Giá tăng mạnh, doanh nghiệp than chưa thể bứt phá

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, giá nhiên liệu đầu vào, đặc biệt là giá than tăng cao khiến Tập đoàn bị đội chi phí mua điện hơn 16 nghìn tỷ đồng trong 8 tháng năm 2021. Tuy nhiên, với ngành than, giá than tăng mạnh trong thời gian qua chưa thể giúp doanh nghiệp trong ngành bứt phá do nhu cầu sử dụng than sụt giảm.
Diễn biến giá than thế giới (đơn vị tính: USD/tấn)
Diễn biến giá than thế giới (đơn vị tính: USD/tấn)

Theo số liệu thống kê của EVN, giá than nhập khẩu tháng 7 tăng 17,5% so với tháng 6/2021, tăng 51,8% so với bình quân 6 tháng đầu năm 2021 và tăng 250% so với bình quân năm 2020 (tăng từ 98,8 USD/tấn bình quân 6 tháng đầu năm 2021 lên 150 USD/tấn tháng 7/2021 và 159,7 USD/tấn trong 10 ngày đầu tháng 8/2021).

Diễn biến giá than thế giới cho thấy, sau khi rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 2010 vào ngày 7/9/2020, đạt 48,5 USD/tấn, giá than đã đảo chiều tăng mạnh, lần lượt phá vỡ các mức đỉnh đã đạt được trong lịch sử. Cụ thể, vào ngày 7/6/2021, giá than đã phá vỡ mức đỉnh 119,9 USD/tấn đạt được vào tháng 7/2018 và đến ngày 1/7 vượt qua mức đỉnh lịch sử 10 năm 130,95 USD/tấn đạt được vào tháng 2/2011. Trong một báo cáo của Công ty TNHH Chứng khoán Yuanta Việt Nam, giá than tăng do hạn chế về nguồn cung và nhu cầu tăng mạnh. Nhu cầu than gia tăng mạnh tại các nước châu Á như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Diễn biến giá than tích cực nhưng nhiều doanh nghiệp trong ngành kinh doanh không mấy hiệu quả. 6 tháng đầu năm nay, Công ty CP Kinh doanh than miền Bắc - Vinacomin ghi nhận doanh thu và lợi nhuận trước thuế đều sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái, lần lượt đạt 5.727 tỷ đồng và 46,5 tỷ đồng, giảm tương ứng 10% và 28% so với nửa đầu năm 2020.

Các doanh nghiệp khác như Công ty CP Xuất nhập khẩu than - Vinacomin có mức sụt giảm doanh thu mạnh nhất (69%), còn gần 1.397 tỷ đồng, lãi trước thuế giảm 61%, còn 15,6 tỷ đồng. Công ty CP Than Cọc Sáu - Vinacomin công bố doanh thu và lợi nhuận lần lượt giảm 24% và 84% so với 6 tháng đầu năm 2020, còn 1.270 tỷ đồng và 3,2 tỷ đồng. Công ty CP Than Vàng Danh - Vinacomin cũng ghi nhận lãi trước thuế giảm 32%, còn 26,7 tỷ đồng.

Đáng chú ý là trường hợp Tổng công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc TKV ghi nhận lợi nhuận trước thuế tăng 101% lên mức 262,5 tỷ đồng. Nguyên nhân chính là doanh thu bán hàng tăng 8% lên 2.510 tỷ đồng, trong khi chi phí bán hàng và chi phí lãi vay đều giảm so với cùng kỳ năm trước. Hay Công ty CP Than Núi Béo - Vinacomin ghi nhận gần 17 tỷ đồng lãi ròng, cải thiện so với khoản lỗ 144 tỷ đồng nửa đầu năm ngoái.

Theo số liệu của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), sản lượng than tiêu thụ trong 6 tháng đầu năm nay đạt 22,7 triệu tấn. Nếu so với kết quả đạt được cùng kỳ năm ngoái, con số này giảm 1 triệu tấn (tương đương 4,2%). Tuy nhiên, sản lượng than xuất khẩu nửa đầu năm 2021 lại gấp 2,11 lần cùng kỳ năm ngoái, đạt trên 800 nghìn tấn. Vinacomin cho biết, tiêu thụ than trong nước gặp khó khăn do nhu cầu của các nhà máy nhiệt điện than giảm, ngoài ra còn do việc cấp phép các dự án khai thác và chế biến khoáng sản, việc sử dụng đất sau khai thác… còn nhiều vướng mắc.

Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cho biết, bản chất hoạt động của các công ty than Việt Nam không giống các doanh nghiệp than thế giới có quyền của chủ mỏ. Các doanh nghiệp than nội địa phần lớn hoạt động khai thác theo kế hoạch và theo định mức được giao từ công ty mẹ Vinacomin. Do vậy, khi giá than tăng, phần lớn lợi thế sẽ dồn về công ty mẹ, các đơn vị thành viên hưởng định mức lãi theo kế hoạch và quy mô doanh thu.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư