Giá dầu leo thang, khó kiềm chế lạm phát

(BĐT) - Trước các bất ổn về địa chính trị, giá dầu thế giới liên tục xác lập những đỉnh cao kỷ lục trong nhiều năm. Điều này gây lo ngại về khả năng kiềm chế lạm phát mục tiêu năm 2018 và sức ép với lạm phát năm 2019.
Giá xăng dầu tăng sẽ tạo vòng xoáy tăng giá các mặt hàng tiêu dùng khác, đặc biệt là thực phẩm, giao thông, vật liệu xây dựng... Ảnh: Lê Tiên
Giá xăng dầu tăng sẽ tạo vòng xoáy tăng giá các mặt hàng tiêu dùng khác, đặc biệt là thực phẩm, giao thông, vật liệu xây dựng... Ảnh: Lê Tiên

CPI 2018 có thể vượt 4%?

Giá dầu tiếp tục tăng trước lo ngại thiếu hụt nguồn cung do Mỹ trừng phạt Iran. Đóng cửa giao dịch ngày 25/9, dầu Brent tăng 67 UScent lên 81,87 USD/thùng, trong khi dầu WTI tăng 20 UScent lên 72,28 USD/thùng, mức cao nhất kể từ giữa tháng 7/2018.

Đánh giá về diễn biến giá dầu trên thị trường thế giới, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính thuộc Học viện Tài chính cho rằng, việc dự báo về giá dầu là rất khó, song ít có khả năng giá dầu tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.

“Ở giai đoạn trước, giá dầu đã tăng mạnh từ khoảng 50 USD/thùng lên 70 USD/thùng nên ảnh hưởng đáng kể đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Đến nay, giá dầu đã ở mức cao và khó có thể tiếp tục tăng mạnh. Thêm vào đó, các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu khác cũng đã chững giá hoặc vẫn được kiềm chế nên việc kiểm soát lạm phát năm nay là khả thi”, ông Độ nói.

Đồng quan điểm, PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, nhận định: “Giá dầu là yếu tố quan trọng tác động trực tiếp và gián tiếp đến CPI. Tuy nhiên, trong giai đoạn từ nay đến cuối năm, Chính phủ vẫn nỗ lực kiềm chế lạm phát với cam kết không tăng giá điện và kiểm soát chặt chẽ giá cả các mặt hàng khác. Do đó, khả năng CPI năm nay ở mức dưới 4% là có thể đạt được”.

Trong khi đó, theo TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế thế giới thuộc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mục tiêu giữ lạm phát ở mức 4% trong năm nay là khó đạt được trước biến động của thị trường nhiên liệu.

“Giá dầu hiện đã tăng và khả năng còn tiếp tục tăng do các bất ổn địa chính trị đang diễn ra trên thế giới. Nếu giá dầu tiếp tục tăng thêm 5 - 10% nữa thì khả năng giữ lạm phát ở mức 4% trong năm nay là khó”, ông Thắng nói và phân tích thêm: “Xăng, dầu đang được kiểm soát giá theo hướng sử dụng quỹ bình ổn giá và “dư địa” cho việc kiềm giữ giá không còn nhiều. Do đó, khả năng tăng giá nhiên liệu này là có thể xảy ra. Bên cạnh đó, việc Chính phủ kiềm giữ giá các mặt hàng do Nhà nước kiểm soát giá vô hình trung tạo niềm tin là các mặt hàng này sẽ tăng giá vào năm sau. Trong khi đó, các doanh nghiệp thường có xu hướng đẩy giá cả hàng hóa của mình trước khi Chính phủ quyết định tăng giá các mặt hàng này”. 

Sức ép với lạm phát năm 2019

Các ý kiến phân tích trên cho thấy, giá dầu không có tác động quá lớn với lạm phát trong năm nay. Tuy nhiên, nếu đà tăng giá của mặt hàng này vẫn tiếp tục thì mặt bằng giá cả năm 2019 được dự báo khó có thể kiềm giữ, đặc biệt khi quyết định tăng thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng, dầu có hiệu lực từ đầu năm sau.

TS. Phạm Thế Anh thuộc Đại học Kinh tế quốc dân phân tích: “Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chính thức thông qua việc tăng kịch trần thuế môi trường xăng từ 3.000 đồng/lít hiện nay lên 4.000 đồng/lít kể từ 1/1/2019, có nghĩa là, dự kiến giá xăng sẽ gánh thêm 1.000 đồng/lít của thuế bảo vệ môi trường trong thời gian tới. Cơ quan nhà nước đánh giá việc tăng thuế bảo vệ môi trường sẽ tác động không lớn đến chỉ số CPI cả năm 2019, chỉ ở mức 0,07 - 0,09% với cơ sở là xăng, dầu chỉ chiếm 4% chi tiêu cho tiêu dùng của các hộ gia đình. Tuy nhiên, mặt hàng này còn là yếu tố đầu vào của quá trình sản xuất, nên khi giá xăng dầu tăng sẽ tạo ra vòng xoáy tăng giá các mặt hàng tiêu dùng khác, đặc biệt là thực phẩm, giao thông, vật liệu xây dựng...”.

Từ nhận định đó, ông Thế Anh đã sử dụng mô hình véc-tơ tự hồi quy (VAR) để tính toán cụ thể tác động này. Kết quả cho thấy, trong điều kiện các yếu tố khác không đổi, sau khi giá xăng dầu tăng thêm 1.000 đồng/lít (tức là tăng 4,7%) so với hiện nay, thì CPI tính theo năm bắt đầu tăng mạnh vào tháng thứ 2 (0,16%), tháng thứ 3 (0,21%), tháng thứ 4 (0,20%)..., sau đó giảm dần đến tháng thứ 18 thì không còn tác động nữa. Tổng tác động sau 12 tháng là 1,60%; sau 18 tháng là 1,69%.

Đồng tình với quan điểm này, PGS. TS. Ngô Trí Long cho rằng, cần tính toán một cách kỹ lưỡng về tác động tới CPI từ quyết định tăng thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng, dầu vừa qua. Mặt khác, cũng theo ông Long, việc không tăng giá điện và một số dịch vụ công để kiềm giữ CPI trong năm nay có thể là một cú “nén giá”, từ đó có thể tạo hiệu ứng bật tăng với giá cả các mặt hàng này trong năm sau.

Chuyên đề