Giá dầu “nâng đỡ” lợi nhuận của doanh nghiệp dầu khí

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Giá dầu tăng cao trong nửa đầu năm 2022 giúp các doanh nghiệp dầu khí ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng vượt bậc. Một số doanh nghiệp kỳ vọng lợi nhuận lập đỉnh trong năm 2022.
Nhiều doanh nghiệp dầu khí công bố doanh thu và lợi nhuận tăng cao so với nửa đầu năm 2021. Ảnh: Trương Gia
Nhiều doanh nghiệp dầu khí công bố doanh thu và lợi nhuận tăng cao so với nửa đầu năm 2021. Ảnh: Trương Gia

Giá dầu Brent trung bình tháng 6 tăng 57% so với đầu năm và duy trì mức 110 USD/thùng, có thời điểm vượt mốc 130 USD/thùng. Yếu tố chính hỗ trợ sự gia tăng của giá dầu là lo ngại về nguồn cung. Sự mất cân bằng cung - cầu của thị trường do căng thẳng leo thang giữa Nga - Ukraine, lệnh cấm vận của EU đối với dầu Nga, trong khi Mỹ và Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đều gặp khó khăn trong việc tăng sản lượng.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) ghi nhận mức nộp ngân sách toàn Tập đoàn sau nửa đầu năm nay đạt 66.100 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2021. Tập đoàn không công bố lợi nhuận đạt được, chỉ cho biết tổng doanh thu tăng 55% so với nửa đầu năm 2021, đạt 468.300 tỷ đồng.

Trong khi đó, một số doanh nghiệp dầu khí đang niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán đã tiết lộ kết quả kinh doanh thuận lợi. Đơn cử, Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) ước tính doanh thu đạt 54.560 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 8.677 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2022, lần lượt tăng 34% và 56% so với cùng kỳ năm 2021. Tính riêng quý II/2022, PV GAS đạt 4.296 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 46% so với quý II/2021.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên, Tổng giám đốc PV GAS Hoàng Văn Quang chia sẻ, trung bình giá dầu Brent tăng/giảm 5 USD/thùng thì doanh thu của Tổng công ty sẽ tăng/giảm tương ứng là 1.500 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế tương ứng tăng/giảm 500 tỷ đồng. Trong 6 tháng qua, bên cạnh thuận lợi do giá dầu, giá khí LPG tăng, PV GAS cũng gặp nhiều thách thức từ tác động địa chính trị do xung đột Nga - Ukraine, chính sách phòng chống dịch Covid-19 nghiêm ngặt của Trung Quốc gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng đến cung - cầu năng lượng và làm giá cả hàng hóa, nguyên, nhiên vật liệu tăng cao.

Với Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn, ông Bùi Ngọc Dương, Tổng giám đốc Công ty kỳ vọng năm nay sẽ là đỉnh lợi nhuận mới của Công ty. Kể từ khi công bố báo cáo tài chính (năm 2016), đỉnh lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp này là 8.110 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 7.673 tỷ đồng.

Theo công bố trước đó, 5 tháng đầu năm, doanh thu của Lọc hóa dầu Bình Sơn đạt trên 65.840 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ước đạt 6.764 tỷ đồng, tăng 91,7% so với kết quả đạt được của 6 tháng đầu năm 2021. Xét riêng tháng 4 và 5, Công ty đạt 31.057 tỷ đồng doanh thu và 4.452 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, vượt xa con số ghi nhận trong quý II/2021 (lần lượt là 27.860 tỷ đồng và 1.696 tỷ đồng).

Công ty CP Chứng khoán Agribank ước tính lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2022 của Lọc hóa dầu Bình Sơn có thể đạt 7.800 tỷ đồng, tăng 121% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cập nhập kết quả kinh doanh 5 tháng đầu năm của Tổng công ty Thăm dò Khai thác dầu khí (PVEP) cho thấy sự tích cực với tổng doanh thu đạt 19.994 tỷ đồng, tăng 74% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận đạt 2.120 tỷ đồng. Đáng chú ý, PVEP nộp ngân sách nhà nước gần 8.000 tỷ đồng, trong khi đó con số này 5 tháng đầu năm 2021 chỉ đạt 3.155 tỷ đồng.

Theo Công ty CP Chứng khoán Tiên Phong, giá dầu bắt đầu giảm trong tuần giữa tháng 6/2022 từ trung bình 120 USD/thùng về quanh 110 USD/thùng do lo ngại nhu cầu bị ảnh hưởng bởi lạm phát. Nhìn chung, vấn đề “nút thắt” nguồn cung dầu mỏ vẫn là điểm trọng yếu chưa thể tháo gỡ trong ngắn hạn, do đó giá dầu vẫn sẽ duy trì nền cao so với năm 2021. Việc giá dầu duy trì trên 60 - 70 USD/thùng là điều kiện thuận lợi để Việt Nam khai thác các mỏ dầu khí hiện tại cũng như triển khai các dự án dầu khí mới.

Chuyên đề