Giải pháp nào hạn chế thổi giá thiết bị trong đấu thầu?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thời gian qua, tình trạng kê khai, báo giá, thẩm định giá thiết bị không sát với thị trường trong mua sắm hàng hóa diễn biến phức tạp. Nhiều trường hợp thổi giá, khai khống gấp nhiều lần giá trị hàng hóa đã bị cơ quan điều tra phanh phui. Một số cơ quan, chuyên gia đã chỉ ra nhiều giải pháp nhằm hạn chế tối đa bất cập trong các khâu này.
Công tác xây dựng giá kế hoạch của thuốc và trang thiết bị y tế tồn tại rất nhiều điểm cần khắc phục. Ảnh minh họa: Lê Tiên
Công tác xây dựng giá kế hoạch của thuốc và trang thiết bị y tế tồn tại rất nhiều điểm cần khắc phục. Ảnh minh họa: Lê Tiên

Công tác xây dựng giá kế hoạch của thuốc và trang thiết bị y tế (TTBYT) tồn tại rất nhiều điểm cần khắc phục. Theo kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật về đấu thầu thuốc, mua sắm TTBYT tại Sở Y tế Quảng Ngãi do Thanh tra tỉnh Quảng Ngãi công bố, việc xây dựng giá kế hoạch đấu thầu, thương thảo hợp đồng hầu hết phụ thuộc vào việc công khai giá trúng thầu của Cục Quản lý dược, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và báo giá của nhà thầu. Đơn vị xây dựng giá kế hoạch không có cơ chế khảo sát chi phí sản xuất thuốc, chi phí cấu thành giá thuốc để đưa ra quyết định cho việc xây dựng giá.

Nghị định số 98/2021/NĐ-CP về quản lý TTBYT quy định việc quản lý giá TTBYT bằng hình thức kê khai giá có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp (DN) cho rằng, các nội dung liên quan đến giá vốn, chi phí quản lý, lợi nhuận dự kiến… thuộc về bí mật kinh doanh. “Né tránh cung cấp thông tin, giãn tiến độ cung cấp thiết bị y tế… là cách một số nhà thầu gián tiếp không đồng thuận với quy định tại Nghị định. Điều này phần nào dẫn tới tình trạng đơn vị thẩm định giá rất khó tiếp cận báo giá, chào giá TTBYT, đồng thời khiến chủ đầu tư/bên mời thầu khó khăn khi tổ chức lựa chọn nhà thầu”, một nhà thầu cung cấp TTBYT cho biết.

Khâu xây dựng giá thiết bị, thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu (trong đó có giá trúng thầu) ở lĩnh vực giáo dục, thiết bị tin học cũng tồn tại nhiều bất cập. Thậm chí, đơn giá trúng thầu của nhà thầu còn dẫn tới bất đồng quan điểm giữa các cơ quan liên quan. Đơn cử tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiểm toán Nhà nước Khu vực XIII thông báo kết quả kiểm toán một số mặt hàng máy photocopy có giá trị trúng thầu cao hơn giá thị trường. Tuy nhiên, Thanh tra tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, do việc thực hiện đấu thầu thiết bị tin học vào năm 2018 nhưng thời gian thanh tra vào tháng 1/2021 nên thanh tra không có điều kiện tham khảo giá các mặt hàng đúng thời điểm...

Theo các chuyên gia, nếu tuân thủ đúng các quy định hiện hành về đấu thầu, coi trọng công tác chỉ định đơn vị thẩm định giá, vai trò của tổ chuyên gia đấu thầu, cơ quan thẩm định kết quả đấu thầu, hoàn toàn có thể hạn chế vấn nạn kê khai giá cao, khai vống giá thiết bị. Theo đó, giải pháp đầu tiên là nâng cao chất lượng lựa chọn đơn vị tư vấn thẩm định giá. Bên cạnh đó, đơn vị mua sắm có thể chủ động khảo sát giá từ các kênh thông tin trên thị trường. Thứ hai, trong quá trình thương thảo hợp đồng mua sắm, đơn vị mua sắm cần yêu cầu DN cung cấp thông tin, trong đó có chi phí cấu thành giá thiết bị, so sánh tại thời điểm mua sắm để đưa ra lựa chọn hợp lý. Thứ ba, đơn vị thẩm định kết quả đấu thầu phải phát huy vai trò kênh giám sát, hậu kiểm trong hoạt động đấu thầu.

Trong kiến nghị của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an liên quan đến vụ án “Đưa hối lộ và Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, Công ty CP Tiến bộ quốc tế, nội dung liên quan đến giá thiết bị được đặc biệt lưu ý. Theo kiến nghị, cần quản lý, giám sát chặt chẽ, công khai giá thiết bị, hàng hóa trên thị trường để mọi tổ chức, cá nhân đều có thể kiểm tra, giám sát, phát hiện việc nâng giá bất hợp lý. Đồng thời, yêu cầu DN công bố và chịu trách nhiệm về việc công khai chi phí đầu vào để hạn chế việc DN nâng giá thông qua việc mua bán lòng vòng trước khi tham dự đấu thầu, bán hàng.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh, Nghị định 98/2021/NĐ-CP cho phép cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền được quyền yêu cầu DN giải trình về các yếu tố cấu thành giá khi cần thiết. Đồng thời, công khai minh bạch thông tin về giá bán, giá trúng thầu TTBYT trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế.

Đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam bổ sung thêm, khi giá mặt hàng có biến động bất thường, Điều 26 Luật Giá cho phép cơ quan nhà nước kiểm tra yếu tố hình thành giá. Việc kiểm tra này đảm bảo khả năng kiểm soát của Nhà nước, đồng thời vẫn đảm bảo được bí mật cho hoạt động của DN.

Chuyên đề