Xây dựng Luật PPP để sớm giải quyết được những vướng mắc giữa các luật hiện hành, sẽ giúp nhà đầu tư yên tâm đầu tư vào các dự án PPP dài hạn. Ảnh: Tường Lâm
Đã có những bước chuyển tích cực hơn trong triển khai dự án PPP, dù kết quả đến nay chưa được như kỳ vọng. Có nhiều rào cản trên con đường tăng cường áp dụng PPP và để con đường này thực sự hanh thông, cần một nền tảng pháp lý đủ mạnh và tất cả phải cùng quyết tâm đi đúng hướng, tuân thủ luật lệ.
Khó khăn vì nhiều nguyên nhân
Số liệu năm 2017 cho thấy khoảng 58% số dự án PPP chỉ định nhà đầu tư. Nhiều bộ, địa phương chưa chủ động đề xuất các dự án khả thi để thực hiện đầu tư theo hình thức PPP; dự án PPP đưa ra đấu thầu còn chưa nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư. Hầu như có rất ít dự án PPP trong lĩnh vực hạ tầng giao thông thu hút được nhà đầu tư nước ngoài.
Có nhiều nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan, dẫn đến kết quả triển khai PPP thời gian qua còn hạn chế. Đầu tiên, khung pháp lý chưa đủ mạnh, mới ở cấp nghị định, chịu sự điều chỉnh của nhiều luật khác như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Xây dựng và những luật này chưa quy định cụ thể để thực hiện dự án PPP. Sự điều chỉnh của nhiều luật làm tăng tính phức tạp, rủi ro trong quá trình triển khai các dự án cụ thể và làm giảm tính hấp dẫn của hình thức đầu tư này.
Sự kém hấp dẫn của dự án PPP khi đưa ra sơ tuyển, đấu thầu còn do hạn chế trong cách thức triển khai, các bước từ chuẩn bị đầu tư (lập dự án, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, thu xếp tài chính, ký kết hợp đồng) đến triển khai, vận hành dự án còn thiếu bài bản, chuyên nghiệp.
Vướng mắc cản trở triển khai dự án PPP còn do hạn chế về nhân sự triển khai; khó khăn về nguồn vốn nhà nước tham gia thực hiện dự án; hạn chế về nguồn cung cấp tín dụng thương mại; thiếu nguồn lực, các công cụ tài chính để thực hiện đầu tư và đảm bảo rủi ro cho nhà đầu tư. Ngoài ra, chương trình PPP tại Việt Nam còn thiếu một tầm nhìn, kế hoạch trung và dài hạn cấp quốc gia; từ đó chưa xây dựng được một kế hoạch hành động thực hiện hàng năm được rõ ràng, cụ thể.
Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để thúc đẩy áp dụng hình thức đầu tư PPP
Nghị định 63/2018/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức PPP (NĐ 63) có hiệu lực từ ngày 19/6/2018, thay thế cho Nghị định 15/2015/NĐ-CP, theo nhiều đánh giá sẽ tháo gỡ một phần những khó khăn, vướng mắc chủ yếu, thúc đẩy áp dụng hình thức đầu tư PPP trong thời gian tới. NĐ 63 quy định rõ hơn trình tự, thủ tục triển khai dự án PPP; thẩm quyền, trình tự, thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư dự án PPP, đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật về đầu tư công; tạo điều kiện thuận lợi cho các bộ, ngành và UBND cấp tỉnh linh hoạt trong việc sử dụng các nguồn vốn nhà nước làm phần Nhà nước tham gia thực hiện dự án...
NĐ 63 cũng có những quy định để tăng cường công khai, minh bạch dự án PPP, tăng vai trò giám sát của người dân và cơ quan liên quan. NĐ 63 yêu cầu các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần chú trọng công tác chuẩn bị đầu tư bài bản hơn; trong quá trình lập báo cáo nghiên cứu khả thi phải tham vấn ý kiến các bên có liên quan; thông tin dự án phải công bố công khai; hợp đồng sau khi ký kết cũng phải công bố thông tin để người dân giám sát.
NĐ 63 đưa ra nhiều quy định để hạn chế chỉ định thầu, chặn thất thoát từ đầu. Dự án BT chỉ được đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư khi đã có thiết kế và dự toán được phê duyệt; quỹ đất dự kiến thanh toán cho nhà đầu tư phải được xác định rõ ngay trong giai đoạn lập báo cáo cáo nghiên cứu khả thi - với yêu cầu phải được phê duyệt quy hoạch xây dựng tỷ lệ 1/2.000 hoặc 1/500 (nếu có). Đặc biệt, đối với dự án do nhà đầu tư đề xuất, phần Nhà nước tham gia trong dự án PPP sẽ không được bố trí cho dự án lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định thầu…
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Bộ KH&ĐT, ở tầm nghị định, NĐ 63 chưa thể giải quyết triệt để, tận gốc những vướng mắc, chưa thể tạo sự đột phá trong thu thút đầu tư theo hình thức PPP vào những dự án hạ tầng lớn thời gian tới, đặc biệt là huy động vốn nước ngoài. Thực tế hiện nay pháp luật Việt Nam mới điều chỉnh đầu tư công, đầu tư tư, mà chưa có luật riêng cho hình thức PPP. Hệ thống pháp luật thiếu ổn định, chưa đủ mạnh để giải quyết được những xung đột với các luật khác, thì khó có thể đảm bảo niềm tin, sự yên tâm của nhà đầu tư vào những dự án dài hạn. Sự cần thiết phải xây dựng Luật PPP đã được nhiều đại biểu Quốc hội, doanh nghiệp nhấn mạnh, kỳ vọng và Chính phủ đang đặt quyết tâm cao để xây dựng, hoàn thiện dự thảo Luật PPP, sớm trình ra Quốc hội.
Bên cạnh đó, Bộ KH&ĐT đang phối hợp với các nhà tài trợ để thúc đẩy xây dựng một kế hoạch tổng thể thực hiện chương trình PPP mang tính dài hạn, nhằm đảm bảo sự chỉ đạo nhất quán trong thực hiện PPP tại Việt Nam, phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Trước mắt, theo Bộ KH&ĐT, để khắc phục những hạn chế, bất cập và chồng chéo trong quá trình thực hiện Nghị định số 30/2015/NĐ-CP (NĐ 30), cần phân định rõ trường hợp giao đất, cho thuê đất theo một trong ba hình thức đấu thầu theo Luật Đấu thầu, quyết định chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư, đấu giá quyền sử dụng đất theo Luật Đất đai. Đồng thời, hoàn thiện một số quy định tại Nghị định thay thế NĐ 30 trên cơ sở thống nhất với nội dung NĐ 63 gồm dự án PPP ứng dụng công nghệ cao, dự án BT. Tăng cường công khai, minh bạch, nâng cao tính giải trình, tránh vấn đề phát sinh thông qua quy định cơ bản về quy trình lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật chuyên ngành, pháp luật về xã hội hóa, lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt; đơn giản hóa quy trình, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư trên cơ sở thống nhất với quy trình chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án PPP tại NĐ 63.
Để đảm bảo yêu cầu công khai, minh bạch, Bộ KH&ĐT kiến nghị đẩy nhanh ứng dụng đấu thầu qua mạng đối với lựa chọn nhà đầu tư. Nhà đầu tư cần nộp hồ sơ dự sơ tuyển (đối với dự án PPP), hồ sơ đăng ký thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất phải được nộp trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia với lộ trình theo hướng dẫn của Bộ KH&ĐT. Đồng thời, đẩy mạnh hơn cơ chế kiểm tra, giám sát, riêng dự án áp dụng hình thức chỉ định thầu và lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt, định kỳ hàng năm, các bộ, ngành, địa phương chịu trách nhiệm đánh giá kết quả lựa chọn nhà đầu tư trên cơ sở các nội dung về mục tiêu, lý do, điều kiện, tiến độ, phương án thực hiện khi thực hiện tổng kết tình hình công tác đấu thầu.
Trên hết, theo một chuyên gia về PPP, là quyết tâm của chính những người thực hiện, phải từ bỏ những thói quen cũ, cách làm cũ, hay những lợi ích nào đó.