Giải bài toán vừa quản lý, vừa kiến tạo phát triển

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng vừa trình bày trước Quốc hội Tờ trình về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu. Ảnh: Nam An
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu. Ảnh: Nam An

Theo Bộ trưởng, những nội dung được chọn sửa đổi nhằm giải quyết các điểm nghẽn, khơi thông các nguồn lực, hướng tới việc vừa quản lý vừa kiến tạo phát triển, thúc đẩy sáng tạo, mở rộng không gian, giải phóng các nguồn lực cho phát triển đất nước.

Sửa luật để kiến tạo phát triển

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trước đây, việc xây dựng pháp luật chủ yếu là để quản lý, nhưng hiện nay phải vừa quản lý vừa kiến tạo phát triển, thúc đẩy sáng tạo, mở rộng không gian, giải phóng các nguồn lực cho phát triển đất nước. Trong mối quan hệ giữa quản lý nhà nước và kiến tạo phát triển, nếu quản lý chặt sẽ bó cứng, cản trở phát triển, nhưng nếu mở quá lại “thả gà ra đuổi”, lại phát sinh bất cập, xử lý hậu quả. Mối quan hệ này phải nghiên cứu thấu đáo, chặt chẽ trong quá trình hoàn thiện Dự án Luật.

Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng, trong tư duy xây dựng Luật phải bỏ và khắc phục được các quan điểm không quản được thì cấm, xin - cho, quyền anh quyền tôi. Thực tiễn đòi hỏi việc ban hành các chính sách pháp luật phải chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Cần phân cấp, phân quyền triệt để hơn, cắt giảm các thủ tục hành chính thực chất, hiệu quả hơn, làm sao để các thủ tục ngắn gọn hơn, cắt giảm thời gian, chi phí và không đánh mất cơ hội của các nhà đầu tư. Những nội dung được chọn sửa đổi lần này trong Dự án Luật sửa 4 luật đã tập trung vào những vấn đề mấu chốt, quan trọng, đã chín, đã rõ cần xử lý ngay, giải quyết các điểm nghẽn, khơi thông các nguồn lực. Những vấn đề khác chưa cấp bách sẽ để sửa tổng thể ở các luật.

Tại Tờ trình về Dự án Luật sửa 4 luật, Bộ trưởng cho biết, với Luật Quy hoạch, việc sửa đổi sẽ quy định rõ mối quan hệ giữa quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành với các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia nhằm giải quyết vướng mắc về căn cứ lập quy hoạch khi quy hoạch cấp trên chưa được phê duyệt. Cho phép sử dụng nguồn vốn đầu tư công, nguồn chi thường xuyên và các nguồn vốn hợp pháp khác cho hoạt động quy hoạch để tạo cơ chế linh hoạt khi sử dụng ngân sách nhà nước, phù hợp với tính chất của từng loại quy hoạch. Phân quyền cho ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh và bổ sung quy định điều chỉnh kế hoạch thực hiện quy hoạch để tạo chủ động, linh hoạt cho các địa phương trong tổ chức thực hiện quy hoạch...

Với Luật Đầu tư, việc sửa đổi nhằm phân quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, bổ sung quy định về thủ tục đầu tư đặc biệt theo hướng chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm nhằm đơn giản hoá thủ tục đầu tư, rút ngắn thời gian triển khai dự án để tạo cơ chế thuận lợi, cạnh tranh nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược…

Với Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, việc sửa đổi nhằm khuyến khích thực hiện phương thức PPP đối với tất cả các dự án thuộc lĩnh vực đầu tư công nhằm cung cấp sản phẩm, dịch vụ công, trừ các dự án thuộc lĩnh vực Nhà nước độc quyền hoặc dự án thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội. Bãi bỏ hạn mức về quy mô vốn đầu tư tối thiểu để thực hiện dự án PPP; bổ sung thủ tục rút gọn và đơn giản hóa nội dung các báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, khả thi đối với: (i) dự án nhóm B, nhóm C và không sử dụng vốn nhà nước; (ii) dự án O&M; (iii) dự án BT không yêu cầu thanh toán…

Với Luật Đấu thầu, Dự thảo Luật sửa 4 luật đề xuất cho phép phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu trước khi dự án được phê duyệt hoặc ký hợp đồng với nhà thầu trước khi điều ước quốc tế, thỏa thuận vay nước ngoài được ký kết; cho phép áp dụng hình thức đấu thầu hạn chế, đấu thầu quốc tế, đấu thầu trong nước trong trường hợp đối tác phát triển, nhà tài trợ nước ngoài yêu cầu áp dụng các hình thức này như một điều kiện ràng buộc trong quá trình đàm phán, ký kết các điều ước quốc tế, thỏa thuận vay nước ngoài nhằm đẩy nhanh quá trình đàm phán, ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận vay nước ngoài. Đồng thời, bổ sung các gói thầu được áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt, phân cấp thẩm quyền quyết định áp dụng hình thức này nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, gói thầu có yêu cầu đặc thù…

Dự án Luật sửa 4 luật phân cấp cho UBND cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án xây dựng mới bến cảng, khu bến cảng thuộc cảng biển đặc biệt có quy mô dưới 2.300 tỷ đồng. Ảnh: Nhã Chi
Dự án Luật sửa 4 luật phân cấp cho UBND cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án xây dựng mới bến cảng, khu bến cảng thuộc cảng biển đặc biệt có quy mô dưới 2.300 tỷ đồng. Ảnh: Nhã Chi

Cần bảo đảm sự thống nhất, thực chất trong sửa luật

Cho ý kiến thẩm tra Dự án Luật sửa 4 luật, ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, Ủy ban cơ bản nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung các luật thuộc Dự án Luật với cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn đã được nêu tại Tờ trình số 675/TTr-CP của Chính phủ. Dự án Luật sửa đổi, bổ sung nhiều quy định liên quan đến công tác quy hoạch, thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh, đầu tư theo phương thức đối tác công tư và hoạt động đấu thầu, trong đó có những quy định liên quan trực tiếp đến nguồn lực, ngân sách nhà nước, thẩm quyền, phân cấp, phân quyền cho bộ, ngành, địa phương, thủ tục hành chính...

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát, chỉnh lý các dự thảo luật để bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật; tránh một nội dung quy định tại nhiều luật dẫn tới chồng chéo, mâu thuẫn, gây khó khăn trong quá trình áp dụng pháp luật; đơn giản hóa trình tự, thủ tục để đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư, đề nghị cân nhắc các quy định về thủ tục đầu tư đặc biệt; về phân cấp thêm cho UBND cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư xây dựng mới bến cảng, khu bến cảng thuộc cảng biển đặc biệt có quy mô vốn đầu tư dưới 2.300 tỷ đồng. Đối với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu, đề nghị làm rõ quy định liên quan đến đấu thầu trước và lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt.

Ông Phạm Hùng Thắng - đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam đề xuất bổ sung quy định hạn mức chỉ định thầu đối với các gói thầu thuộc dự án, dự toán sử dụng vốn chi thường xuyên, không phải dự toán mua sắm, không phải dự án đầu tư theo Luật Đầu tư công (như cải tạo, nâng cấp, mở rộng, sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng…) tại điểm m khoản 1 Điều 23 Luật Đấu thầu.

Ông Lê Quang Huy - đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận đánh giá cao việc Dự án Luật quy định thủ tục đầu tư đặc biệt áp dụng đối với một số dự án thuộc lĩnh vực đổi mới sáng tạo, công nghiệp bán dẫn và các lĩnh vực công nghệ cao, sản phẩm công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế. Điều này giúp thu hút nhà đầu tư chiến lược, tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ doanh nghiệp đối với một số ngành, nghề ưu đãi đầu tư. Bên cạnh đó, Dự án Luật đã bổ sung quy định về thủ tục đầu tư đặc biệt theo hướng chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm nhằm đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian triển khai dự án, tạo cơ chế thuận lợi, cạnh tranh thu hút các nhà đầu tư chiến lược.

Đánh giá cao Dự án Luật đã giải quyết được những tồn tại, hạn chế nhằm khắc phục sự chậm trễ, lãng phí trong triển khai các dự án đầu tư công, nhưng ông Vũ Đại Thắng - đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình cho rằng, việc sửa đổi cần triệt để hơn nữa. Ông Thắng đề nghị cần tiến hành sửa đổi đồng bộ trong Dự án Luật một số vấn đề liên quan đến đấu thầu mua sắm hàng hóa, vật tư y tế; sự ràng buộc, chồng chéo trong quy trình, thủ tục đầu tư công; việc phân cấp, phân quyền; quy trình thẩm định, thẩm tra tất cả các nội dung liên quan đến các công trình, dự án nhằm rút gọn trình tự, thủ tục liên quan, đẩy nhanh tiến độ, tạo sức hút các nguồn lực đầu tư khác, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Đối với nội dung sửa Luật Đấu thầu, ông Nguyễn Phi Thường - đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội cho rằng, cần xem xét sửa đổi một cách tổng thể để hoạt động đấu thầu bảo đảm hiệu quả, công bằng giữa yếu tố giá và chất lượng. Còn nhiều bất cập trong đấu thầu thuốc tại các bệnh viện và việc sửa đổi Luật cần hướng đến thực chất để việc đấu thầu không mang tính hình thức.

Chuyên đề