Gian truân xin... “giấy phép con”

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Có đồng hành cùng nhà thầu đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để hoàn thiện thủ tục lập hồ sơ dự thầu mới thấy nhiều khi đây là hành trình gian truân và bất khả thi. Trong khi đó, không ít gói thầu yêu cầu “giấy phép con”, đa số là những yêu cầu về mỏ khai thác, bãi đổ thải…
Không ít hồ sơ mời thầu yêu cầu nhà thầu phải chứng minh có mỏ khai thác đất, đá hoặc có hợp đồng nguyên tắc với đơn vị cung cấp có mỏ tại địa bàn thực hiện gói thầu. Ảnh: Lê Tiên
Không ít hồ sơ mời thầu yêu cầu nhà thầu phải chứng minh có mỏ khai thác đất, đá hoặc có hợp đồng nguyên tắc với đơn vị cung cấp có mỏ tại địa bàn thực hiện gói thầu. Ảnh: Lê Tiên

“Giấy phép con” hành nhà thầu

Gói thầu Thi công xây dựng thuộc Dự án Bê tông nhựa đường Hương lộ 1 do Công ty TNHH Tư vấn và Đầu tư xây dựng Đại Hưng làm bên mời thầu và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh làm chủ đầu tư là một điển hình về ma trận “giấy phép con” trong hồ sơ mời thầu (HSMT).

Trong phần tiêu chuẩn đánh giá, HSMT yêu cầu nhà thầu phải chứng minh có mỏ khai thác đất sỏi đỏ hoặc có hợp đồng nguyên tắc với đơn vị cung cấp có mỏ khai thác, vị trí mỏ khai thác phù hợp với vị trí xây dựng công trình kèm theo tất cả các tài liệu được chứng thực để chứng minh khả năng cung cấp là khả thi khi thi công.

Bên cạnh đó, nhà thầu phải có tài liệu chứng minh trữ lượng mỏ khai thác đất sỏi đỏ còn lại đến thời điểm hiện tại tương ứng hoặc lớn hơn khối lượng yêu cầu của Gói thầu (văn bản hoặc tài liệu xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền).

Đồng thời, nhà thầu phải có trạm trộn bê tông nhựa, hoặc có hợp đồng nguyên tắc với đơn vị cung cấp có trạm trộn bê tông nhựa, vị trí trạm trộn bê tông nhựa phù hợp với vị trí xây dựng công trình kèm theo tất cả các tài liệu được chứng thực để chứng minh khả năng cung cấp là khả thi… HSMT cũng yêu cầu phải có xác nhận đổ thải của chính quyền địa phương.

Gói thầu B1 Thi công xây dựng thuộc Dự án Xây dựng mới Trường Mầm non Vĩnh Lương do Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) làm chủ đầu tư cũng đang khiến các nhà thầu “toát mồ hôi”. Tại gói thầu này, Bảng tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật yêu cầu nhà thầu phải có văn bản cam kết và kèm theo file scan các tài liệu pháp lý (như quyết định hoặc giấy phép khai thác của cơ quan chức năng) để chứng minh nhà thầu hoặc các đại lý liên quan sẽ bảo đảm nguồn cung cấp cát và đá xây dựng trong suốt quá trình thi công Gói thầu. HSMT còn yêu cầu cát và đá xây dựng có xuất xứ từ nguồn cung cấp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

“Chúng tôi đã mất gần 1 tuần và nhờ tất cả các kênh quen biết tại Khánh Hòa nhưng không thể nào có được những tài liệu như HSMT yêu cầu. Rõ ràng, HSMT đang làm rất tốt vai trò chốt chặn sự tham gia của những nhà thầu đến từ địa phương khác như chúng tôi”, một nhà thầu cho biết.

Xin xác nhận đổ thải khó hơn lên trời

Tại TP.HCM, Công ty TNHH Lâm Hòa Yên từng liên tục có đơn kiến nghị về yêu cầu phải có giấy phép đổ thải của chính quyền nơi thực hiện gói thầu.

Hành trình xin cấp giấy phép đổ thải của nhà thầu này có thể chứng minh những khổ ải các nhà thầu phải trải qua khi cố gắng đáp ứng yêu cầu của HSMT. “Để chứng minh có khả năng xử lý rác thải từ công trình, các nhà thầu sẽ phải tìm đối tác và ký hợp đồng nguyên tắc với đơn vị có chức năng này. Nói một cách chính xác, nhà thầu sẽ phải thuê lại bãi rác của đơn vị tại địa bàn này. Tuy nhiên, HSMT yêu cầu có thêm xác nhận của chính quyền cho riêng nhà thầu đối việc đổ thải là rất oái oăm. Có đến hàng chục lần chúng tôi tìm đến các UBND cấp huyện, xã và trực tiếp đến các phòng tài nguyên và môi trường nhưng câu trả lời luôn là: không có cơ sở để cấp phép đổ thải”, đại diện Nhà thầu Lâm Hòa Yên phản ánh.

Nhà thầu ít nhất phải có quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu thì mới có cơ sở để trình cơ quan nhà nước xin giấy phép đổ thải, đó là khẳng định của đại diện phòng tài nguyên và môi trường nhiều quận, huyện mà Báo Đấu thầu đã xác minh.

Đối với Gói thầu Thi công xây dựng tại huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh, HSMT yêu cầu “có bãi đổ thải hoặc có hợp đồng nguyên tắc với đơn vị có bãi đổ thải, bãi đổ thải phải đáp ứng vị trí phù hợp với quy định của địa phương và bảo đảm các yêu cầu bảo vệ môi trường, có xác nhận của Phòng Tài nguyên và Môi trường sở tại”. Đây là tiêu chí khiến nhiều nhà thầu tại TP.HCM trầy trật để xin xác nhận từ cơ quan nhà nước huyện Gò Dầu nhưng đều ra về tay không.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, các chuyên gia cho biết, quy định về xử lý chất thải rắn, chất thải xây dựng đã được quy định rõ tại Thông tư số 08/2017/TT-BXD của Bộ Xây dựng. Việc cấp các giấy phép đổ thải thì lại phân cấp cho UBND các cấp, cụ thể là các phòng tài nguyên và môi trường. “Cơ sở để cấp giấy phép này rất chặt chẽ và bắt buộc cơ quan chức năng phải thẩm định, kiểm tra kỹ trước khi cấp giấy phép. Có hai khả năng xảy ra: một là, hồ sơ của nhà thầu không đủ điều kiện được cấp. Hai là, thời gian cơ quan nhà nước trả hồ sơ vượt quá thời gian lập HSDT của nhà thầu. Trong cả hai trường hợp, nhà thầu đều bất lợi”, một chuyên gia cho biết.

Chuyên đề