghị cũng đánh giá rất cao vai trò của Bộ trong năm qua. Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đánh giá, trong năm 2017, Bộ KH&ĐT đã tham mưu cho Chính phủ xây dựng nhiều đạo luật quan trọng, trong đó có Luật Hỗ trợ DNNVV và Luật Quy hoạch. Luật Hỗ trợ DNNVV tạo hành lang pháp lý quan trọng trong hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, để Thành phố phấn đấu hoàn thành mục tiêu có 400 nghìn doanh nghiệp đăng ký vào năm 2020. Luật Quy hoạch tạo động lực để thúc đẩy các tỉnh, thành phố nói chung, Hà Nội nói riêng phát triển nhanh và bền vững... 

Nhiệm vụ nặng nề phía trước

Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam, dẫn cuốn sách kinh tế kinh điển “Vì sao các quốc gia thất bại”, Thủ tướng Chính phủ đặt ra yêu cầu lớn nhất là tiếp tục hoàn thiện thể chế. Với vai trò là cơ quan tham mưu chính về thể chế, Bộ KH&ĐT sẽ còn rất nhiều việc phải làm phía trước để góp phần củng cố nền tảng nhằm đạt mục tiêu phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

Theo ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, để thu hẹp khoảng cách và theo kịp được các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới, Việt Nam cần đạt tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm ít nhất 8 - 10%, duy trì liên tục ít nhất trong 15 - 20 năm. Để đạt được kỳ vọng của đất nước trở thành “con hổ mới của châu Á”, trong điều kiện Việt Nam, vai trò của một cơ quan chủ trì tham mưu toàn diện về thể chế và phát triển là hết sức cần thiết. Bài học từ các “con hổ châu Á” cho thấy tầm quan trọng của cơ quan tham mưu các vấn đề phát triển trung và dài hạn, như Ủy ban Phát triển kinh tế của Singapore, Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia của Trung Quốc đã và đang đóng góp vào thành công vượt trội của các nền kinh tế này.

Để làm tốt vai trò kiến trúc sư trưởng về tham mưu tổng hợp, làm tròn hơn vai trò của Bộ trong thời kỳ mới, ông Cung cho rằng, Bộ cần vượt ra hai từ “kế hoạch” và “đầu tư” và tư duy rộng hơn là hoạch định thể chế và phát triển.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bên cạnh ghi nhận những kết quả, vai trò của Bộ KH&ĐT, cũng chỉ ra rất nhiều vấn đề mà Bộ cần giải quyết trong năm nay. Nhiều câu hỏi “Làm sao?” được Thủ tướng đặt ra cho Bộ và câu hỏi lớn nhất là “Làm sao để đưa Việt Nam thành con hổ mới của châu Á về phát triển kinh tế, làm sao để phát triển bền vững, để không ai bị bỏ lại phía sau, không ai bị đói nghèo cùng cực”…

Những yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ cũng chính là những mục tiêu, khát vọng lớn mà nhiều lần người đứng đầu Bộ KH&ĐT đã đặt ra. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Bộ luôn cầu thị, lắng nghe và tiếp thu để ngày càng hoàn thiện hơn, giữ vững ngọn lửa khát vọng đổi mới, sáng tạo, hành động mạnh mẽ hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, phục vụ chuyên nghiệp hơn nữa, hiệu quả hơn nữa. Bộ trưởng xác định nhiệm vụ phía trước còn nặng nề, từ tham mưu chính sách thể chế, tổ chức triển khai thực hiện các luật vừa được thông qua, đổi mới công tác tham mưu của Bộ, tăng cường kỷ luật kỷ cương, sắp xếp bộ máy…

“Bộ KH&ĐT sẽ nghiêm túc triển khai hiệu quả các nhiệm vụ giải pháp đã đề ra, tiên phong đi đầu bắt tay ngay vào công việc của năm 2018, triển khai hiệu quả Nghị quyết 01/NQ-CP, giữ vững quyết tâm, lòng kiên trì để bước tiếp những bước vững chắc trong năm 2018 và các năm tiếp theo; quyết tâm đẩy mạnh cải cách, dũng cảm vượt qua chính mình, hiện thực hóa các khát vọng của đất nước”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư