Giới siêu giàu thế hệ mới chọn đầu tư như thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Làn sóng chuyển giao tài sản giữa các thế hệ đang diễn ra mạnh mẽ, tạo nên thế hệ tỷ phú thừa kế mới. Đối với hoạt động đầu tư, sự cách biệt thế hệ giữa những tỷ phú đời đầu - người tạo ra gia sản và thế hệ kế thừa có nhiều khác biệt, nhất là khẩu vị rủi ro.
Nhiều tỷ phú thế hệ mới cho rằng AI đang tạo ra một trong những cơ hội tăng trưởng tốt nhất đối với hoạt động kinh doanh
Nhiều tỷ phú thế hệ mới cho rằng AI đang tạo ra một trong những cơ hội tăng trưởng tốt nhất đối với hoạt động kinh doanh

Làn sóng chuyển giao tài sản của giới siêu giàu

Trong hơn 30 năm qua, thế giới chứng kiến những làn sóng doanh nhân thành công trở thành tỷ phú, với động lực xuất phát từ nhiều xu hướng mà nổi bật nhất là sự bùng nổ của lĩnh vực công nghệ, thị trường tài chính tăng trưởng và sự trỗi dậy của các nền kinh tế đang phát triển.

Theo Billionaire Ambitions Report 2023 của Ngân hàng UBS (Thụy Sỹ), nhiều tỷ phú đang trong quá trình chuyển giao tài sản cho thế hệ tiếp theo và lần đầu tiên trong 9 năm qua, báo cáo này chứng kiến số lượng người thừa kế trở thành tỷ phú vượt qua số doanh nhân sở hữu tài sản lớn.

Cụ thể, 53 người thừa kế được thừa hưởng khối tài sản trị giá 150,8 tỷ USD trong năm 2023, so với 84 tỷ phú tự thân mới tạo ra khối lượng tài sản trị giá 140,7 tỷ USD.

Trong bối cảnh ngày càng nhiều tỷ phú già đi, hơn 1.000 tỷ phú trên toàn cầu sẽ chuyển giao khối tài sản 5,2 nghìn tỷ USD cho thế hệ kế tiếp trong 20 - 30 năm tới. Điều này đã được dự báo từ trước, tuy nhiên, các số liệu mới nhất cho thấy câu chuyện này đang diễn ra mạnh mẽ và nhận nhiều động lực.

Góc nhìn kinh doanh và đầu tư của thế hệ mới

UBS thực hiện báo cáo năm 2023 bằng cách tiến hành khảo sát trực tuyến các tỷ phú, doanh nhân, khách hàng giàu có của các hãng quản lý tài sản… tại các thị trường bao gồm Mỹ, châu Âu, Trung Đông, Singapore và Hong Kong.

“Thế hệ tiếp theo có góc nhìn mới mẻ về kinh doanh, đầu tư và hoạt động từ thiện, từ đó sẽ chuyển hướng khối tài sản khổng lồ sang các cơ hội kinh doanh mới. Điều này cũng phù hợp với bối cảnh thời đại chúng ta đang sống”, Benjamin Cavalli, người đứng đầu bộ phận khách hàng chiến lược tại UBS Global Wealth Management cho biết.

68% số tỷ phú thừa kế tham gia khảo sát cho biết, họ có ý định tiếp tục tăng trưởng hoạt động kinh doanh, thương hiệu hoặc tài sản mà thế hệ trước để lại. Tuy nhiên, họ nhận thức rõ việc cần phải định hình lại tư duy và thiết lập lại các hoạt động đầu tư để tiếp tục phát triển gia sản. Theo đó, nhóm tỷ phú thừa kế mới sẽ tập trung hơn vào các cơ hội và thử thách tại lĩnh vực công nghệ, quá trình chuyển đổi năng lượng và đầu tư bền vững.

Các tỷ phú thừa kế cũng có góc nhìn riêng về rủi ro trong hoạt động kinh doanh và cách thức đối phó. Ví dụ, nếu thế hệ tỷ phú đầu tiên cho rằng, mối lo lắng lớn nhất hiện tại là rủi ro từ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024 và xung đột địa chính trị toàn cầu, thì các tỷ phú thừa kế lại quan tâm hơn tới áp lực lạm phát và “cuộc chiến” giá nguyên vật liệu.

Dù có nhiều quan điểm khác biệt, 2 thế hệ tỷ phú cũng quan tâm một điểm đó là những cơ hội và rủi ro liên quan tới trí tuệ nhân tạo (AI) trong làn sóng công nghệ hiện nay. Khoảng 65% người tham gia khảo sát của UBS cho biết, AI đang tạo ra một trong những cơ hội tăng trưởng tốt nhất đối với hoạt động kinh doanh trong 12 tháng tới. Mọi lĩnh vực đều đang tiến hành nghiên cứu và thử nghiệm AI trong hoạt động nhằm nâng cao năng suất, cắt giảm chi phí và gia tăng doanh số.

Đồng thời, hơn một nửa số người tham gia khảo sát cũng đồng tình rằng, công nghệ mới tạo ra rủi ro lớn khi “phá vỡ” các mô hình hoạt động hiện tại, tạo ra nhiều thay đổi mang tính thách thức bậc nhất trong 12 tháng tới. Chưa kể, đi kèm với tiến bộ công nghệ là rủi ro liên quan tới an ninh mạng và các vụ tấn công mạng.

Đối với hoạt động đầu tư, những tỷ phú đời đầu - người tạo ra gia sản và thế hệ kế thừa có nhiều khác biệt, nhất là khẩu vị rủi ro.

Thế hệ tạo ra tài sản đang tập trung nhiều hơn vào việc duy trì tài sản thay vì tăng trưởng. Theo đó, đối tượng này nhắm tới các tài sản đầu tư mang tính ổn định như khoản đầu tư mang lại thu nhập cố định (trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi…). Với việc nền lãi suất đã được nâng lên mức cao hơn sau các quyết định nâng lãi suất mạnh tay của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), động thái này cũng rất thuyết phục.

Ngược lại, thế hệ kế thừa gia sản ưa chuộng các loại tài sản rủi ro hơn, chẳng hạn chứng khoán, đầu tư quỹ tư nhân, bất chấp những cảnh báo liên quan tới việc định giá các loại tài sản này đã ở mức cao hơn. Với góc nhìn đầu tư trong thời gian dài hơn, hơn một nửa người tham gia khảo sát cho biết sẽ nâng mức đầu tư vào thị trường vốn tư nhân, các quỹ đầu tư tư nhân…

Một câu chuyện đáng chú ý khác là nhiều người thừa kế muốn tìm kiếm cơ hội mới thay vì tiếp tục tham gia hoạt động kinh doanh của gia đình. Theo đó, các tỷ phú thế hệ mới muốn xây dựng hoạt động riêng phù hợp với tham vọng và kỹ năng của mình - những yếu tố đã có nhiều thay đổi so với thế hệ trước đó.

Cụ thể hơn, kết quả khảo sát cho thấy, các tỷ phú thừa kế muốn thúc đẩy các sáng kiến bền vững, khởi nghiệp sáng tạo dựa trên nền tảng hiện có hoặc hoạt động kinh doanh hoàn toàn mới với mục tiêu tập trung vào tăng trưởng bền vững và hoạt động thiện nguyện, đóng góp cho xã hội.

Xét về chủ điểm đầu tư năm 2024, Phố Wall đã chỉ ra một số nội dung sẽ được thế hệ tỷ phú thừa kế quan tâm.

Chủ điểm đầu tiên chính là sự bùng nổ của AI. Năm 2024, nhà đầu tư sẽ nhìn vào việc ngân sách chi cho công nghệ nói chung và các ứng dụng AI sẽ gia tăng để chọn lựa đầu tư. Chẳng hạn, theo dự báo của Gartner, chi tiêu cho IT sẽ tăng 8% trong năm 2024, riêng cho phần mềm tăng 13,8% nhờ cuộc chạy đua ứng dụng AI. Con số này khá ấn tượng so với mức tăng trưởng chỉ 3,5% trong năm 2023. AI sẽ thúc đẩy sự bùng nổ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo nên “cơn sốt đào vàng” mới tương tự thời kỳ Internet mới xuất hiện.

Chủ điểm thứ hai là thị trường tín dụng tư nhân.

Trong vài năm gần đây, thị trường tín dụng tư nhân đã tăng lên quy mô 1.600 tỷ USD, theo số liệu của BlackRock. Đà tăng trưởng được dự báo sẽ tiếp tục và thị trường tín dụng tư nhân sẽ đạt mức 3.500 tỷ USD năm 2028.

Nhu cầu vay vốn của các công ty khởi nghiệp hay các dự án bất động sản luôn tồn tại mở ra cơ hội lớn cho thị trường tín dụng tư nhân. Đây cũng là lĩnh vực được quan tâm đầu tư của các tỷ phú kế thừa.

Cuối cùng, các nhà đầu tư giàu có sẽ tìm kiếm cơ hội tại các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ. Nhóm vốn hoá nhỏ đã có “màn biểu diễn” không lấy làm tích cực so với nhóm doanh nghiệp vốn hoá lớn trong những năm gần đây, nhưng nhiều chuyên gia tin rằng, điều này sẽ thay đổi trong năm 2024.

Chuyên đề