Giáo sư Hà Tôn Vinh: Doanh nghiệp trăm tuổi cũng khởi nghiệp từ một “hạt mầm”

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - “Việt Nam chưa có doanh nghiệp trăm tuổi như nhiều quốc gia trên thế giới nhưng đang có hàng trăm nghìn doanh nghiệp vừa và nhỏ. Mỗi cấp độ phát triển cần vun đắp những giá trị khác nhau, nhưng doanh nghiệp lớn hay nhỏ đều cần bắt đầu từ cái gốc, đó là người lãnh đạo phải có hoài bão lớn. Cây bao báp, cây cổ thụ nghìn năm tuổi đều bắt đầu từ một hạt mầm. Người trưởng thành bắt đầu từ một đứa trẻ. Doanh nghiệp cũng thế, doanh nhân phải dám khát vọng và chọn đúng cách bước đi”.

Đó là chia sẻ của Giáo sư Hà Tôn Vinh - Giám đốc Chương trình Đào tạo lãnh đạo Đại học California Miramar (Hoa Kỳ).

Giáo sư Hà Tôn Vinh

Giáo sư Hà Tôn Vinh

Hướng đến sự xuất sắc mỗi ngày

Một trong những khó khăn lớn nhất của nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam hiện nay là khát vốn và mong chờ có thêm các nguồn lực tài chính để trụ lại thương trường. Giáo sư có lời khuyên gì cho DN trong bối cảnh hiện nay?

Vốn nên và không thể coi là khó khăn lớn nhất của DN, bởi đây là yếu tố DN có thể huy động từ nguồn lực xã hội. Khó khăn lớn nhất của DN nằm ở chỗ không có ý tưởng mới, sản phẩm, giải pháp mới và có giá trị, nên không hấp dẫn dòng tiền đầu tư.

Trong kinh doanh, có nhiều người nhìn mà không thấy cơ hội. Có nhiều người khác nghe mà không hiểu cơ hội, trong khi làm DN đòi hỏi người lãnh đạo phải mở rộng tầm mắt và luôn thường trực tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi tại sao? Tại sao người ta giàu có? Tại sao người ta thất bại? Tại sao có người rất thành công rồi lại thất bại? Tại sao có người thất bại rồi lại thành công? Thiết thực hơn, doanh nhân phải trả lời được câu hỏi tại sao cùng loại sản phẩm, dịch vụ, người ta sản xuất và bán giá rẻ hơn mình? Những câu hỏi của doanh nhân cần chuyển hóa và thấm vào nhân viên, người lao động, thúc đẩy họ cùng trăn trở, cùng tìm kiếm giải pháp để đổi mới sáng tạo nhằm mục tiêu tạo lợi thế cạnh tranh cho DN. DN giống như một cô gái, nếu đẹp sẽ không thiếu người đến cầu hôn.

“Cha đẻ” của Apple - Steve Jobs đã thúc đẩy đội ngũ của mình làm việc với khát vọng “đưa lửa từ trên trời xuống”. Và rồi công ty Apple của ông đã làm nên cuộc cách mạng về máy tính cá nhân và điện thoại thông minh, giúp người già 70 tuổi đến đứa trẻ 2 tuổi đều dễ dàng sử dụng máy tính. Ông để lại nhiều thông điệp đáng để giới doanh nhân học hỏi, trong đó bài học đáng giá nhất là việc ông thúc đẩy doanh nhân cần theo đuổi sự xuất sắc. Không có con đường tắt nào đến với sự xuất sắc ngoài việc cam kết tạo nên sự xuất sắc và coi đó là ưu tiên hàng đầu của mình. Hãy sử dụng tài năng, khả năng và kỹ năng của bạn theo cách tốt nhất có thể và đi trước những người khác bằng cách cố gắng thêm một chút. Luôn sống theo một tiêu chuẩn cao hơn và để tâm đến những chi tiết thực sự tạo nên sự khác biệt.

Xin ông giải thích rõ hơn điều ông vừa chia sẻ: doanh nhân phải dám khát vọng và chọn đúng cách bước đi?

Là doanh nhân nên đọc 2 cuốn sách: “Xây dựng để trường tồn” và “Từ tốt đến vĩ đại” của Jim Collins. Nếu cuốn thứ nhất xoáy vào các thói quen tạo nên thành công của những DN hàng đầu trên thế giới, rất đáng để chiêm nghiệm bài học thành công, thất bại của những người đi trước, thì ở cuốn sách thứ hai, Jim Collins chỉ ra một ý niệm: “tốt là kẻ thù của vĩ đại”. Jim cho rằng, rất ít người sống một cuộc đời vĩ đại, chủ yếu vì người ta chấp nhận một cuộc sống tốt. “Đa số các công ty không bao giờ trở thành vĩ đại chính vì đa số đã trở thành khá tốt. Và đây chính là một vấn đề lớn của các công ty”.

Trong điều hành DN, một cạm bẫy khác doanh nhân phải vượt qua là sự tự mãn với chính mình. Để tạo nên bước chuyển từ tốt đến vĩ đại, bên cạnh việc tìm và chọn ra những người thích hợp, đặt họ ở vị trí thích hợp trên chuyến xe chinh phục khát vọng, còn đòi hỏi doanh nhân phải có tinh thần học tập suốt đời. Học được bài học thất bại của người khác là có 50% cơ hội thành công. Học được bài học thành công của người khác là có thêm 50% cơ hội nữa. Thế giới thời nay mở ra rất nhiều cửa sổ học tập và chỉ có học tập thực sự mới giúp chúng ta chọn đúng mô hình thực thi khát vọng kinh doanh thành công.

Đổi mới sáng tạo chính là chìa khóa giúp doanh nghiệp sống bền, sống khỏe. Ảnh: st

Đổi mới sáng tạo chính là chìa khóa giúp doanh nghiệp sống bền, sống khỏe. Ảnh: st

Thương trường không phải là chiến trường, mà là bước trước người khác

Mỗi năm, Việt Nam có hàng trăm nghìn DN được thành lập mới, bên cạnh đó là hàng trăm nghìn DN phải giải thể, phá sản. Giáo sư nhìn nhận thế nào về thực tế này?

Theo tôi, người trẻ, nhất là sinh viên không nên nôn nóng khởi nghiệp sớm khi chưa tích lũy được điều gì đáng kể cho việc tạo dựng, quản trị một DN. Trước khi khởi nghiệp, cần có một quá trình tích lũy các bài học từ thực tiễn, cần đi làm thuê cho người khác để va chạm thương trường và hiểu được vì sao người khác thành công, vì sao người khác thất bại. Khuyến khích người trẻ, sinh viên khởi nghiệp sẽ khiến giới trẻ đối mặt với những rủi ro rất lớn, đó là mất cơ hội, mất tiền của mình (và người thân), mất niềm tin, thậm chí mất cả tương lai rộng dài phía trước. Ai cũng hiểu DN trăm tuổi cũng bắt đầu từ một “hạt mầm”, nhưng không có nghĩa cứ gieo thật nhiều “hạt mầm” là sẽ có DN trăm tuổi. Khởi nghiệp và nuôi dưỡng tinh thần doanh chủ cần bắt đầu từ Chính phủ khởi nghiệp, chính quyền khởi nghiệp, DN khởi nghiệp nhằm sáng tạo ra những sản phẩm, dịch vụ, giải pháp tốt hơn, đẹp hơn, hữu ích hơn cho cuộc sống. Không nên quan niệm khởi nghiệp tức là đăng ký thành lập DN, gia nhập thương trường rồi nhanh chóng ra đi.

Giáo sư Hà Tôn Vinh có hơn 30 năm kinh nghiệm hoạt động tại châu Âu, châu Á Thái Bình Dương và Tây Phi trong lĩnh vực xây dựng chiến lược phát triển kinh doanh, quản lý dự án, tư vấn đầu tư trong các liên minh kinh tế chiến lược. Ông tham gia nhiều dự án lớn tại trên 20 quốc gia và làm chuyên gia tư vấn tài chính cho một số dự án của Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB).

Điểm thứ hai là tư duy về thương trường. Nhiều người thường quan niệm “thương trường là chiến trường”, nhưng không phải. Thương trường không phải là chiến trường, mà đó là một cuộc đua sáng tạo để đi trước người khác. DN mình có sản phẩm bán 10 đồng. Người ta có sản phẩm tương tự, gói đẹp hơn, bán 9 đồng. Mình lại hạ giá 8 đồng. Vòng xoáy hạ giá trên cùng sản phẩm sẽ khiến cả hai cùng thiệt hại, thậm chí cùng chết. DN, doanh nhân phải nghĩ cách làm cái gì mà người khác không có. Cạnh tranh không phải là một cuộc chiến triệt hạ nhau, mà là tìm giải pháp để đạt vị thế đi trước người khác, không để người khác bắt kịp thứ mình có và muốn bán ra thị trường.

Đâu là những yếu tố DN cần vun đắp cho khát vọng phát triển dài hạn, thưa Giáo sư?

Tôi hay kể cho sinh viên câu chuyện về nước Nhật. Năm 1949, khi thế chiến thứ hai kết thúc, nước Nhật không còn quân đội, phải đầu hàng, toàn dân Nhật khóc. Có 5 thanh niên khi đó bàn nhau, trăn trở phải làm gì cho đất nước. Họ thống nhất một khát vọng: “Làm cho nước Nhật hùng mạnh như con chim phượng hoàng bay lên từ đống tro tàn”. 5 chàng trai góp lại được 1.650 USD để khởi nghiệp. Khát vọng, tài năng cùng nỗ lực học tập, sáng tạo đã giúp 5 chàng trai tạo nên hãng Sony của nước Nhật, nổi tiếng toàn cầu.

Người Việt ta có câu: “Không ai đánh thuế ước mơ”. Theo đó, điểm chung của DN lớn hay nhỏ đều là cần nuôi dưỡng một khát vọng lớn. Khát vọng lập nghiệp, tài năng của doanh chủ và mức độ thấu hiểu lý do thành công/thất bại của người khác chính là “vốn liếng” định hình tương lai DN.

Doanh nghiệp, doanh nhân phải nghĩ cách làm cái gì mà người khác không có. Cạnh tranh không phải là một cuộc chiến triệt hạ nhau, mà là tìm giải pháp để đạt vị thế đi trước người khác, không để người khác bắt kịp thứ mình có và muốn bán ra thị trường.

Giáo sư Hà Tôn Vinh

Trong thời đại công nghệ hiện nay, ở quy mô nào DN cũng cần xây dựng 3 yếu tố cốt lõi, đó là sản phẩm, thị trường và công nghệ. Ở quy mô lớn hơn, DN cần vun bồi yếu tố thứ tư, đó là khả năng quản trị, quản lý, bởi người lãnh đạo không có năng lực này thì DN không thể tồn tại lâu được. Ở quy mô rất lớn, DN nhất thiết phải có chiến lược cạnh tranh, chiến lược phát triển, bởi nếu không sẽ cảm giác “hết đường”. Sách vở thường dùng mô hình kim tự tháp để mô phỏng sự phát triển của các DN, theo đó, ở dưới đáy tháp là vô số DN nhỏ và trên đỉnh chỉ còn rất ít DN lớn. Vậy trên đỉnh tháp, DN lớn sẽ bước tiếp đi đâu? Theo mô hình DN trăm tuổi mà thế giới đang định hình thì trên đỉnh tháp, DN tiếp tục khởi nghiệp bằng cách mở rộng không gian sáng tạo, tìm kiếm sản phẩm mới, giải pháp mới để đi trước và mở ra một tháp phát triển mới trên thương trường. “Đổi mới sáng tạo” chính là chìa khóa giúp DN sống bền, sống khỏe và Việt Nam đã chọn lựa đúng khi thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo, không chỉ trong giới doanh nhân.

Khát vọng và tài năng của doanh chủ có thể coi là “hạt mầm” khởi sự cho DN trăm tuổi. Vậy các điều kiện để “hạt mầm” nở hoa là gì, thưa Giáo sư?

Khát vọng của doanh chủ chỉ có cơ hội thành công nếu được nuôi dưỡng trong một quốc gia có khát vọng, có mục tiêu lớn và thực sự hành động vì sự phát triển. Hàn Quốc những năm 1950 - 1960 không khác Việt Nam, là một quốc gia nghèo, nhưng đã vươn lên thành nền kinh tế phát triển, với GDP bình quân đầu người đạt trên 32.000 USD. Nước Nhật, sau thế chiến thứ hai phải làm lại từ đầu, đến nay cũng là nền kinh tế phát triển với GDP bình quân đầu người đạt 34.500 USD… Thế giới có nhiều câu chuyện thành công, thất bại mang tầm quốc gia mà Việt Nam có thể học tập. Trong những năm qua, Việt Nam đã phát triển vượt bậc so với chính mình, nhưng nếu so với một số quốc gia khác, chúng ta đang đối mặt với nguy cơ tụt hậu về khoảng cách phát triển, nhất là về thu nhập/người. Để đuổi kịp, tiến cùng và đạt các mục tiêu dài hạn, khát vọng phát triển Việt Nam cần được thấm vào từng DN, từng người dân một cách tự nhiên nhất. Chính phủ khởi nghiệp, chính quyền khởi nghiệp hỗ trợ DN nuôi dưỡng các ý tưởng, tư duy kinh doanh, giải pháp sáng tạo, sẽ thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng.

Chuyên đề