Giá than đi xuống, TKV lùi sâu kế hoạch lợi nhuận 2023

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau khi đạt mức lợi nhuận đột biến năm 2022, cao nhất nhiều năm trở lại đây nhờ giá than tăng mạnh và giữ ở mức cao, việc giá than thế giới giảm từ đầu năm 2023 đến nay là một tác nhân khiến lợi nhuận của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) chịu sức ép giảm trở lại.
Giá than đi xuống, TKV lùi sâu kế hoạch lợi nhuận 2023

Lợi nhuận năm 2022 lập kỷ lục

Dù nhiều loại chi phí sản xuất như xăng dầu, sắt thép, vật tư nhập khẩu... tăng cao trong năm 2022, đà tăng mạnh của giá than giúp kết quả kinh doanh của TKV tăng trưởng đột biến với doanh thu, lợi nhuận đều lập kỷ lục.

Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất của TKV, trong năm 2022, Tập đoàn đạt 145.916,9 tỷ đồng doanh thu thuần hợp nhất, tăng 28,9% so với năm 2021. Biên lợi nhuận được cải thiện giúp lợi nhuận gộp thu về đạt 24.552 tỷ đồng, tăng trưởng 43,9% và lợi nhuận sau thuế đạt 8.337 tỷ đồng, tăng 76,9%.

Theo số liệu của Tập đoàn, trong năm 2022, sản lượng than tiêu thụ đạt 43,64 triệu tấn với 93,2% sản lượng được tiêu thụ nội địa, thu về 101.000 tỷ đồng doanh thu thuần và 16.451 tỷ đồng lợi nhuận gộp, tăng 37,4% về doanh thu và 76,2% về lợi nhuận so với năm 2021, đóng góp 69,2% doanh thu và 67% lợi nhuận gộp toàn Tập đoàn. Nguồn thu từ các mảng kinh doanh khác như vật liệu nổ, khoáng sản… cũng tăng trưởng khá. Chỉ riêng nguồn thu từ mảng sản xuất điện sụt giảm.

Cùng với kết quả kinh doanh tích cực, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của TKV ghi nhận thặng dư lớn với 25.465,8 tỷ đồng trong năm 2022, không chỉ đáp ứng nhu cầu đầu tư mà còn tạo dư địa để Tập đoàn đẩy mạnh trả nợ vay, gia tăng tích lũy tài chính.

Báo cáo tài chính của TKV cho biết, tính đến cuối năm 2022, tổng dư nợ vay hợp nhất toàn Tập đoàn là 36.400,7 tỷ đồng, giảm 10.669 tỷ đồng so với đầu năm. Tỷ lệ nợ vay trong cơ cấu nguồn vốn giảm xuống 29,8% từ mức 39,2% đầu năm. Theo đó, chi phí lãi vay hạch toán vào chi phí kinh doanh trong năm 2022 là 2.459,2 tỷ đồng, giảm 7,06% so với năm 2021 dù mặt bằng lãi suất tăng cao trong năm qua.

Trong khi đó, TKV có 20.676 tỷ đồng các khoản tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng tính đến cuối năm 2022, tăng gấp 2,1 lần đầu năm. Thu nhập từ lãi tiền gửi trong năm 2022 đạt 337,4 tỷ đồng, gấp 5,7 lần năm 2021, đóng góp đáng kể vào doanh thu tài chính cũng như lợi nhuận của Tập đoàn.

Đặt kế hoạch thận trọng khi than về vùng giá thấp nhất 2 năm

Theo dữ liệu của Trading Economics, đến đầu tháng 7/2023, giá hợp đồng tương lai than tiêu chuẩn Newcastle giao dịch trên Sàn liên lục địa (Intercontinental Exchange) và Sàn giao dịch hàng hóa New York (New York Mercantile Exchange) giao dịch quanh mức 140 USD/tấn, giảm tới 64% so với cách đây 1 năm. So với mức đỉnh 457,8 USD/tấn thiết lập đầu tháng 6/2021, giá hợp đồng tương lai than tiêu chuẩn Newcastle đến nay đã giảm 69%. So với mức giá 404,15 USD/tấn đầu năm 2023, đến nay giá than đã giảm 64%. Trước đó, vào cuối tháng 6/2023, giá than chỉ ở quanh mức 125 USD/tấn, giảm gần 70% so với cùng kỳ năm 2022 và là mức thấp nhất kể từ tháng 1/2022.

Cũng theo Trading Economics, giá than giảm sâu trong bối cảnh sự phục hồi kinh tế ở Trung Quốc còn yếu, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất và xây dựng, ảnh hưởng đến nhu cầu đối với các loại hàng hóa. Đồng thời, lượng than tồn kho trong nước ở Trung Quốc đạt mức cao lịch sử do nhu cầu thấp và nhập khẩu tăng đáng kể. Trong 4 tháng đầu năm 2023, sản lượng than của Trung Quốc chỉ tăng 4,8%, trong khi nhập khẩu tăng mạnh 88,8%. Việc giá khí đốt tự nhiên giảm cũng góp phần khiến thị trường châu Âu chuyển hướng khỏi tiêu thụ than.

Mặc dù thị trường chính của TKV là thị trường nội địa, thường có xu hướng điều chỉnh giá chậm hơn so với thế giới, nhưng đà giảm trở lại của giá than ảnh hưởng lớn đến triển vọng kinh doanh của Tập đoàn trong năm nay.

Theo Báo cáo của TKV gửi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây, Tập đoàn đặt mục tiêu năm 2023 tiêu thụ 46.500 tấn than, trong đó tiêu thụ nội địa 45.120 tấn và xuất khẩu 1.380 tấn. Mục tiêu doanh thu hợp nhất là 168.800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 4.000 tỷ đồng, chỉ bằng 48% so với lợi nhuận đạt được năm 2022. Vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong năm dự kiến là 9.006 tỷ đồng, trong đó riêng Công ty mẹ TKV dự kiến đầu tư không quá 5.200 tỷ đồng. Như vậy, dù đặt kế hoạch sản lượng tiêu thụ và doanh thu hợp nhất tăng trưởng, Ban lãnh đạo TKV cũng cho thấy sự thận trọng với kế hoạch lợi nhuận năm nay.

Kết thúc quý I/2023, theo báo cáo của TKV, Tập đoàn đã sản xuất 9,52 triệu tấn than nguyên khai, đạt 24,4% kế hoạch năm và bằng 89,9% cùng kỳ 2022. Sản lượng than tiêu thụ 11,45 triệu tấn, bằng 24,6% kế hoạch năm và bằng 100,6% cùng kỳ năm 2022. Doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt 40.595 tỷ đồng, bằng 24% kế hoạch năm và bằng 120% con số thực hiện quý I/2022; lợi nhuận ước đạt 1.300 tỷ đồng, bằng 26% kế hoạch năm.

Trong khi mảng kinh doanh than có thể chịu ảnh hưởng từ giá bán giảm, thì mảng nhiệt điện được kỳ vọng có kết quả kinh doanh khởi sắc trong năm nay nhờ tăng huy động nguồn nhiệt điện khi nhu cầu tiêu thụ điện ở mức cao. Đồng thời, giá than giảm cũng giúp giảm giá thành sản xuất điện than. Tuy nhiên, mảng kinh doanh này có tỷ trọng không lớn trong kết quả sản xuất kinh doanh của Tập đoàn.

Trong 5 tháng đầu năm 2023, theo số liệu của Tổng công ty Điện lực TKV (đơn vị thành viên của Tập đoàn TKV), các nhà máy sản xuất điện trực thuộc Tổng công ty đều hoạt động hết công suất để đáp ứng nhu cầu điện trên thị trường. Sản lượng điện sản xuất 5 tháng đầu năm đạt trên 3,8 tỷ kWh, bằng 40,3% kế hoạch năm; doanh thu đạt trên 5.100 tỷ đồng và lợi nhuận đạt 518 tỷ đồng.

Chuyên đề