Ảnh chỉ mang tính minh họa. |
Chênh lệch giữa giá trúng thầu và giá gói thầu
Ban Quản lý dự án giao thông III Thanh Hóa vừa công bố kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu số 05: “Sửa chữa công trình và đảm bảo giao thông” thuộc Dự án Gia cố lề; sửa chữa nền, mặt đường; bổ sung hệ thống thoát nước, hệ thống báo hiệu đường bộ và an toàn giao thông đoạn Km1+250 - Km4+260; Km6 - Km19+700; Km33+100 - Km36+320, Quốc lộ 47C, tỉnh Thanh Hóa. Theo thông báo này, Liên danh nhà thầu Công ty CP Đường sắt Thanh Hóa - Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Trung Phần trúng Gói thầu với giá trúng thầu 32,25 tỷ đồng, trong khi giá gói thầu là 30,47 tỷ đồng.
Gói thầu nêu trên sử dụng nguồn vốn từ Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương, thời gian phát hành hồ sơ mời thầu từ 9 giờ ngày 02/11/2016 đến 09 giờ 00 ngày 22/11/2016 (trong giờ hành chính), lựa chọn nhà thầu theo hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước. Phần công việc chính của Gói thầu là sửa chữa công trình và đảm bảo giao thông thuộc Dự án Gia cố lề; sửa chữa nền, mặt đường; bổ sung hệ thống thoát nước, hệ thống báo hiệu đường bộ và an toàn giao thông đoạn Km1+250 - Km4+260; Km6 - Km19+700; Km33+100 - Km36+320, Quốc lộ 47C.
Tại một gói thầu khác cũng do Ban Quản lý dự án giao thông III Thanh Hóa làm chủ đầu tư là Gói thầu số 5: Xây dựng công trình và bảo hiểm xây dựng công trình Dự án Nâng cấp, cải tạo tuyến đường giao thông từ cầu Mục Sơn đến Khu du lịch Lam Kinh, có giá trúng thầu cao hơn giá gói thầu (giá trúng thầu là 15 tỷ đồng, giá gói thầu là 14,5 tỷ đồng).
Đề cập về việc giá trúng thầu vượt giá gói thầu tới gần 2 tỷ đồng, ông Lê Quốc Oai, cán bộ Phòng Kế hoạch thuộc Ban Quản lý dự án giao thông III Thanh Hóa cho biết: “Thực tế là giá Gói thầu số 05 công bố nêu trên là giá theo kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Trước thời điểm mở thầu, dự toán gói thầu đã được duyệt lại, vì vậy giá trúng thầu không cao hơn dự toán được duyệt”. Theo ông Oai, một số gói thầu có giá trúng thầu chênh với giá gói thầu là vì giá cả thị trường có sự biến động buộc phải phê duyệt lại dự toán để đảm bảo hiệu quả triển khai.
Bên cạnh đó, quan sát của phóng viên cho thấy, tại nhiều gói thầu khác do Ban này làm bên mời thầu cũng có giá trúng thầu sát giá gói thầu. Ông Oai cho hay: “Việc nhà thầu có giá trúng thầu sát giá gói thầu thì đấy là việc của nhà thầu. Nhà thầu chào sao thì chúng tôi công bố như vậy. Quá trình lựa chọn những gói thầu này rất công khai, minh bạch”.
Vai trò quan trọng của công tác lập dự toán chi phí
Nhấn mạnh vai trò của công tác lập dự toán chi phí trong xây dựng công trình, tại một hội thảo của ngành xây dựng tổ chức mới đây, đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản khẳng định, công tác lập dự toán chi phí có vai trò rất quan trọng. Do đó, công tác này phải được thực hiện một cách cẩn thận, có liên kết chặt chẽ với chỉ dẫn kỹ thuật, công trường xây dựng, môi trường xây dựng, thời gian xây dựng và các biện pháp thi công. Dự toán chi phí là cơ sở quan trọng để xác định giá công trình, đảm bảo hiệu quả sử dụng ngân sách. Tuy nhiên, tại Việt Nam, hệ thống dự toán chi phí hiện hành đã trở nên lạc hậu so với thế giới và cần được cải tiến để phù hợp.
Chuyên gia đấu thầu Nguyễn Xuân Đào, nguyên Phó Cục trưởng Cục quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện Luật Đấu thầu đã quy định rõ về giá gói thầu. Cụ thể là Điểm a, Khoản 2, Điều 35 Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 quy định, giá gói thầu được xác định trên cơ sở tổng mức đầu tư hoặc dự toán (nếu có) đối với dự án; dự toán mua sắm đối với mua sắm thường xuyên. Giá gói thầu được tính đúng, tính đủ toàn bộ chi phí để thực hiện gói thầu, kể cả chi phí dự phòng, phí, lệ phí và thuế. Giá gói thầu được cập nhật trong thời hạn 28 ngày trước ngày mở thầu nếu cần thiết.
Còn về tình trạng nhiều gói thầu có giá trúng thầu chênh lệch so với giá gói thầu, theo ông Đào đó là do gói thầu có sự thay đổi về quy mô, tính chất hoặc giá cả thị trường có sự biến động. Trong trường hợp gói thầu không có sự thay đổi về quy mô, tính chất hoặc giá cả thị trường không có sự biến động bất thường thì việc giá trúng thầu cao hơn giá gói thầu là khó chấp nhận được.