Giao đầu mối phát triển điện gió ngoài khơi

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Với quyết tâm đẩy mạnh phát triển điện gió ngoài khơi (ĐGNK), Chính phủ vừa giao Bộ Công Thương báo cáo về các thủ tục cần thiết để giao Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) thực hiện khảo sát, thí điểm thực hiện dự án ĐGNK. Đây được xem là bước đi quan trọng để Việt Nam đạt được mục tiêu 6.000 MW ĐGNK vào năm 2030.
Mục tiêu đến năm 2030, công suất điện gió ngoài khơi phục vụ nhu cầu điện trong nước đạt khoảng 6.000 MW. Ảnh: Phú An
Mục tiêu đến năm 2030, công suất điện gió ngoài khơi phục vụ nhu cầu điện trong nước đạt khoảng 6.000 MW. Ảnh: Phú An

Ngày 1/10/2024, Văn phòng Chính phủ phát đi thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn về giải quyết vướng mắc triển khai ĐGNK. Trong đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp với PVN báo cáo, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ trước ngày 5/10/2024 về việc giao tập đoàn này khảo sát, thí điểm thực hiện dự án ĐGNK.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Bùi Văn Thịnh - Chủ tịch Hiệp hội Điện gió và Điện mặt trời Bình Thuận, Giám đốc Công ty Phong điện Thuận Bình - cho rằng, động thái trên của Chính phủ là tín hiệu tích cực để Việt Nam có thể đạt được mục tiêu đến năm 2030, công suất ĐGNK phục vụ nhu cầu điện trong nước đạt 6.000 MW như đã đề ra tại Quy hoạch điện VIII.

Theo ông Thịnh, ĐGNK là lĩnh vực mới và khó tại Việt Nam, trong khi quy định pháp luật cho phát triển lĩnh vực này còn thiếu. Do đó, việc giao PVN thực hiện thí điểm là cần thiết và phù hợp trong thời điểm hiện nay.

Ông Thịnh cho biết, trong thời gian qua, PVN đã thực hiện nhiều dự án dầu khí liên quan đến khảo sát biển, giàn khoan dầu khí. Bên cạnh đó, Tổng công ty CP Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PTSC), thành viên của PVN, đã tham gia thực hiện nhiều dự án ĐGNK ở nước ngoài.

Các cơ quan quản lý, chuyên gia năng lượng cũng như nhà đầu tư đều nhìn nhận, PVN là doanh nghiệp có năng lực, kinh nghiệm trong phát triển, quản lý, vận hành hệ thống điện nên có khả năng thực hiện thành công dự án ĐGNK.

Tại Dự thảo Đề án nghiên cứu thí điểm phát triển ĐGNK, Bộ Công Thương đưa ra 3 phương án chọn nhà đầu tư thực hiện, trong đó có phương án giao PVN thực hiện. Theo Bộ Công Thương, PVN có lợi thế nhất định trong quá trình hoạt động sản xuất - kinh doanh, bởi ĐGNK có một số hạng mục, công trình tương đồng với dự án dầu khí ngoài khơi khi cùng cơ sở dữ liệu địa kỹ thuật, địa vật lý…

Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), kinh nghiệm chuyên môn của ngành công nghiệp dầu khí có thể chi phối 40 - 50% chi phí của một dự án ĐGNK.

Để PVN có thể bắt tay thí điểm phát triển dự án ĐGNK, chuyên gia năng lượng độc lập Phan Xuân Dương cho rằng, các cấp có thẩm quyền cần có những bước đi cụ thể, trong đó, cơ chế, chính sách cho phát triển nguồn điện này cần phải được hoàn thiện.

Theo ông Dương, để tạo thuận lợi trong việc phát triển các nguồn điện tái tạo, trong đó có ĐGNK, Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) đang được Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì xây dựng đã đưa ra những quy định để phát triển dự án ĐGNK như: quy định về lựa chọn nhà đầu tư; “phân vai” nhiệm vụ, trách nhiệm cho các bên để thực hiện thành công…

“Luật Điện lực (sửa đổi) cần sớm được trình Quốc hội xem xét, thông qua để tạo khung pháp lý cho phát triển ĐGNK”, ông Dương nêu quan điểm.

Tại Thông báo kết luận, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn cũng giao Bộ Công Thương, PVN tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, tổng hợp vướng mắc, vấn đề cần sửa đổi, bổ sung tại Luật Điện lực và các quy định pháp luật khác có liên quan nhằm củng cố hành lang pháp lý thực hiện các dự án năng lượng, trong đó có dự án ĐGNK.

Theo Quy hoạch điện VIII, tiềm năng kỹ thuật ĐGNK của Việt Nam rất lớn, lên đến 600.000 MW. Mục tiêu đến năm 2030, công suất ĐGNK phục vụ nhu cầu điện trong nước đạt khoảng 6.000 MW; quy mô có thể tăng thêm trong trường hợp công nghệ phát triển nhanh, giá điện và chi phí truyền tải hợp lý. Định hướng đến năm 2050 đạt 70.000 - 91.500 MW.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, Kế hoạch thực hiện Quy hoạch mới chỉ phân bổ phát triển ĐGNK theo vùng, trong đó, Bắc Bộ 2.500 MW; Trung Trung Bộ 500 MW; Nam Trung Bộ 2.000 MW; Nam Bộ 1.000 MW. Kế hoạch chưa xác định điện gió ngoài khơi cụ thể nào và cũng chưa có dự án nào được triển khai.

Chuyên đề