Giá dầu tăng vọt giúp doanh nghiệp dầu khí lãi đậm

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo số liệu thu, chi ngân sách nhà nước tháng 3 và quý I/2022 do Bộ Tài chính công bố, giá dầu bình quân quý I/2022 đạt khoảng 90 USD/thùng, tăng 30 USD/thùng so với dự toán và tăng 59,5% so với cùng kỳ năm 2021. Giá dầu duy trì ở mức cao giúp nhiều doanh nghiệp trong ngành có quý đầu năm 2022 kinh doanh khởi sắc sau 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Giá dầu Brent đạt đỉnh 14 năm kể từ tháng 7/2008 (Đơn vị tính: USD/thùng)
Giá dầu Brent đạt đỉnh 14 năm kể từ tháng 7/2008 (Đơn vị tính: USD/thùng)

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vừa công bố kết quả kinh doanh quý I/2022 với doanh thu đạt 197.120 tỷ đồng, tăng 49% so với cùng kỳ năm trước. Tổng số nộp ngân sách nhà nước đạt gần 30 nghìn tỷ đồng, tăng 29%. PVN cho biết, trong quý I/2022, giá dầu tăng hỗ trợ thuận lợi cho hoạt động của các đơn vị thuộc lĩnh vực thăm dò, khai thác, tuy nhiên đây cũng là nguyên nhân tăng giá nguyên liệu đầu vào cho các đơn vị thuộc khâu trung và hạ nguồn.

Trong các đơn vị thuộc PVN, Tổng công ty Thăm dò Khai thác dầu khí (PVEP) ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế vượt 2% so với kế hoạch năm, đạt 5.892 tỷ đồng, tăng trưởng 117% so với quý I/2021. Tổng doanh thu (gồm doanh thu dịch vụ, tài chính và thu nhập khác) quý I/2022 đạt 11.234 tỷ đồng, tăng 4.477 tỷ đồng (tương ứng tăng 66%) so với cùng kỳ năm trước.

Về phía các công ty trung và hạ nguồn, Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn đã tiêu thụ ước tính gần 1,6 triệu tấn xăng, dầu các loại trong quý I/2022, đạt 25% kế hoạch năm. Tổng doanh thu của Công ty mẹ tương ứng 35.471 tỷ đồng, tăng 69% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt 39% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế ước đạt 2.029 tỷ đồng, tăng 8% so với quý I/2021 và vượt 45% so với kế hoạch cả năm.

Cập nhật từ Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV OIL), tổng sản lượng kinh doanh xăng dầu trong quý I/2022 đạt 875.000 m3/tấn, đạt 105,2% kế hoạch quý I và 26,3% kế hoạch năm. Doanh thu hợp nhất đạt 17.800 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 295 tỷ đồng, lần lượt tăng 51% và 43% so với cùng kỳ năm ngoái. So với kế hoạch cả năm, PV OIL đã hoàn thành 40% mục tiêu doanh thu và 59% mục tiêu lợi nhuận.

Thực tế, doanh nghiệp ngành dầu khí đã sớm được dự báo có kết quả kinh doanh khởi sắc trong năm 2022 nhờ giá dầu tăng mạnh. Kể từ ngày 18/1/2022, giá dầu Brent luôn duy trì ở mức trên 83 USD/thùng - mức cao nhất của năm 2021 - trước khi vượt mốc 90 USD/thùng ngày 14/2 và mốc 100 USD/thùng vào ngày 1/3. Giá dầu Brent đã có lúc đạt 131 USD/thùng vào ngày 7/3/2022, tăng 69% so với đầu năm, đánh dấu mức cao nhất kể từ tháng 7/2008. Giá dầu tăng mạnh được cho là kết hợp của nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến căng thẳng leo thang giữa Nga và Ukraine. Sau khi đạt đỉnh, giá dầu có xu hướng giảm.

Trong bối cảnh nhiều nước kêu gọi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tăng nguồn cung, OPEC cảnh báo sẽ không thể bù đắp lượng dầu thiếu hụt do các biện pháp trừng phạt Nga gây ra (khoảng 7 triệu thùng dầu/ngày và các nhiên liệu lỏng khác). Chốt phiên giao dịch ngày 13/4, giá dầu Brent tăng 6,3% so với ngày trước đó lên ở mức 104,64 USD/thùng. Giá dầu thô tăng trong phiên 13/4 còn do các lệnh phong toả tại Thượng Hải được nới lỏng, sản lượng dầu trung bình của Nga trong khoảng thời gian từ 1 - 11/4/2022 được cho là ở mức 10,32 triệu thùng/ngày, giảm hơn 6% so với mức 11 triệu thùng/ngày trong tháng 3/2022.

Theo một báo cáo phát hành gần đây của Công ty CP Chứng khoán SSI, giá dầu bình quân năm 2022 dự báo ở mức 95 USD/thùng. Giá trung bình được tính từ giá giả định theo quý I/2022 ở mức 100 USD/thùng; các quý tiếp theo lần lượt ở mức 100 USD, 95 USD và 85 USD/thùng. Báo cáo này cho rằng chu kỳ tăng của giá dầu đã bắt đầu, mở ra triển vọng lạc quan hơn cho ngành dầu khí.

Chuyên đề