Có gói thầu ở Phú Yên, chỉ trong vòng 1 đêm hàng chục cột điện đã thi công bị đào lên chở đi biệt tích
Các dạng sai phạm và những chiêu “chùi mép” sau “ăn vụng”
Các hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu được Báo Đấu thầu phản ánh thời gian qua rất đa dạng. Nhiều nhất là không bán hồ sơ mời thầu (HSMT), hạn chế nhà thầu mua HSMT, “rút ruột” HSMT, ăn bớt thời gian chuẩn bị hồ sơ dự thầu (HSDT) của nhà thầu. Kế đến là những HSMT có “mùi định hướng”, cố tình “gọt chân cho vừa giày” với nhà thầu thân hữu. Nặng nhất, là thi công trước, đấu thầu sau. Ấy vậy mà có vẻ như cái “nặng nhất” đó dường như không có gì đáng sợ với các bên mời thầu. Từ Bắc chí Nam, từ Hà Nội, Quảng Ninh, đến Phú Yên, rồi Bình Dương, Đồng Nai, Long An… đều bị phát hiện nhiều gói thầu có dấu hiệu này.
Có bên mời thầu cũng biết… sợ khi báo chí phát hiện hành vi thi công trước đấu thầu sau. Và họ xử lý bằng cách nửa đêm cho xe đến xóa dấu vết hiện trường thi công. Có gói thầu ở Phú Yên, chỉ trong vòng 1 đêm hàng chục cột điện đã thi công bị đào lên chở đi biệt tích. Có đơn vị giấu biến đi hàng trăm thiết bị đã “lỡ” mua sắm. Có đơn vị lại lập hẳn đoàn làm việc với Báo Đấu thầu và giải thích là do “có nhà thầu quen, tiện tay làm “giúp” một số hạng mục thôi. Còn những khối lượng chính vẫn mời thầu bình thường. Nếu có nhà thầu trúng thầu sẽ thương thảo để giảm khối lượng “lỡ” thi công”…
Sự giải thích kiểu “chùi mép” trong các trường hợp như nêu trên chúng ta không thể đánh giá là vụng về được. Bởi vì, giữa thanh thiên bạch nhật, khối lượng công việc đồ sộ, phương tiện, công nhân rầm rập thi công, các hạng mục đã hình thành thì không thể nói là “không, chúng tôi chưa làm gì cả”. Nhưng những lý do bao biện được đưa ra, nhìn nhận dưới bất kỳ góc độ nào cũng không thể chấp nhận được.
Dẫu sao, những trường hợp trên, bên mời thầu và nhà thầu thi công cũng thể hiện phần nào nỗi “sợ” và rút kinh nghiệm cho những lần lựa chọn nhà thầu sau.
Cơ quan chức năng của Quảng Ninh không hồi âm làm rõ nghi vấn thi công trước đấu thầu sau tại TP. Hạ Long
“Điếc không sợ súng”
Điều đáng buồn, dù báo chí phát hiện tiêu cực, có bằng chứng và nhiều dữ liệu sinh động, nhưng đến nay, gần như chưa có một đơn vị dám thi công trước đấu thầu sau nào bị xử lý đến nơi đến chốn. Cơ quan giám sát, người có thẩm quyền tại nhiều địa phương vẫn như người ngoài cuộc, không liên quan đến những sai phạm trên. Đó là câu chuyện công trình hàng ngàn tỷ bị “tố” là rầm rộ thi công trước đấu thầu bất chấp mọi luật lệ tại Quảng Ninh. Là công trình tại Bình Dương, khi lễ mở thầu đang diễn ra trịnh trọng bên trong trụ sở đơn vị mời thầu thì tại địa điểm thi công cách đó không xa, hàng chục công nhân cùng kỹ sư đang tấp nập thi công phần móng.
Báo chí làm nhiệm vụ phát hiện, thông tin những hành vi tiêu cực trong đấu thầu ngày càng tốt so với trước đây bởi đội ngũ người làm báo hiện quan tâm nhiều đến lĩnh vực này. Báo chí cũng phải đi đến cùng của vụ việc bằng cách “gõ cửa” rất nhiều đơn vị có trách nhiệm liên quan và nhiều nhà báo đã kiên trì đeo bám. Nhưng tuyệt nhiên, không có bất kỳ động thái nào trả lời. Không ai đứng ra chịu trách nhiệm về những sai phạm đang diễn ra công khai. Rất nhiều cơ quan được nuôi bởi đồng tiền thuế của người dân, có nhiệm vụ giám sát, theo dõi hoạt động lựa chọn nhà thầu đang dửng dưng trước phản ánh của báo chí. Khi bị nhà thầu đến tận nơi tố cáo, làm rõ trách nhiệm, đáng buồn thay, các đơn vị này tuyên bố “không thể tin những gì báo chí đăng tải”. Cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực của báo chí trong các trường hợp này quả thật là không cân sức bởi sự vô cảm, thiếu trách nhiệm đến… lạnh người.
Để cuộc chiến cân sức
Còn Giám đốc Sở KH&ĐT Đồng Nai Cao Tiến Dũng, khi Báo Đấu thầu phản ánh đã lập tức lập đoàn thanh tra đột xuất gói thầu có dấu hiệu tiêu cực. Sở KH&ĐT Đồng Nai cũng từ những thông tin phản ánh của Báo Đấu thầu mà nhiều lần tổ chức thanh tra, từ đó chỉ ra các sai phạm, tồn tại để chỉnh đốn các bên mời thầu, đơn vị tư vấn. Sở KH&ĐT Bến Tre, khi Báo Đấu thầu vào cuộc quyết liệt cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh Bến Tre thanh tra toàn diện và buộc tước quyền làm bên mời thầu của một Sở. Sở KH&ĐT Bến Tre sau đó cũng tham mưu để UBND tỉnh này ban hành văn bản chấn chỉnh công tác đấu thầu với nhiều nội dung được đông đảo nhà thầu hưởng ứng.
Với những trường hợp trên, cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực trong đấu thầu phần nào có sự ngang sức. Và sự vào cuộc của những đơn vị liên quan đã góp phần chặn đứng được hành vi tiêu cực, sai trái, trả lại niềm tin cho nhà thầu.
Khi vẫn còn nhiều “ông kễnh” “điếc không sợ súng”, hoặc “sợ” nhưng có sự bao che, dung túng của những nhóm lợi ích, của những người có trách nhiệm thì cuộc chiến chống tham nhũng của báo chí vẫn là chặng đường gian nan.