Đà tăng của giá dầu đã chậm lại trong những tuần gần đây bởi tâm lý bi quan về kết quả của cuộc họp ngày Chủ nhật tuần này lớn dần - Ảnh: Reuters. |
Phiên giao dịch ngày thứ Sáu, giá dầu giao kỳ hạn giảm bởi những hoài nghi liên quan đến cuộc họp ngày Chủ Nhật tuần này giữa một số thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Nga tăng cao, theo tin từ Wall Street Journal.
Trên thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 5 hạ 1,14 USD/thùng tương đương 2,8% xuống 40,36 USD/thùng. Giá dầu đã giảm 3 phiên liên tiếp, tuy nhiên tính cả tuần giá dầu WTI vẫn tăng được 1,6%.
Thị trường London, giá dầu Brent giao tháng 6/2016 giảm 74 cent tương đương 1,7% xuống 43,10 USD/thùng. Tính cả tuần, giá dầu Brent tăng 2,7%.
“Kết quả của cuộc họp ngày Chủ Nhật dù nó là như thế nào cũng sẽ chỉ tạo ra những tác động ngắn hạn lên thị trường”, theo nhận định của chuyên gia phân tích về thị trường hàng hóa tại quỹ Schneider Electric, ông Robbie Fraser.
Phiên ngày hôm qua, vào đầu phiên cả hai loại giá dầu đều tăng nhưng sau đó đã giảm sâu bởi thông tin Bộ trưởng Năng lượng Iran tuyên bố sẽ không tham gia cuộc họp thượng đỉnh giữa một số nước thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Nga vào Chủ nhật tuần này ở Doha, Qatar.
Hơn 12 nước xuất khẩu dầu lớn của thế giới trong đó bao gồm Saudi Arabia và Nga sẽ họp bàn về các biện pháp điều chỉnh sản lượng để đỡ giá dầu. Nhiều chuyên gia phân tích trong khi đó rất bi quan về kết quả của các cuộc đối thoại sắp tới.
“Chúng tôi không kỳ vọng nhiều vào kết quả của cuộc họp, dù họ sẽ đạt được thỏa thuận giữ nguyên sản lượng nhưng sẽ chẳng có con số cụ thể nào. Và trong bối cảnh đó, chắc chắn cũng sẽ không có biện pháp trừng phạt nào được đưa ra với những thành viên không tuân thủ quy định. Hay nói một cách khác là cuộc họp sẽ chẳng thay đổi được tình hình hiện nay”, chuyên gia phân tích tại Commerzbank nhận định.
Còn theo ông Jason Gammel, chuyên gia phân tích tại quỹ Jefferies, nếu không có thỏa thuận nào được đưa ra, sự thất vọng của thị trường sẽ được phản ánh rõ ràng vào giá dầu.
Tính từ mốc giữa tháng 2 khi mà những đồn đoán về khả năng một số nước lớn bắt tay giữ sản lượng để cứu giá bắt đầu xuất hiện trên thị trường năng lượng thế giới, giá dầu đã tăng hơn 30%. Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu đã chậm lại trong những tuần gần đây bởi tâm lý bi quan về kết quả của cuộc họp lớn dần.
Dù thỏa thuận không tăng sản lượng có thể được đưa ra nhưng nó sẽ chẳng thể làm được gì để thay đổi tình hình hiện nay, đó là quan điểm của rất nhiều chuyên gia trong cuộc khảo sát của Wall Street Journal.
Ngày thứ Sáu, thị trường năng lượng đồng thời đón nhận thông tin kinh tế Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới, tiếp tục tăng trưởng chậm hơn trong quý 1 năm nay.