Giải ngân vốn đầu tư công: Không đạt chỉ tiêu, Bình Dương rút ra 3 bài học

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Mặc dù kết quả Chiến dịch cao điểm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công tháng cuối niên độ đến 31/1/2023 khá khả quan, song Bình Dương vẫn không đạt mục tiêu giải ngân trên 90% kế hoạch năm 2022. Ba bài học kinh nghiệm được rút ra cùng nhóm giải pháp nâng cao tiến độ, hiệu quả đầu tư công được Tỉnh áp dụng ngay từ tháng đầu năm 2023.
Theo tổng hợp sơ bộ, giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 của Bình Dương đạt 74,4% kế hoạch. Ảnh minh họa: Phú An
Theo tổng hợp sơ bộ, giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 của Bình Dương đạt 74,4% kế hoạch. Ảnh minh họa: Phú An

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương, Kế hoạch số 6523/KH-UBND của UBND tỉnh Bình Dương về triển khai Chiến dịch cao điểm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công được thực hiện từ ngày 8/12/2022 đến 31/1/2023. Qua tổng hợp sơ bộ, giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 của Bình Dương đạt 74,4% kế hoạch, trong đó kế hoạch năm 2021 kéo dài đạt 50,3%, kế hoạch năm 2022 đạt 84%, tăng hơn 20 điểm % so với thời điểm 30/11/2022.

Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Dương cho biết, trong thời gian thực hiện chiến dịch, một số nhiệm vụ, giải pháp lần đầu tiên được thực hiện như: công bố số liệu giải ngân hàng ngày của các chủ đầu tư; lồng ghép các bước công việc để đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường… Tuy vậy, tỷ lệ giải ngân của một số chủ đầu tư đạt thấp như: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (QLDA ĐTXD) Tỉnh (22,1%), Ban QLDA ĐTXD công trình giao thông (32,5%)… Nhiều dự án trọng điểm, kế hoạch vốn lớn giải ngân thấp như: Dự án Xây dựng cầu bắc qua sông Đồng Nai (cầu Bạch Đằng 2) - giai đoạn 2 xây dựng cầu vượt sông Đồng Nai (14%), Dự án Khối kỹ thuật trung tâm và nhà quàn thuộc Khu quy hoạch chi tiết 1/500 Bệnh viện Đa khoa 1.500 giường (14%), Dự án Nâng cấp, mở rộng đường ĐT.746 đoạn từ ngã ba Tân Thành đến ngã ba Hội Nghĩa (16%)… Cá biệt, Dự án Thiết bị Bệnh viện đa khoa 1.500 giường giải ngân 0%.

Đáng chú ý, nhiều nhiệm vụ, giải pháp chưa được triển khai kịp thời hoặc có triển khai thực hiện nhưng chưa triệt để ảnh hưởng đến kết quả giải ngân như công tác di dời công trình điện, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện chế độ khen thưởng và xử lý trách nhiệm trong giải ngân vốn đầu tư công.

Theo ông Trịnh Hoàng Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Dương, qua chiến dịch cao điểm vừa nêu, Tỉnh rút ra 3 bài học kinh nghiệm để triển khai thực hiện tốt hơn kế hoạch đầu tư công năm 2023. Đó là, sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của lãnh đạo Tỉnh, thủ trưởng các sở, ban, ngành và các chủ đầu tư có vai trò quyết định đối với kết quả giải ngân vốn đầu tư công. Minh chứng là cùng một cơ chế, chính sách nhưng có ngành, có địa phương thực hiện tốt, có ngành, địa phương thực hiện chưa tốt. Thứ hai là giải phóng mặt bằng, đặc biệt là khâu thẩm định và phê duyệt đơn giá đất, vẫn là điểm nghẽn lớn nhất, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân của các dự án. Do vậy, công tác thẩm định và phê duyệt đơn giá đất cần được quan tâm hơn nữa để khơi thông điểm nghẽn này. Thứ ba là công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án phải được thực hiện thật sớm để kịp thời điều chỉnh nếu có vướng mắc phát sinh, không dồn vào các tháng cuối năm để tránh rơi vào tình trạng bị động khi phải điều chỉnh không kịp giải ngân kế hoạch vốn. Bên cạnh đó, việc không có sẵn các dự án đủ điều kiện bố trí vốn gây khó khăn cho việc điều chuyển kế hoạch vốn từ các dự án không có khả năng giải ngân theo tiến độ trong năm. Cần nghiên cứu cơ chế cho phép chuẩn bị sẵn một số dự án chưa thực hiện ngay để điều chuyển vốn trong trường hợp cần thiết.

Từ các bài học kinh nghiệm, Bình Dương đã xây dựng các giải pháp để giải quyết một cách căn cơ các vướng mắc. Theo đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Hội đồng Thẩm định giá đất, Tổ giúp việc tiếp tục phát huy những kết quả vừa qua, kịp thời hướng dẫn các chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ để thẩm định và trình phê duyệt, nhất là các hồ sơ tồn đọng chuyển tiếp từ năm 2022. Qua đó, tạo chuyển biến lớn về chất trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Với các dự án dự kiến khởi công mới trong năm 2023, Sở yêu cầu các chủ đầu tư khẩn trương hoàn tất thủ tục cần thiết để sớm triển khai, hạn chế các rủi ro phát sinh, dẫn đến không kịp giải ngân kế hoạch vốn.

Kế đến, các chủ đầu tư chủ động xây dựng kế hoạch triển khai, tiến độ giải ngân cho từng dự án, bao gồm thuyết minh, đánh giá rủi ro trong quá trình thực hiện; báo cáo định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn. Bình Dương sẽ chấp thuận phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt một số dự án mới, nhưng chưa thực hiện ngay để tạo dư địa điều chuyển kế hoạch vốn của các dự án không giải ngân hết trong năm khi cần thiết. Các chủ đầu tư đề nghị điều chỉnh giảm kế hoạch đầu tư công trong năm cũng phải đồng thời điều chỉnh giảm kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 tương ứng, để tạo điều kiện điều chuyển vốn cho dự án khác có khả năng giải ngân ngay trong năm 2023. Việc công bố giá vật liệu xây dựng, thiết bị công trình sẽ theo định kỳ hàng quý hoặc sớm hơn khi cần theo yêu cầu của UBND Tỉnh.

Chuyên đề