Tiến độ tổng thể của Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I hiện đạt khoảng 72%. Ảnh: Đỗ Tỵ |
Làm thế nào để đủ điện cho phát triển kinh tế, góp sức hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc - là bài toán lớn cần có lời giải trong bối cảnh nhiều dự án thuộc Quy hoạch điện VIII đang chậm tiến độ, lãng phí.
Bài 2: Nhiều dự án điện trễ hẹn và nỗi lo lãng phí
Thách thức đảm bảo điện gia tăng, nguy cơ thiếu điện hiện hữu, song trên thực tế, tiến độ triển khai không ít dự án điện rất chậm. Cùng với nỗi lo lãng phí nguồn lực đầu tư, Tổng Bí thư Tô Lâm cảnh báo, nếu tình trạng này không được khắc phục, nhà đầu tư sẽ rút lui, gây ảnh hưởng lớn đến môi trường đầu tư của Việt Nam.
Chậm tiến độ từ nguồn tới lưới
Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I nằm trong Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh, theo kế hoạch vận hành tổ máy 1 năm 2021 và tổ máy 2 năm 2022. Tuy nhiên, quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn, đến tháng 12/2021 mới được khởi công xây dựng nên Dự án tiếp tục chuyển sang Quy hoạch điện VIII.
Theo Quy hoạch điện VIII, Nhà máy có công suất 1.403 MW, đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2030 với tổng mức đầu tư hơn 40.000 tỷ đồng. Công trình do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư, giao Ban Quản lý dự án điện 2 quản lý Dự án. EVN đang phấn đấu hoàn thành phát điện thương mại cả hai tổ máy vào năm 2026. Khi đi vào vận hành, Nhà máy sẽ cung cấp cho hệ thống điện quốc gia khoảng 8,4 tỷ kWh điện mỗi năm, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, nâng cao độ an toàn và ổn định cho hệ thống điện.
Cập nhật mới nhất từ EVN cho thấy, đến thời điểm này, tiến độ Dự án đạt khoảng 72%. Quá trình triển khai gặp một số khó khăn, trở ngại liên quan đến bồi thường giải phóng mặt bằng. “Cuối tháng 10 vừa qua, UBND tỉnh Quảng Bình đã chủ trì cuộc họp để tháo gỡ vướng mắc cho Dự án. Vướng mắc này được xem là “lằn ranh đỏ”, nếu không sớm giải quyết sẽ ảnh hưởng đến tiến độ chung của Dự án, gây thiệt hại cho Chủ đầu tư, đặc biệt khó có thể hòa lưới phát điện đúng mốc thời gian theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”, đại diện Chủ đầu tư cho biết.
Với dự án lưới điện, theo nguồn tin của Báo Đấu thầu, EVN và các đơn vị thành viên đang gặp vướng mắc lớn trong việc thực hiện các dự án truyền tải điện trọng điểm do liên quan đến công tác chấp thuận chủ trương đầu tư; thoả thuận/điều chỉnh hướng tuyến đường dây và vị trí trạm biến áp; bồi thường, giải phóng mặt bằng. Cụ thể, một số dự án đã hoàn thành thủ tục phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi/thiết kế kỹ thuật như Dự án Đường dây 220kV Phong Thổ - Than Uyên, hoặc đang thi công như Dự án Trạm biến áp Điện Biên, Dự án Trạm biến áp 220kV Pắc Ma, Dự án Trạm biến áp 220kV Phong Thổ…, nhưng một số tỉnh yêu cầu bổ sung chấp thuận chủ trương đầu tư nên dự án chưa thể triển khai các bước tiếp theo. Ngoài ra, một số dự án gặp vướng mắc do phải bổ sung quy hoạch sử dụng đất cho dự án như Dự án Trạm biến áp 500kV Quỳnh Lưu…
Nhà thầu thi công một số dự án như Đường dây 220kV Huội Quảng - Nghĩa Lộ, Trạm biến áp 220kV Nghĩa Lộ và Đường dây 220kV đấu nối Nghĩa Lộ - Trạm biến áp 500kV Việt Trì… thì chia sẻ, họ gặp khó khăn về tài chính nên không đảm bảo tiến độ mặc dù chủ đầu tư thường xuyên đôn đốc. Thậm chí, có những gói thầu bị chấm dứt do thời gian thực hiện hợp đồng kéo dài, vướng mắc giải phóng mặt bằng và điều chỉnh tuyến…
Đối với các dự án nhập khẩu điện từ Lào, hiện EVN mới hoàn thành 2 liên kết nhập khẩu là đường dây 220kV Nậm Mô - Tương Dương và 220kV Bờ Y, 3 dự án liên kết 500/220kV còn lại dự kiến hoàn thành cuối năm 2024. Tuy nhiên, mục tiêu này khá thách thức, bởi chỉ riêng Dự án Đường dây 220kV Nậm Sum - Nông Cống đã nhiều lần “trễ hẹn về đích”, trong khi những vướng mắc về mặt bằng vẫn chưa được tháo gỡ dứt điểm.
Với các dự án điện do tư nhân đầu tư, việc triển khai cũng không mấy thuận lợi. Dự án Nhiệt điện An Khánh - Bắc Giang với tổng công suất 650MW đã hiện diện trong Quy hoạch điện nhiều năm trước, khởi công xây dựng từ năm 2010 nhưng đến nay chưa thể hoàn thành. Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Ngô Quốc Hội, Tổng giám đốc Công ty CP Nhiệt điện An Khánh - Bắc Giang cho hay, việc triển khai các bước để thực hiện Dự án gặp nhiều khó khăn, do đó tiến độ đầu tư chưa được như mong đợi.
Điện tái tạo ngổn ngang khó khăn
Trong khi nhiều dự án nguồn và lưới điện chậm tiến độ, thì không ít dự án năng lượng tái tạo (NLTT) gặp vướng mắc chưa thể đi vào vận hành, khai thác.
Thời gian qua, Việt Nam đã ban hành chính sách khuyến khích phát triển điện tái tạo (giá FIT), trong đó có điện mặt trời và điện gió. Tuy nhiên, Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời hết hiệu lực ngày 31/12/2020, Quyết định 39/2018/QĐ-TTg về giá FIT cho điện gió hết hiệu lực ngày 31/10/2021. Tại thời điểm kết thúc cơ chế giá này, có tới 85 dự án NLTT với tổng công suất trên 4.730MW không về đích đúng hẹn nên không được hưởng cơ chế giá ưu đãi.
Số liệu cập nhật của EVN cho thấy, tính đến hết tháng 9/2024, có 81/85 dự án NLTT chuyển tiếp đã gửi hồ sơ đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện với tổng công suất 4.597,86MW. Trong đó, 72
dự án NLTT chuyển tiếp với tổng công suất 4.128,01MW đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá theo Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 7/1/2023 của Bộ Công Thương. Hiện còn 4 dự án với tổng công suất 136,7MW chưa gửi hồ sơ đàm phán giá điện.
Đến nay, EVN cùng chủ đầu tư 64 dự án NLTT đã hoàn thành đàm phán giá và ký tắt hợp đồng mua bán điện. Bộ Công Thương đã phê duyệt giá tạm cho 63 dự án với tổng công suất 3.429,41MW… Giá tạm này bằng 50% giá trần của khung giá theo Quyết định số 21/QĐ-BCT, phần còn lại sẽ được hồi tố khi có quy định mới. Tuy nhiên, theo chia sẻ của nhiều nhà đầu tư, thời gian doanh nghiệp được hồi tố là khó đoán định, trong khi nhiều năm nay, nhà đầu tư phải trả gốc, lãi vay hàng tháng với số tiền rất lớn. Sự chờ đợi tiếp tục đặt nhà đầu tư vào hoàn cảnh khó khăn tài chính.
Theo Tập đoàn Trung Nam, hiện phần công suất 172MW thuộc Nhà máy Điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam 450MW kết hợp Trạm biến áp 500kV của Tập đoàn bị EVN dừng huy động từ tháng 9/2022 với lý do không đáp ứng quy định hưởng giá FIT. Sản lượng đã phát lên lưới của phần công suất 172MW này là rất lớn, lên tới hàng trăm tỷ đồng, nhưng đến nay chưa được EVN thanh toán. Sau khi hoàn thành công trình, Tập đoàn nhiều lần đề nghị EVN/EVNNPT tiếp nhận bàn giao hệ thống truyền tải 500kV Thuận Nam - Vĩnh Tân với giá 0 đồng để thực hiện quản lý, vận hành theo đúng chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, nhưng đến nay công tác bàn giao vẫn chưa được thực hiện… “Đây là sự tổn thất cho nhà đầu tư, lãng phí năng lượng rất lớn. Việc này không chỉ ảnh hưởng đến lợi ích chính đáng của nhà đầu tư mà còn ảnh hưởng đến khả năng duy trì vận hành hệ thống truyền tải 500kV Thuận Nam”, đại diện Tập đoàn Trung Nam nhấn mạnh.
Tại một cuộc họp mới đây nhằm tháo gỡ khó khăn cho các dự án NLTT chuyển tiếp, Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình chỉ đạo, những khó khăn, vướng mắc này cần được quyết liệt tháo gỡ, xử lý dứt điểm để các dự án NLTT sớm được triển khai thực hiện, đi vào vận hành, khai thác, không để lãng phí nguồn lực đầu tư.
Cuối năm 2023, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý, thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh cho thấy, các doanh nghiệp năng lượng chủ chốt chưa hoàn thành việc đầu tư các dự án nguồn điện và lưới điện được giao tại quy hoạch.
Với EVN, việc đầu tư nguồn nhiệt chỉ đạt 82,2% so với công suất được giao tại Quy hoạch. Nhiều dự án lưới điện chậm tiến độ, không đáp ứng đủ năng lực truyền tải theo quy hoạch, nhất là việc giải tỏa công suất các nhà máy điện mặt trời nối lưới đầu tư ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Không hoàn thành việc đầu tư lưới điện truyền tải cũng là nguyên nhân của thực trạng quá tải cục bộ phải cắt giảm công suất phát điện các nhà máy, ảnh hưởng đến vận hành hệ thống điện…
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) đã không hoàn thành việc đầu tư 12 dự án nguồn điện với tổng công suất 13.350MW theo nhiệm vụ được giao tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Trong đó, PVN được giao làm chủ đầu tư 9 dự án thì 7 dự án chậm tiến độ với thời gian dài, 2 dự án chưa triển khai là Nhiệt điện khí Kiên Giang I và II.
Tương tự, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Điện lực TKV đã không hoàn thành nhiệm vụ đầu tư 6 dự án nguồn điện với tổng công suất 2.260MW.
Thanh tra Chính phủ kiến nghị cần hoàn thiện quy định pháp luật về quản lý điện lực với việc yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về quản lý điện lực; kiến nghị kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm được chỉ ra…