Giải pháp đồng bộ và thực chất để nuôi dưỡng tinh thần doanh chủ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo bà Phạm Thị Ngọc Thủy, chuyên gia phát triển khu vực tư nhân, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), dù một vài ngành bắt đầu nhìn thấy tín hiệu tích cực, nhưng nhìn chung cộng đồng doanh nghiệp (DN) đang chịu áp lực rất lớn từ những thay đổi bên ngoài cũng như những vướng mắc nội tại của nền kinh tế. Điều DN mong mỏi nhất là việc gỡ khó cần đồng bộ và thực chất để nuôi dưỡng tinh thần doanh chủ.
Công ty TNHH Vĩnh Hiệp là một trong những doanh nghiệp tiên phong xuất khẩu sản phẩm cafe phát thải thấp theo tiêu chuẩn của các nhà mua hàng quốc tế
Công ty TNHH Vĩnh Hiệp là một trong những doanh nghiệp tiên phong xuất khẩu sản phẩm cafe phát thải thấp theo tiêu chuẩn của các nhà mua hàng quốc tế

Bà nhìn nhận thế nào về tình hình doanh nghiệp hiện nay?

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 194,73 tỷ USD, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm trước. Có những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam có mức giảm tới 2 con số (như điện thoại và linh kiện, dệt, may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ, sắt thép, thủy sản…). Nguyên nhân sụt giảm là do nhu cầu bên ngoài yếu đi, đặc biệt là các thị trường lớn và truyền thống.

Bà Phạm Thị Ngọc Thủy

Bà Phạm Thị Ngọc Thủy

Về du lịch, khách quốc tế đến nước ta (từ 1/1/2023 đến 27/7/2023) ước đạt hơn 6,6 triệu lượt người, gấp 6,9 lần cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn chỉ bằng 67,5% so với cùng kỳ năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch Covid-19.

Với độ mở lớn, những số liệu trên cho thấy nền kinh tế phục hồi chưa được như kỳ vọng và còn nhiều thách thức đối với DN. Theo Tổng cục Thống kê, tính chung 7 tháng năm 2023, cả nước có khoảng 131,9 nghìn DN đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, giảm 1,4% so với cùng kỳ năm trước. Số DN rút lui khỏi thị trường là 113,3 nghìn DN, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có 16,2 nghìn DN rút lui khỏi thị trường.

Theo bà, đâu là những rào cản, vướng mắc làm suy yếu “sức khỏe” của DN?

Khó khăn lớn nhất được nhiều DN phản ánh vẫn là vấn đề dòng tiền và các nút thắt về quy trình, thủ tục hành chính ở nhiều khâu, nhiều mảng.

Một trong những vấn đề bị phản ánh kéo dài là câu chuyện về hoàn thuế, khiến DN tồn đọng một lượng vốn rất lớn, dồn lại trong nhiều năm do vướng mắc trong thực thi chính sách hoàn thuế VAT.

Theo số liệu báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến ngày 17/5/2023, cơ quan thuế đã giải quyết được 199 hồ sơ hoàn thuế VAT trong mọi lĩnh vực với số tiền đề nghị hoàn là 1.119 tỷ đồng và số lượng hồ sơ chưa hoàn còn khá ít. Nhưng theo DN, số hồ sơ được hoàn mới chỉ là số hồ sơ gắn với đơn hàng xuất khẩu của năm 2020 và 3 quý đầu năm 2021, chưa kể đến các hồ sơ quý IV/2021 tới tháng 7 năm 2023 chưa được nộp. Tổng số tiền chưa được hoàn thuế tính đến tháng 6/2023 của DN thuộc Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam là 6.100 tỷ đồng, Hiệp hội Sắn Việt Nam là hơn 1.000 tỷ đồng, Hiệp hội Cao su Việt Nam là 500 - 700 tỷ đồng, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam là khoảng 100 tỷ đồng…

Bức xúc lớn nhất mà DN phản ánh là dù nằm ở khâu cuối cùng của chuỗi cung ứng nhưng các DN xuất khẩu lại phải gánh chịu rủi ro của toàn chuỗi; quy trình giải quyết hồ sơ hoàn thuế vô cùng phức tạp theo nhiều văn bản hướng dẫn nghiệp vụ nội bộ; thời gian xác minh, kiểm tra trước hoàn thuế bị kéo dài do nằm ngoài khả năng của cơ quan quản lý thuế và DN, phải chuyển hồ sơ đề nghị hoàn thuế cho cơ quan điều tra…

Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu buộc phải “cắn răng” bù lỗ cho số tiền VAT đáng lý phải được hoàn để duy trì hoạt động sản xuất. Nhưng số tiền bù lỗ thì càng ngày càng lớn do nếu “chưa giải quyết xong hồ sơ đề nghị hoàn thuế 1 thì chưa được nộp tiếp hồ sơ 2”, trong bối cảnh cầu thị trường xuống thấp, biên lợi nhuận thấp, nên dòng tiền của DN ngày càng cạn kiệt.

Từ góc độ bên ngoài, ngày càng có nhiều quy định mới trong chuỗi cung ứng và các thị trường xuất khẩu chính như: cơ chế CBAM (cơ chế điều chỉnh biên giới carbon của Liên minh châu Âu - EU), quy định bắt buộc các công ty phải bảo đảm các sản phẩm được bán ở EU không gây phá rừng và hợp pháp (EUDR), Đạo luật về Nghĩa vụ thẩm định DN trong chuỗi cung ứng của Đức bắt buộc các DN phải tuân thủ đầy đủ các quyền con người và một số yêu cầu về trách nhiệm thẩm định về môi trường…

Vậy, làm thế nào để việc xử lý khó khăn, vướng mắc cho DN đi vào thực chất, hỗ trợ và nuôi dưỡng tinh thần doanh chủ, thưa bà?

“Đồng bộ, thực chất” là các từ khóa mà DN mong mỏi nhất. Các chủ trương, chính sách hỗ trợ DN rất nhiều, nhưng vì còn thiếu tính đồng bộ ở khâu thực thi, quá trình triển khai có chỗ còn chưa thực chất hoặc bị sức ì, nên nhiều nỗ lực của Chính phủ chưa tạo được thành động lực thực sự cho DN. Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, cộng đồng DN quan tâm nhất là các giải pháp giúp tạo dòng tiền ngắn hạn, nên việc xử lý vướng mắc cho DN cần có ưu tiên, trọng tâm thay vì dàn trải. Đồng thời, cũng cần tính tới một bài toán rất quan trọng là tạo động lực, hoặc ít nhất phải giảm bớt áp lực cho cán bộ, công chức ở khâu thực thi chính sách thì mới hi vọng vào sự cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác của Thủ tướng về cải cách thủ tục hành chính do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang làm Tổ trưởng. Đây là một mô hình mà DN rất kỳ vọng vì đã từng có mô hình tương tự và phát huy nhiều tác dụng trong giai đoạn các năm trước, nay lại được nâng cấp chỉ đạo, cho thấy sự quan tâm rất lớn của Chính phủ với câu chuyện cải thiện môi trường kinh doanh cho DN.

Trong lúc chờ đợi “bàn tay bà đỡ” của Nhà nước, các DN cũng cần chủ động thích ứng với thách thức, khó khăn để tự cứu mình và nắm bắt cơ hội. Chúng ta rất cần những DN tiên phong, mở đường dẫn dắt mô hình kinh doanh mới, chuyển đổi xanh trong các lĩnh vực, từ đó thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng một cách bền vững. Ví dụ mảng sản xuất lúa gạo phát thải carbon thấp, Tập đoàn Lộc Trời đã xây dựng nên thương hiệu sản phẩm lúa gạo phát thải thấp đạt các chuẩn khắt khe nhất của EU, giúp gia tăng giá trị hạt gạo và mở đường cho DN đi vào các thị trường khó tính. Hay mảng cafe, Công ty Vĩnh Hiệp, Công ty Phúc Sinh là những DN tiên phong xuất khẩu sản phẩm cafe phát thải thấp theo tiêu chuẩn của các nhà mua hàng quốc tế.

Vai trò của các hiệp hội cần phát huy hơn bao giờ hết trong quá trình này, để hỗ trợ gắn kết DN, phản ánh tiếng nói của DN tới các cơ quan, tổ công tác, từ đó thúc đẩy hiệu quả các đối thoại và chương trình hợp tác công tư.

Khi nhiều bên cùng nỗ lực như vậy thì mới có thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đồng thời tạo niềm tin, động lực cho DN để phục hồi và phát triển.

Chuyên đề