Giật mình với những khoản lỗ lớn vì tỷ giá

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Việc tỷ giá USD/VND tăng kỷ lục vào đầu quý IV và trung bình cả năm 2022 tăng ở mức 3,55% đã ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp (DN). Hàng loạt báo cáo tài chính vừa được công bố ghi nhận những khoản lỗ nặng do tỷ giá, nhất là các DN có khoản vay lớn bằng ngoại tệ…

Cận cảnh lỗ tỷ giá và hệ lụy…

Trong khối DN ngành điện, Tổng công ty Phát điện 3 (EVN GENCO3) ghi nhận lỗ ròng chênh lệch tỷ giá năm 2022 lên đến 937,8 tỷ đồng, khác hoàn toàn con số lãi 991 tỷ đồng năm 2021. Khoản lỗ này làm gia tăng chi phí tài chính của EVN GENCO3, kéo theo lợi nhuận giảm. Tại Công ty CP Nhiệt điện Hải Phòng, lỗ ròng tỷ giá năm 2022 là 60,9 tỷ đồng, đảo chiều so với mức lãi 53,4 tỷ đồng trong 2021. Nhiều DN khác như Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PV Power), Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh… cũng ghi nhận khoản lỗ lớn vì tỷ giá. Trong ngành thép, số lỗ ròng 1.863 tỷ đồng về chênh lệch tỷ giá năm 2022 là một trong những nguyên nhân khiến lợi nhuận của Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát giảm mạnh.

Hiện nay Việt Nam chưa có nhiều hình thức bảo hiểm rủi ro tỷ giá, nên DN chưa có chính sách quản trị rủi ro tỷ giá chủ động. Do vậy, nhiều DN rất bị động khi ứng phó những biến động với biên độ rộng của tỷ giá như năm 2022.

Trong ngành dịch vụ hàng không, năm 2022, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) lỗ ròng về tỷ giá 1.483 tỷ đồng (năm 2021 lãi ròng 553 tỷ đồng), góp phần không nhỏ khiến Tổng công ty phải ghi nhận tổng lỗ trước thuế 10.091 tỷ đồng. Lỗ lớn và lại là lỗ của năm thứ ba liên tiếp, nên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) đã ra văn bản lưu ý nhà đầu tư về khả năng hủy niêm yết với cổ phiếu HVN trên sàn. Nếu báo cáo tài chính năm 2022 sau kiểm toán của Vietnam Airlines vẫn ghi nhận lỗ, việc hủy niêm yết sẽ là bắt buộc, theo quy định tại Nghị định số 155/2020/NĐ-CP.

Theo ghi nhận gần nhất, bên cạnh 2 cổ đông sở hữu đa số là Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước, tại Vietnam Airlines có trên 40.000 cổ đông cá nhân, tổ chức đầu tư trong và ngoài nước. Nếu hủy niêm yết, hơn 40.000 cổ đông của Vietnam Airlines sẽ không biết định giá cổ phiếu cách nào và giao dịch ở đâu. Diễn tiến này trái ngược với kỳ vọng “Chủ động thích ứng - Vững chắc niềm tin - Phục hồi phát triển” mà Chủ tịch Vietnam Airlines Đặng Ngọc Hòa chia sẻ với cổ đông vào đầu năm 2022…

Đồng VND lên giá trở lại trong tháng 1/2023

Nguồn: Báo cáo vĩ mô tháng 1/2023, Bộ phận phân tích và tư vấn đầu tư thuộc Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt

Nguồn: Báo cáo vĩ mô tháng 1/2023, Bộ phận phân tích và tư vấn đầu tư thuộc Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt

Kỳ vọng tỷ giá hạ nhiệt, doanh nghiệp bớt khó

Về lý thuyết, khi tỷ giá tăng, chỉ khối DN nhập khẩu và có vay nợ lớn bằng ngoại tệ mới gặp bất lợi, còn DN xuất khẩu thì được hưởng lợi từ việc quy đổi nguồn thu từ ngoại tệ sang VND. Tuy vậy, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam hoặc phải phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu, hoặc là các sản phẩm có giá trị gia tăng không nhiều, do vậy, tỷ giá tăng thì bất lợi nhiều hơn là thuận lợi. Điều đáng nói là hiện nay Việt Nam chưa có nhiều hình thức bảo hiểm rủi ro tỷ giá, nên DN chưa có chính sách quản trị rủi ro tỷ giá chủ động. Do vậy, nhiều DN rất bị động khi ứng phó những biến động với biên độ rộng của tỷ giá như năm 2022. Việc các ngân hàng thương mại tăng mạnh biên độ tỷ giá mua vào/bán ra trong những giai đoạn tỷ giá biến động thất thường càng gây khó cho DN, bởi chi phí gia tăng khi cần mua bán ngoại tệ phục vụ nhu cầu xuất nhập khẩu.

Tín hiệu đáng lưu ý là tỷ giá USD/VND đang có xu hướng hạ nhiệt. Ghi nhận tại Vietcombank cho biết, giá bán USD một số ngày gần đây giảm về 23.620 VND/USD, giảm 0,46% so với đầu năm, so với mức đỉnh đầu tháng 11/2022, đến nay tỷ giá bán đã giảm 5%. Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC ReSearch) đánh giá, xét về nguồn cung ngoại hối cho năm 2023, dự trữ ngoại hối của Việt Nam sẽ duy trì trạng thái dồi dào dựa trên giả định tình trạng xuất siêu tiếp diễn và nguồn kiều hối tiếp tục tăng trưởng (3 năm gần đây tăng ở mức 4,4%/năm). Đưa ra 2 kịch bản về tỷ giá gồm tăng 1,1% hoặc 3,2%, nhưng BSC ReSearch nghiêng về kịch bản tỷ giá USD/VND sẽ chỉ tăng 1,1% năm 2023.

Lãi suất huy động gần như đi ngang trong tháng 1/2023, có dấu hiệu giảm nhiệt từ cuối tháng

Nguồn: Báo cáo vĩ mô tháng 1/2023, Bộ phận phân tích và tư vấn đầu tư thuộc Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt

Nguồn: Báo cáo vĩ mô tháng 1/2023, Bộ phận phân tích và tư vấn đầu tư thuộc Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt

Trong báo cáo vĩ mô tháng 1/2023, Bộ phận phân tích và tư vấn đầu tư thuộc Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt đánh giá, việc VND có diễn biến lên giá (so với đồng USD) trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước có động thái mua USD trở lại cho thấy áp lực tỷ giá đang có xu hướng giảm. Đại diện Công ty Chứng khoán Bảo Việt cho rằng, tỷ giá giảm kết hợp với các giải pháp kiểm soát chỉ số CPI những tháng đầu năm sẽ tạo cơ sở để kỳ vọng lãi suất ngân hàng giảm tiếp, Ngân hàng Nhà nước có thể nới dần chính sách tiền tệ. Lãi suất cần giảm và tỷ giá cần hạ nhiệt để giúp bức tranh tài chính, kinh doanh của DN bớt khó.

Chuyên đề