Giải tỏa nút thắt tăng trưởng - nợ công

(BĐT) - Một trong 3 vấn đề lớn đã được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng gợi mở để tham vấn các đối tác phát triển tại Diễn đàn Phát triển Việt Nam (VDF 2016) diễn ra cuối tuần qua là giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng và nợ công, làm thế nào để có đủ nguồn lực cho tăng trưởng mà vẫn bảo đảm an toàn nợ công.
Một trong những giải pháp nâng cao an toàn nợ công được nhiều đối tác phát triển khuyến nghị tại Diễn đàn Phát triển Việt Nam là thực hiện nhanh chóng các biện pháp củng cố tài khóa. Ảnh: Lê Tiên
Một trong những giải pháp nâng cao an toàn nợ công được nhiều đối tác phát triển khuyến nghị tại Diễn đàn Phát triển Việt Nam là thực hiện nhanh chóng các biện pháp củng cố tài khóa. Ảnh: Lê Tiên

Mức nợ công thế nào là phù hợp?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đặt vấn đề, quan hệ giữa tăng trưởng và nợ công là quan hệ vừa thống nhất vừa mâu thuẫn. Một quốc gia đang phát triển muốn tăng trưởng sẽ không tránh khỏi nợ công, nhưng nếu sợ tỷ lệ nợ công cao thì sẽ không thể đủ nguồn lực cho tăng trưởng.

“Điều quan trọng là quản lý nợ công hiệu quả và mức độ nào là phù hợp. Chúng tôi cần ý kiến của các chuyên gia để giúp giải tỏa được nút thắt này trong giai đoạn tới”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ một cách cầu thị tại VDF 2016.

Đáp lời Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, ông John Panzer, Giám đốc toàn cầu khối quản lý kinh tế vĩ mô và tài khóa thuộc Ngân hàng Thế giới đánh giá, năm 2008, tỷ lệ nợ công của Việt Nam là 40% GDP, khá tương đồng với các nước trên thế giới. Mấy năm gần đây, nợ công tăng nhanh, hiện tỷ lệ khá cao, trở thành 1 trong 20 nền kinh tế đang phát triển có tỷ lệ nợ công/GDP cao nhất.

Theo đại diện của WB, hiện vẫn đang có nhiều câu hỏi về mức trần nợ công thế nào là an toàn, mức trần 65% GDP của Việt Nam có phù hợp? Đây là quan ngại, là câu hỏi mà tất cả các quốc gia gặp phải. “Khoảng 100 quốc gia có quy định về tài khóa, trên một nửa có trần nợ rất rõ ràng. Nếu tỷ nợ công trên 90% GDP sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng ngay cả khi chính phủ có thể trả được lãi. Trên 70% GDP là mức rủi ro quá cao so với các thị trường mới nổi. Trên 60% GDP cũng là mức cao có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng lâu dài, đặc biệt là nền kinh tế đang phát triển. Nhà đầu tư tư nhân thấy nợ công tăng sẽ quan ngại liệu có bị tăng thuế, lợi nhuận thu được từ đầu tư có bị ảnh hưởng?”, ông John Panzer phân tích.

Vấn đề nợ công là một áp lực không nhỏ đối với Việt Nam. Ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại thuộc Bộ Tài chính dự báo, năm 2016, nợ công sẽ tiến sát mức trần. Càng tiến tới sát mức trần, dư địa cho chính sách tài khóa sẽ thu hẹp, nguồn lực cho chính sách phát triển, đầu tư hạn hẹp hơn. 

Làm thế nào giải tỏa nút thắt?

Phát biểu tại VDF 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thể hiện thông điệp rất rõ ràng trong vấn đề nợ công. Thủ tướng cho biết, các giải pháp đồng bộ đã và sẽ được thực hiện. Cùng với việc huy động nguồn lực cho phát triển, Chính phủ chỉ đạo kiểm soát các dự án sử dụng vốn vay theo đúng mục đích, hiệu quả và trả nợ đầy đủ, đúng hạn; hạn chế tối đa việc cấp bảo lãnh chính phủ; chú trọng kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay về cho vay lại, bảo đảm khả năng tự trả nợ. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ các khoản nợ của chính quyền địa phương, nợ đọng xây dựng cơ bản; tiếp tục cơ cấu lại nợ công theo hướng kéo dài kỳ hạn, giảm chi phí vay vốn.
Theo ông John Panzer, câu hỏi thị trường nghĩ gì, khu vực tư nhân nghĩ gì về mức nợ công là rất quan trọng. Tỷ lệ nợ bao nhiêu là vấn đề quan trọng, nhưng quan trọng hơn là bảo đảm được thị trường đầu tư tin cậy, mức độ tín nhiệm quốc gia cao, mức rủi ro nợ thấp, từ đó có thể giảm chi phí, lãi suất vay. 

Đại diện WB đưa ra phương pháp “đi dây thăng bằng”. Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phải tạo ra chính sách thuế thân thiện với doanh nghiệp, đầu tư hạ tầng, đồng thời nâng cao khả năng chống chọi với các cú sốc từ bên ngoài, mức nợ và bội chi ngân sách bền vững, bảo đảm mức nợ công phù hợp để thúc đẩy tăng trưởng ở ngắn hạn và bền vững ở dài hạn.

Một trong những giải pháp nâng cao an toàn nợ công được nhiều đối tác phát triển khuyến nghị là thực hiện nhanh chóng các biện pháp củng cố tài khóa.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là Việt Nam cần làm gì để củng cố tài khóa: tăng thu hay giảm chi? Nên tăng thuế hay giữ nguyên thuế và giảm chi tiêu? Theo ông John Panzer, con đường nhiều quốc gia lựa chọn là không tăng thuế vì ảnh hưởng đến khu vực tư nhân, nhưng Việt Nam phải có con đường riêng, là phải tăng doanh thu nội địa. Trong đó, có chương trình để tăng doanh thu từ thuế, bảo đảm nền tảng thuế, chứ không phải mức thuế và giải pháp có thể làm ngay là mở rộng diện đóng thuế VAT. Việt Nam cũng phải có điều chỉnh trong chi tiêu, vì khi rà soát chi tiêu của Chính phủ có nhiều mục có thể giảm đi hoặc loại bỏ.

Đại diện IMF khuyến nghị Việt Nam phát triển thị trường nợ nội địa. Việt Nam có mức tiền tiết kiệm của người dân rất lớn. Đồng tình với khuyến nghị của các đối tác phát triển, ông Đặng Ngọc Tú, Trưởng ban Nghiên cứu và Điều phối chính sách giám sát của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, cần tiếp tục giảm tỷ lệ nợ nước ngoài so với tỷ lệ nợ trong nước. Các nước thu nhập trung bình và mới nổi nợ trong nước chiếm tỷ lệ 70 - 80%, nhưng Việt Nam hiện là 55%. Tuy nhiên, tăng tỷ trọng nợ nội địa phải đi đôi với phát triển thị trường nợ trong nước.

Các đối tác phát triển khuyến nghị, cần triển khai càng nhanh càng tốt các biện pháp củng cố tài khóa, để thị trường thấy Chính phủ Việt Nam đang rất cố gắng để giải quyết vấn đề này.

Chuyên đề