Giá dầu giảm sẽ làm những nước như Nga và Ả Rập Xê-út phá sản?

Cuộc khủng hoảng nợ công sẽ sớm bùng phát mặc dù lần này sẽ xảy ra ở các nước xuất khẩu dầu thay vì khu vực eurozone.
Giá dầu giảm sẽ làm những nước như Nga và Ả Rập Xê-út phá sản?

Điều gì sẽ khơi mào cho cuộc khủng hoảng tài chính kế tiếp? Sự bùng nổ của bong bóng chứng khoán công nghệ tích tụ trong hai năm qua? Sự sụp đổ hoàn toàn của thị trường chứng khoán, bắt đầu từ đợt bán tháo trong tháng 1 năm nay? Bất cứ thứ gì cũng có thể xảy ra. Nhưng nguy cơ lớn nhất vẫn là việc các quốc gia phá sản do giá dầu và hàng hóa lao dốc.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đang thảo luận gói cứu trợ cho Azerbaijan, nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi giá dầu sụt giảm. Venezuela sắp vỡ nợ với cùng lý do. Ecuador cũng có số phận tương tự. Nhiều nước lớn hơn cũng sẽ đi theo kịch bản trên – đáng chú ý nhất là Nga và Ả Rập Xê-út. Không nước nào duy trì được khả năng trả nợ lâu hơn nữa nếu giá dầu cứ ở mức rất thấp như hiện nay.

Cuộc khủng hoảng nợ công sẽ sớm bùng phát mặc dù lần này sẽ xảy ra ở các nước xuất khẩu dầu thay vì khu vực eurozone. Nhưng giống như cuộc khủng hoảng ở eurozone, việc vỡ nợ sẽ kéo theo sự sụp đổ của hệ thống ngân hàng và đòi hỏi một loạt các gói cứu trợ khẩn cấp.

Vấn đề then chốt là thảm kịch trên có thúc đẩy cải cách ở nước phá sản hay không vì cứu trợ một nước mà không thể trông cậy vào xuất khẩu dầu nữa là rất khó khăn.

Sự sụp đổ của giá dầu là tâm điểm của mọi thị trường trong năm nay. Với nhiều nơi trên thế giới, nhất là các nước mới nổi, giá dầu giảm có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nhưng với các nước xuất khẩu dầu, đây là một thảm họa.

Nước gánh chịu hậu quả đầu tiên là Azerbaijan, một trong những nhà xuất khẩu dầu lớn nhất trong khối các nước Xô Viết cũ. Nước này đã mở các cuộc đàm phán với IMF về gói cứu trợ khẩn cấp do đã phung phí dự trữ ngoại tệ có được từ những năm giá dầu còn ở mức 100 USD một thùng. Nước này đã tiêu hơn 60% số tiền dự trữ và đang thảo luận gói cứu trợ trị giá hơn 4 tỷ USD.

Nhưng Azerbaijan không phải là nước duy nhất đang gặp khó khăn.Venezuela, một nền kinh tế đã tê liệt trong nhiều năm bất chấp việc sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, thậm chí còn khốn khổ hơn. Tổng thống nước này đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp về kinh tế, mặc dù điều đó chằng khác gì cuộc sống thường ngày của những người dân đang chịu cảnh đói khổ từ lâu. Ecuador cũng không có vẻ gì là khả quan hơn.

Nạn nhân tiếp theo là Nigeria. Nước này đã xin vay 3,5 tỷ USD từ Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển Châu Phi (ADB) để vượt qua cơn khát tiền mặt do giá dầu lao dốc.

Còn hai nền kinh tế lớn phụ thuộc vào dầu mỏ, Nga và Ả Rập Xê-út thì sao? Nền tài chính của Ả Rập Xê-út chưa bao giờ được tiếng là minh bạch. Nước này có chi phí sản xuất dầu thuộc hàng thấp nhất thế giới nhưng cũng là một tay chi tiêu phóng túng và gần như không có nguồn thu nhập nào khác.

Ngay cả theo số liệu chính thức, ngân sách nước này đã thâm hụt 100 tỷ USD trong năm ngoái và với việc giá dầu vẫn giảm, năm nay cũng không có gì khả quan hơn. Ả Rập Xê-út có nhiều tài sản khác để trông chờ nhưng khi đang tiêu hơn 15% những gì mình kiếm được mỗi năm, số tiền dự trữ sẽ nhanh chóng cạn kiệt.

Thâm hụt ngân sách của Nga thì không cao đến mức đó. Bộ Tài chính nước này dự đoán thâm hụt ở mức 20 tỷ USD trong năm nay, bằng khoảng 3% GDP. Nhưng đó là dựa trên giá dầu 40 USD một thùng, mà nghe như một điều xa xỉ vào thời điểm hiện tại.

Kinh tế nước này đã trượt vào suy thoái. Số liệu mới nhất cho thấy GDP đã tăng trưởng âm 3,7% một năm, đồng rúp đang rơi tự do và dự trữ ngoại tệ đang bốc hơi. Ấy là chưa kể đến những phí tổn quân sự cho các chiến dịch ở nước ngoài. Vladimir Putin đã không đa dạng hóa hoặc hiện đại hóa nền kinh tế và bỏ mặc đất nước cho thị trường năng lượng định đoạt.

Vẫn còn phải chờ xem nước nào sẽ phá sản, và mất bao lâu để vực dậy. Nhưng một bài học rút ra từ sự sụp đổ của năm 2008 và cuộc khủng hoảng eurozone năm 2011 là khủng hoảng nợ công sẽ nhanh chóng biến thành khủng hoảng ngân hàng. Khi Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Ireland lâm vào cảnh phá sản, hệ thống ngân hàng cũng chịu chung số phận.

Điều này sẽ lặp lại nếu các nước xuất khẩu dầu trên phá sản. Các công ty dầu quốc doanh mắc nợ và các dự án xây dựng do nhà nước tài trợ sẽ sụp đổ rất nhanh. Một lý do mà giá cổ phiếu ngân hàng lao dốc trong những ngày qua với chỉ số ngân hàng Châu Âu giảm 30% kể từ đầu năm là vì các nhà đầu tư nhận thức được khu vực ngân hàng sẽ gánh chịu những khoản lỗ khổng lồ do giá dầu giảm gây ra.

Deutsche Bank đã phải ra một tuyên bố trấn an các nhà đầu tư rằng ngân hàng này vẫn “vững như bàn thạch” nhưng những lời trấn an như thế chẳng mấy khi có tác dụng.

Các định chế tài chính của thế giới, đặc biệt là IMF và WB vẫn còn chưa hồi sức từ cuộc khủng hoảng nợ công vừa qua. Ireland có thể đã cai thuốc, nhưng Hy Lạp và Bồ Đào Nha vẫn đang phải chăm sóc đặc biệt. Chưa có dấu hiệu cho thấy Hy Lạp có thể tự đứng trên đôi chân của mình trong thời gian tới.

Một đợt giải cứu nữa sẽ gây sức ép rất lớn cho các định chế trên. Dù vậy, thế nào cũng phải tỉm ra giải pháp. Chìa khóa là thực hiện cải cách ở các nước đang gặp khó khăn. Không nước nào muốn phụ thuộc vào xuất khẩu dầu nữa, và sẽ phải tìm các nguồn tăng trưởng mới. Không giống như ở eurozone, nếu không thể cải cách, tốt nhất là để những nước trên phá sản.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư