Vụ cướp HSDT tại Ban QLDA Môi trường và Biến đổi khí hậu TP. Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình) diễn ra ngày 8/3/2019, đến nay chưa được làm rõ. Ảnh nhà thầu cung cấp
Những vụ việc này xảy ra và không được xử lý rốt ráo phần nào làm mất niềm tin của nhà thầu vào sự tôn nghiêm của pháp luật, giảm tính cạnh tranh, công bằng và minh bạch trong các cuộc thầu.
Nhiều vụ việc chìm vào im lặng
Trong vòng gần 1 năm qua, tại một số gói thầu do Ban Quản lý dự án (QLDA) đầu tư và xây dựng TP. Hội An (tỉnh Quảng Nam) mời thầu, các nhà thầu đã nhiều lần phản ánh bị “dân anh chị” cản trở khi đi mua HSMT. Vào cuối tháng 3/2019, có nhà thầu đã làm đơn kêu cứu tới công an và các cơ quan chức năng vì liên tục bị uy hiếp, đe dọa hành hung và đòi lấy lại các bộ HSMT đã mua được. HSMT này do Ban QLDA đầu tư và xây dựng TP.Hội An phát hành.
Nhiều câu chuyện về việc HSDT bị cướp tại các tỉnh: Lai Châu, Bình Định, Đắc Lắk, Quảng Bình cũng đã được Báo Đấu thầu phản ánh. Điều này cho thấy sự liều lĩnh, táo tợn và xu hướng bạo lực trong đấu thầu đã không còn là câu chuyện hiếm thấy.
Vụ việc cướp HSDT diễn ra tại Ban QLDA Môi trường và Biến đổi khí hậu TP. Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình) diễn ra sáng ngày 8/3/2019, không hiểu vì lý do gì đến nay vẫn chưa được các cơ quan chức năng của địa phương này làm rõ và công khai tới dư luận. Trong khi đó, nhà thầu bị hại đã nhiều lần trình báo sự việc đến các cơ quan liên quan.
Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, không ít nhà thầu bày tỏ sự thất vọng trước các sự việc nổi cộm, bạo lực trong đấu thầu không được xử lý “đến nơi đến chốn”. Điều này cũng tạo tâm lý lo sợ ở nhà thầu mỗi khi đến địa bàn khác để mua HSMT, về việc có những thế lực đang “chống lưng” cho những hành vi tiêu cực, bạo lực trong đấu thầu.
Cũng có nhà thầu chia sẻ, việc mua HSMT ở các địa phương thường khó khăn và nguy hiểm hơn ở các cơ quan trung ương. Tình trạng phát hành HSMT mang tính “cát cứ”, “quây thầu” diễn ra khá phổ biến. Mỗi khi tiếp nhận thông tin mời thầu và lựa chọn loại gói thầu phù hợp với năng lực, điều đầu tiên nhà thầu nghĩ tới là tìm mối liên hệ với bên mời thầu để “thăm dò” thông tin về gói thầu, kết nối với công an khu vực tại địa phương để hỗ trợ trong quá trình mua HSMT, đảm bảo sự an toàn khi nộp HSDT.
Gắn trách nhiệm cá nhân với tình trạng “quây thầu”
“Nhận diện” những hành vi tiêu cực trong đấu thầu chưa được giải quyết triệt để, có một số hành vi vi phạm biến tướng và diễn biến phức tạp, tại Chỉ thị số 03/CT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) về việc chấn chỉnh công tác đấu thầu, tăng cường hiệu lực, hiệu quả và đẩy lùi tình trạng tiêu cực, vi phạm trong đấu thầu (gọi tắt là Chỉ thị số 03) ngày 24/5/2019, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT đã chỉ thị đối với công tác phát hành HSMT/hồ sơ yêu cầu (HSYC) phải nghiêm túc thực hiện yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 47/CT-TTg ngày 27/12/2017. Quá trình phát hành HSMT/HSYC đảm bảo thuận tiện, dễ tiếp cận cho nhà thầu; đảm bảo an ninh, an toàn cho các nhà thầu mua và nộp HSDT/hồ sơ đề xuất (HSĐX). Lãnh đạo được phân công phụ trách trực tiếp, chịu trách nhiệm về công tác đấu thầu tại Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, Ủy ban nhân dân các cấp phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng “quây thầu, vây thầu”, cướp HSDT/HSĐX, ngăn cản việc mua HSMT/HSYC của các nhà thầu, những hành vi gây đe dọa an ninh, an toàn của các nhà thầu khi tham dự thầu.
Chỉ thị số 03 cũng nêu rõ, nhằm tạo điều kiện cho các nhà thầu tiếp cận HSMT/HSYC nhanh chóng, đầy đủ, chính xác, giảm thiểu chi phí cho nhà thầu, giải quyết triệt để những tiêu cực như “quây thầu”, “vây thầu” tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các nhà thầu thì phải tăng cường đăng tải HSMT/HSYC đối với các gói thầu lựa chọn nhà thầu không thực hiện đấu thầu qua mạng trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và các trang thông tin điện tử của Bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.