Giá đường thô trên thị trường thế giới tăng vọt từ cuối tháng 3/2023 đến nay |
Giá đường lên mức cao nhất kể từ tháng 10/2016
Theo dữ liệu của Trading Economics, đến ngày 10/4/2023, giá hợp đồng đường thô trên Sàn giao dịch Liên lục địa (The Intercontinental Exchange - ICE) đã tăng lên 23,6 USD/Lbs, ghi nhận mức giá cao nhất kể từ tháng 10/2016, tăng hơn 15% chỉ trong 2 tuần trở lại đây.
Theo Trading Economics, việc giá đường thô tăng vọt được hỗ trợ bởi triển vọng nhu cầu cao và nguồn cung toàn cầu khan hiếm. Cụ thể, giá dầu thô tăng gần 20% từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 4/2023 được đánh giá khuyến khích các nhà sản xuất đường mía phân bổ sản lượng để pha trộn nhiên liệu sinh học có lợi nhuận cao hơn.
Đồng thời, Chính phủ liên bang mới của Brazil - quốc gia sản xuất và xuất khẩu đường lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 21% tổng sản lượng và 45% tổng xuất khẩu toàn cầu - đã chấm dứt chương trình miễn thuế đối với xăng, làm tăng nhu cầu ethanol sản xuất từ mía đang bị đánh thuế thấp hơn. Thêm vào đó, sản lượng đường dự báo thấp hơn ở các nước sản xuất chính như Ấn Độ, Pakistan, Thái Lan và Trung Quốc cũng làm tăng mối lo ngại về nguồn cung.
Trong báo cáo ngành nông nghiệp đầu tháng 4/2023, Công ty CP Chứng khoán VNDirect nhận định, giá đường toàn cầu trong nửa đầu năm 2023 sẽ được hỗ trợ bởi sản lượng đường thấp hơn dự kiến ở Ấn Độ; thời tiết bất lợi (hạn hán) ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất đường ở châu Âu; các doanh nghiệp sản xuất mía đường Brazil dự kiến tiếp tục ưu tiên sản xuất ethanol thay vì đường do đợt tăng giá xăng gần đây.
Bên cạnh đó, ở trong nước, việc áp thuế chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía nhập khẩu từ 5 nước ASEAN (Indonesia, Malaysia, Campuchia, Lào, Myanmar) kể từ tháng 8/2022 nhằm tránh tình trạng gian lận xuất xứ, lẩn tránh thuế chống bán phá giá đối với đường mía có xuất xứ từ Thái Lan được đánh giá tác động rõ rệt hơn tới thị trường trong năm 2023.
Theo số liệu của AgroMonitor, giá đường nội địa của một số nhà máy đến cuối tháng 3/2023 đang duy trì xu hướng tăng. Đà tăng của giá đường được đánh giá sẽ hỗ trợ cho kết quả kinh doanh của doanh nghiệp mía đường trong thời gian tới.
Giá đường một số nhà máy theo tuần từ 1/7/2022 đến 30/3/2023 |
Doanh nghiệp mía đường hưởng lợi
Kết thúc nửa đầu niên độ tài chính 2022 - 2023 (từ 1/7 đến 31/12/2022), báo cáo tài chính của Công ty CP Mía đường Sơn La cho biết, doanh thu thuần tăng gấp 2,2 lần cùng kỳ niên độ trước, đạt 714,8 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 189,3 tỷ đồng, tăng gấp 2,8 lần. Như vậy, dù mới qua nửa đầu niên độ tài chính nhưng lợi nhuận của Mía đường Sơn La đã vượt 2,5 lần kế hoạch niên độ được Đại hội đồng cổ đông đề ra.
So với các doanh nghiệp trong ngành, Mía đường Sơn La được đánh giá có lợi thế về vùng nguyên liệu gần nhà máy giúp hạ giá thành sản xuất. Ngoài ra, việc liên kết chặt chẽ với người nông dân cũng giúp Công ty duy trì được nguồn cung nguyên liệu và mức giá thu mua mía tốt. Với tình hình thị trường có nhiều thuận lợi, lợi nhuận của Công ty dự báo sẽ lập kỷ lục trong niên độ 2022 - 2023.
Tại Công ty CP Mía đường Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC Agris) - doanh nghiệp có quy mô sản xuất lớn nhất trong ngành mía đường hiện nay, mặc dù lợi nhuận trước thuế nửa đầu niên độ tài chính giảm 25,5% so với cùng kỳ niên độ trước, nhưng với mảng kinh doanh chính là đường, TTC Agris vẫn ghi nhận tăng trưởng 13,1% về doanh thu, đạt 11.360,5 tỷ đồng và 1.158,5 tỷ đồng lợi nhuận gộp, tăng 8,7%. Kết quả sụt giảm lợi nhuận chủ yếu do ảnh hưởng từ hoạt động tài chính.
Những năm gần đây, việc tăng cường vay nợ đầu tư nâng công suất, mở rộng vùng nguyên liệu đã khiến nợ vay của TTC Agris liên tục gia tăng cả về giá trị cũng như tỷ trọng trong cấu trúc vốn. Tính đến 31/12/2022, dư nợ vay của Công ty là 11.541,1 tỷ đồng với 80% là nợ vay ngắn hạn. Tỷ lệ nợ vay trong cấu trúc vốn là 39,7%. Nợ vay cao khiến lãi vay chiếm tỷ trọng đáng kể trong cấu trúc chi phí của Công ty và ảnh hưởng tới lợi nhuận. Với mặt bằng lãi suất có xu hướng hạ nhiệt trong khi giá đường tiếp tục xu hướng tăng mạnh, kết quả lợi nhuận trong nửa cuối niên độ tài chính của TTC Agris được kỳ vọng sẽ tích cực hơn.
Với Công ty CP Đường Quảng Ngãi - doanh nghiệp sở hữu 2 nhà máy đường An Khê (Gia Lai) và Phổ Phong (Quảng Ngãi) với tổng công suất ép mía đứng thứ hai toàn quốc, kết quả kinh doanh mảng đường cũng rất tích cực trong năm 2022 với 1.972,7 tỷ đồng doanh thu và 374,8 tỷ đồng lợi nhuận gộp. Dù lợi nhuận gộp của mảng kinh doanh này chỉ tăng 0,8% so với năm 2021, nhưng chủ yếu là do kết quả cao của năm 2021 - năm giá đường thế giới và trong nước tăng mạnh so với giai đoạn trước đó.
Mảng đường cũng đóng vai trò quan trọng hỗ trợ cho mảng sản xuất, kinh doanh các sản phẩm sữa đậu nành mang thương hiệu Vinasoy của Đường Quảng Ngãi. Điểm mạnh của Đường Quảng Ngãi là sở hữu nền tảng tài chính tốt, không có nợ vay dài hạn. Vay ngắn hạn bổ sung vốn lưu động chỉ chiếm 18,5% cơ cấu nguồn vốn đến cuối năm 2022 với 1.895,6 tỷ đồng. Trong khi đó, Công ty có khoản tiền mặt 2.022,6 tỷ đồng và mục tiền gửi ngân hàng là 4.296 tỷ đồng. Lượng tiền dự trữ dồi dào giúp Công ty có dư địa trả cổ tức tiền mặt đều đặn qua các năm.
Với xu hướng tăng của giá đường thế giới và tác động tích cực của các biện pháp phòng vệ thương mại làm giảm áp lực cạnh tranh từ đường nhập khẩu giá rẻ, giá đường trong nước được kỳ vọng sẽ duy trì ở mức cao trong năm nay, đem đến “niên vụ ngọt ngào” cho doanh nghiệp sản xuất đường.