Giá phân bón tăng nóng, DN trong ngành bội thu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Giá tất cả các loại phân bón đều tăng rất mạnh kể từ đáy hồi tháng 5/2020. Trong đó, tới tháng 9/2021, giá phân DAP tăng 125%, giá phân ure tăng 121%, giá phân lân tăng 130%. Qua đó giúp nhiều doanh nghiệp trong ngành ghi nhận kết quả kinh doanh quý III/2021 khả quan dù chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19.
Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí báo lãi trước thuế 761 tỷ đồng trong quý III/2021, gấp 3,4 lần cùng kỳ năm trước. Ảnh: Phú An
Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí báo lãi trước thuế 761 tỷ đồng trong quý III/2021, gấp 3,4 lần cùng kỳ năm trước. Ảnh: Phú An

Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau vừa công bố Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2021 với kết quả doanh thu đạt 1.897 tỷ đồng, giảm 8,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, lợi nhuận gộp tăng gấp 2 lần, đạt hơn 583 tỷ đồng. Công ty cho biết, sản lượng tiêu thụ trong quý giảm 30%, tuy nhiên giá bán bình quân các sản phẩm phân bón như ure tăng hơn 64%, dẫn đến lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh tăng 130% so với cùng kỳ năm 2020. Sau khi trừ đi các khoản chi phí, Phân bón Dầu khí Cà Mau ghi nhận lãi trước thuế 393,3 tỷ đồng, gấp gần 4 lần cùng kỳ năm 2020. Lũy kế 9 tháng đầu năm, Công ty lãi trước thuế 878,2 tỷ đồng, tăng 78% so với cùng kỳ năm 2020.

Giá phân ure tăng cao cùng với sản lượng tiêu thụ được cải thiện giúp Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Phân bón Phú Mỹ) ghi nhận tăng trưởng cả doanh thu và lợi nhuận trong quý III/2021. Cụ thể, doanh thu bán hàng đạt gần 2.860 tỷ đồng, tăng hơn 45% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù chi phí bán hàng và chi phí quản lý tăng mạnh 31%, nhưng biên lợi nhuận gộp cải thiện đã giúp Phân bón Phú Mỹ báo lãi trước thuế 761 tỷ đồng trong quý III/2021, gấp 3,4 lần cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận trước thuế của Tổng công ty đạt 1.790 tỷ đồng, gấp 2,5 lần cùng kỳ năm trước.

Còn đối với sản phẩm phân DAP, Công ty CP DAP - Vinachem cho biết, giá bán bình quân quý III/2021 ở mức 7,67 triệu đồng/tấn, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái là 5,38 triệu đồng/tấn giúp Công ty lãi trước thuế 68,5 tỷ đồng quý III/2021, trong khi cùng kỳ năm 2020 lỗ gần 7 tỷ đồng.

Một doanh nghiệp khác cũng ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tăng vọt trong quý III/2021 là Công ty CP Phân bón miền Nam với doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt đạt 410 tỷ đồng và 7,3 tỷ đồng, tăng tương ứng 73% và 1.725% so với quý III/2020.

Những doanh nghiệp quy mô nhỏ hơn như Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý III/2021 tăng 18% lên 7,2 tỷ đồng; Công ty CP Phân lân nung chảy Văn Điển tăng 13% lên 6 tỷ đồng; Công ty CP Phân lân Ninh Bình tăng 36% lên gần 3 tỷ đồng.

Nhận định về xu hướng giá phân bón cuối năm 2021 và năm 2022, Công ty CP Chứng khoán Agribank (Agriseco) cho rằng, giá phân bón có thể sẽ chững lại đà tăng nóng nhưng tiếp tục duy trì ở mức cao trong phần còn lại của năm 2021 và 2022. Nguyên nhân do giá nguyên vật liệu đầu vào, chi phí cước vận tải vẫn sẽ duy trì ở mức cao và nhu cầu tích trữ lương thực gia tăng hậu đại dịch Covid-19 để đảm bảo an ninh lương thực. Bên cạnh đó, Trung Quốc có chính sách hạn chế xuất khẩu phân bón nhằm đảm bảo nguồn cung cho thị trường nội địa, làm cho giá phân bón tiếp tục tăng cao. Đây là một tin mừng cho doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước khi Trung Quốc luôn chiếm trên 40% tổng lượng phân bón nhập khẩu. Chỗ trống mà phân bón Trung Quốc để lại có thể giúp những nhà sản xuất nội địa như Phân bón Phú Mỹ, Phân bón Dầu khí Cà Mau hay Phân bón Bình Điền cải thiện thị phần trong nước và tăng sản lượng cũng như giá trị xuất khẩu sang các nước trên thế giới.

Chuyên đề