Giải ngân vốn đầu tư công: Bài toán khó cho Đồng Nai về đích

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tháng 8 đã sang, tỉnh Đồng Nai mới giải ngân được khoảng 2.382 tỷ đồng, bằng 18,38% kế hoạch. Do khâu tổ chức thực hiện và hiệu quả các giải pháp điều hành mờ nhạt cùng vướng mắc chủ quan nên dự báo địa phương trọng điểm Đông Nam Bộ này rất khó đạt mục tiêu giải ngân trên 95% kế hoạch vốn năm 2023.
Thiếu mặt bằng, nhà thầu chưa thể đẩy nhanh thi công Dự án Xây dựng đường trục trung tâm TP. Biên Hòa đoạn từ đường Võ Thị Sáu đến đường Đặng Văn Trơn. Ảnh: Ngọc Tuấn
Thiếu mặt bằng, nhà thầu chưa thể đẩy nhanh thi công Dự án Xây dựng đường trục trung tâm TP. Biên Hòa đoạn từ đường Võ Thị Sáu đến đường Đặng Văn Trơn. Ảnh: Ngọc Tuấn

20 chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân dưới 21%

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai, năm 2023, tổng kế hoạch vốn đầu tư công là hơn 12.958 tỷ đồng, vốn năm 2022 kéo dài sang năm 2023 là hơn 2.775 tỷ đồng. Tính đến ngày 2/8/2023, Đồng Nai giải ngân được 2.382,034 tỷ đồng, đạt 18,38% tổng kế hoạch. Đánh giá kết quả giải ngân của sở này cho thấy, có tới 20 chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân dưới 20,28%, trong đó có 9 chủ đầu tư giải ngân dưới 10%, đặc biệt có 7 chủ đầu tư chưa giải ngân được đồng vốn nào. Đối với vốn cấp huyện giao chỉ tiêu kế hoạch, kết quả giải ngân cũng rất èo uột, hiện có 6 đơn vị đạt tỷ lệ giải ngân thấp (dưới tỷ lệ bình quân của cấp huyện 22,02%) đến ngày 2/8, gồm các huyện Long Thành, Thống Nhất, Tân Phú, Định Quán, Vĩnh Cửu, TP. Biên Hòa.

Theo đánh giá, nguyên nhân tạo sức ì giải ngân đầu tư công tại Đồng Nai do nhiều giải pháp quyết liệt được thực hiện song hiệu quả “chẩn trị” các vướng mắc cố hữu rất hạn chế. Đó là khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB). Đây là mắt xích gây tắc nghẽn nhất cho việc giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt tại các dự án giao thông, dự án hạ tầng thoát nước. Thiếu mặt bằng hoặc bàn giao mặt bằng theo dạng “da beo, xôi đỗ” khiến nhiều dự án chậm tiến độ, làm giảm hiệu quả, tăng chi phí đầu tư. Đơn cử như Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường ven sông Đồng Nai (đoạn từ cầu Hóa An, TP. Biên Hòa đến giáp ranh huyện Vĩnh Cửu) do Ban Quản lý dự án TP. Biên Hòa làm chủ đầu tư. Dự án có chiều dài 5,2 km, vốn đầu tư gần 1.300 tỷ đồng này được khởi công từ tháng 12/2021. Đảm nhiệm gói thầu xây dựng giá trị hơn 472 tỷ đồng tại Dự án là Liên danh Công ty CP Giao thông 828 - Công ty CP Nhân Bình - Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Kiến Quốc với thời gian thi công trong 17 tháng. Tuy nhiên, sau 19 tháng động thổ, hiện Dự án đang thi công cầm chừng và đạt 42% khối lượng hợp đồng do mặt bằng bàn giao "da beo" và Chủ đầu tư phải gia hạn hợp đồng, điều chỉnh thời gian hoàn thành công trình đến đầu năm 2024.

Đầu niên kỳ 3 năm gần nhất, UBND tỉnh Đồng Nai đều có các chỉ thị về triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công và đều có các nội dung về lãnh đạo, chỉ đạo công tác GPMB đối với cấp huyện, trong đó đặt lãnh đạo cấp này vào vị trí trung tâm. Tuy nhiên, khâu chỉ đạo, tổ chức thực hiện của cấp huyện chưa quyết liệt, chưa hiệu quả. Mới đây, khâu GPMB cho Dự án Xây dựng đường trục trung tâm TP. Biên Hòa đoạn từ đường Võ Thị Sáu đến đường Đặng Văn Trơn (cầu Thống Nhất và đường kết nối hai đầu cầu) với tổng mức đầu tư hơn 1.506 tỷ đồng là một ví dụ. Vì chưa quyết liệt và việc phân nhiệm GPMB lừng khừng giữa Trung tâm Phát triển quỹ đất Tỉnh và TP. Biên Hòa nên dù khởi công từ 1/2023 nhưng Dự án vẫn “đứng hình”. Nhà thầu đảm nhiệm thi công Liên danh Công ty CP Đầu tư xây dựng số 1 Mê Kông - Công ty CP Xây dựng hạ tầng CII - Công ty CP Vinadelta - Công ty CP SHC từng chia sẻ với Báo Đầu thầu rằng, thiết bị được tập kết đến công trường rồi lại phải kéo đi vì không đủ mặt bằng thi công. Hiện nhà thầu này chỉ thi công các hạng mục phụ trợ như phát quang mặt bằng, đúc cấu kiện bê trong trong lúc chờ mặt bằng để thi công trụ, mố cầu.

Cần phá băng tâm lý e ngại, sợ trách nhiệm

Quan sát từ thực tế cho thấy, năng lực của của đơn vị thực hiện công tác GPMB còn hạn chế. Từ ngày 1/7/2023, Nghị quyết số 73/NQ-CP (ngày 6/5/2023) của Chính phủ về ủy quyền quyết định giá đất cụ thể có hiệu lực, Đồng Nai đã phân cấp cho UBND cấp huyện quyết định giá đất cụ thể. Tuy nhiên, hầu hết các địa phương chưa thực hiện và viện dẫn nhiều lý do, trong khi thẩm quyền đã được giao nhưng không thực hiện. Việc phối hợp giữa chủ đầu tư và địa phương cấp huyện chưa thực sự tốt và trách nhiệm chậm trễ bàn giao mặt bằng thi công thuộc về UBND cấp huyện. Cấp này cũng chưa mạnh dạn áp dụng quy trình cưỡng chế theo quy định do chưa đảm bảo việc tái định cư (TĐC) khi giải tỏa trắng. Các khu TĐC chưa được xây dựng kịp thời, đặc biệt là trên địa bàn TP. Biên Hòa như Khu TĐC tại phường Thống Nhất và phường Tân Mai (8,5 ha), Khu TĐC phường Tam Hiệp (9,4 ha), Khu TĐC phường Bình Đa (3 ha), các khu TĐC 6,3 ha và 11 ha tại phường Bửu Long và Khu TĐC phường Hóa An (hơn 30 ha).

Cũng theo đánh giá của Đồng Nai, ngoài GPMB thì giải ngân đầu tư chậm có 2 vướng mắc khác do chủ quan của các chủ đầu tư. Đó là vướng mắc liên quan đến quy hoạch trong trường hợp dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư phải thực hiện điều chỉnh do quy hoạch thay đổi so với thời điểm phê duyệt chủ trương. Điển hình như Dự án Đường Vành đai thị trấn Định Quan (huyện Định Quán). Vướng mắc chủ quan thứ hai là việc phối hợp chưa tốt giữa chủ đầu tư với UBND cấp huyện và các sở, ngành trong thực hiện các thủ tục đầu tư dự án.

Trong khoảng thời gian 4 tháng còn lại, để hoàn thành mục tiêu năm 2023, tỉnh Đồng Nai cần giải ngân hơn 10.183 tỷ đồng vốn kế hoạch. Đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề và khó khả thi trong bối cảnh hiện tại của Tỉnh. Đồng Nai tiếp tục đưa ra 10 nhóm giải pháp thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, tuy nhiên các giải pháp này không có gì mới mẻ so với các niên kỳ đầu tư công trước. Mấu chốt của vấn đề chậm giải ngân tại Đồng Nai hiện nay vẫn là hiệu quả khâu tổ chức thực hiện và kỷ cương công vụ trong đầu tư công cần được siết chặt để “phá băng” tâm lý e ngại, sợ trách nhiệm.

Thông tin đáng lưu tâm là, theo Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, Đồng Nai tập trung vào phương án huy động nguồn khai thác đấu giá đất khoảng 45.000 tỷ đồng, tuy nhiên mới huy động được 5.614 tỷ đồng và chưa đạt như kỳ vọng; dự kiến sẽ không thu đủ để đáp ứng nhu cầu vốn theo kế hoạch trung hạn cho các năm 2024 và 2025 tới đây.

Chuyên đề