Gia tăng áp lực tăng trưởng cho năm 2024 - 2025

(BĐT) - Tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm đạt 4,24% và nhiều khả năng sẽ tiếp tục cải thiện trong quý còn lại của năm 2023. Tuy nhiên, với những khó khăn từ bên ngoài và nội tại nền kinh tế, tăng trưởng GDP năm 2023 có thể sẽ không cao như kỳ vọng. Theo các kịch bản tăng trưởng mà Tổng cục Thống kê xây dựng, áp lực đang dồn vào quý IV và 2 năm tiếp theo để đạt mức tăng trưởng mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025.
Sự phục hồi của công nghiệp trong quý III là tín hiệu lạc quan cho triển vọng kinh tế các tháng cuối năm. Ảnh: Nhã Chi
Sự phục hồi của công nghiệp trong quý III là tín hiệu lạc quan cho triển vọng kinh tế các tháng cuối năm. Ảnh: Nhã Chi

Các động lực tăng trưởng có dấu hiệu phục hồi

Quý III/2023, tăng trưởng GDP đạt 5,33%, tiếp tục duy trì xu hướng tích cực khi tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước. Tính chung 9 tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế đạt 4,24%. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,43%; công nghiệp, xây dựng tăng 2,41% (riêng công nghiệp tăng 1,65%) và dịch vụ tăng 6,32%.

Trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế 9 tháng qua, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,43% (đóng góp 9,16%); khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 2,41% (đóng góp 22,27%), trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,98%; khu vực dịch vụ tăng 6,32% (đóng góp 68,57%). Sự phục hồi của công nghiệp trong quý III tuy còn yếu, nhưng là một tín hiệu lạc quan cho triển vọng kinh tế những tháng cuối năm.

Về những khó khăn, thách thức kìm hãm tăng trưởng của 9 tháng đầu năm, bà Nguyễn Thị Mai Hạnh, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia thuộc Tổng cục Thống kê phân tích, cầu thế giới phục hồi yếu; lạm phát vẫn ở mức cao; chi phí nguyên, nhiên, vật liệu tăng cao; chuỗi cung ứng thiếu ổn định dẫn tới năng lực sản xuất của các doanh nghiệp công nghiệp giảm sút,.

Động lực từ khu vực sản xuất tuy đã có cải thiện so với 6 tháng đầu năm nhưng còn khá yếu do thiếu hụt đơn hàng, chi phí đầu vào tăng cao, thị trường xuất khẩu thu hẹp… Hoạt động xuất, nhập khẩu phục hồi chậm do nhu cầu thế giới giảm. Thị trường bất động sản tiếp tục ảm đạm, dòng tiền luân chuyển hạn chế, đặc biệt trong bối cảnh áp lực đáo hạn và trả nợ trái phiếu doanh nghiệp năm 2023 lớn. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chưa thực sự hiệu quả và bền vững.

Dù còn nhiều khó khăn nhưng từ nay đến cuối năm, kinh tế Việt Nam vẫn có triển vọng tăng trưởng từ các yếu tố tích cực như: cầu đầu tư được hỗ trợ lớn từ đầu tư công đang được triển khai ráo riết theo cam kết của Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền địa phương. Đầu tư công sẽ là đòn bẩy cho các luồng đầu tư ngoài nhà nước và FDI. Việt Nam đang tích cực triển khai các dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn và các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đây là động lực chính để phát triển kinh tế những tháng cuối năm.

Ngoài ra, cầu tiêu dùng có thể cải thiện do xu thế tiêu dùng thường tăng vào cuối năm. Ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục thể hiện vai trò là “trụ đỡ” vững chắc của nền kinh tế. Khu vực công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo thoát khỏi vòng suy giảm từ đầu năm và có dấu hiệu khởi sắc trong quý III sẽ giảm tối đa áp lực cho tăng trưởng. Khu vực dịch vụ những tháng cuối năm được dự báo sẽ tiếp tục có sự tăng trưởng khá.

Bên cạnh đó, lạm phát được kiểm soát hiệu quả sẽ giúp ổn định dòng tiền, là yếu tố quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Hoạt động xuất nhập khẩu những tháng cuối năm có khả năng được cải thiện do sản xuất đã bớt khó khăn và xu hướng tăng nhẹ của hoạt động xuất khẩu những tháng gần đây.

Nỗ lực đạt kết quả tăng trưởng cao nhất

Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định, tăng trưởng kinh tế nhiều khả năng sẽ được cải thiện trong các quý tới. Tuy nhiên, với những khó khăn từ bên ngoài và nội tại nền kinh tế như sản xuất công nghiệp chưa phục hồi hoàn toàn, hoạt động xuất nhập khẩu có khả năng chưa thể tăng do tác động tiêu cực từ tình hình kinh tế thế giới, doanh nghiệp chưa thoát khỏi khó khăn, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn. Đầu tư nước ngoài vẫn còn gặp nhiều thách thức khi các nhà đầu tư chưa mở rộng quy mô đầu tư vào các dự án đang hoạt động ở Việt Nam. Do vậy, tăng trưởng kinh tế có thể sẽ không cao như mục tiêu kỳ vọng.

Hiện Tổng cục Thống kê đã xây dựng kịch bản tăng trưởng cho cả năm 2023. Với kịch bản tăng trưởng năm 2023 là 5% thì quý IV/2023, tốc độ tăng trưởng phải là 7%. Nếu tăng trưởng GDP năm 2023 là 5,5% thì quý IV/2023 mức tăng trưởng sẽ là 8,88%. Với kịch bản mục tiêu tăng trưởng cả năm là 6,5%, thì quý IV/2023 sẽ phải đạt 12,5%. Bà Hương nhấn mạnh, đây là mục tiêu khó khăn trong bối cảnh hiện tại của quốc tế và trong nước.

Theo Nghị quyết 16/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 6,5% - 7%. Theo tính toán, với tốc độ tăng trưởng GDP năm 2021 là 2,56%, năm 2022 là 8,02%, năm 2023 với các kịch bản tăng trưởng 5 - 5,5%, thì năm 2024 - 2025, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân phải đạt 8 - 9%. Áp lực tăng trưởng của 2 năm tới để đạt được mức tăng trưởng mục tiêu của giai đoạn 2021 - 2025 là rất lớn.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư