Brexit không tác động đến nhu cầu năng lượng của thế giới nhiều như các vụ bạo động tại Nigeria hiện đang khiến nhu cầu dầu của thế giới giảm khoảng 400 nghìn thùng/ngày - Ảnh: Blind Drop. |
Phiên giao dịch ngày thứ Hai, giá dầu trên các thị trường thế giới có phiên giảm sâu nhất tính từ tháng 2/2016 khi đồng USD mạnh lên, theo cập nhật của Wall Street Journal.
Chốt phiên, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 8/2016 giảm 1,31 USD/thùng tương đương 2,7% xuống 46,33 USD/thùng trên thị trường New York.
Trên thị trường London, giá dầu Brent cùng kỳ hạn giảm 1,25 USD/thùng tương đương 2,6% xuống 47,16 USD/thùng, mức đóng cửa phiên thấp nhất tính từ ngày 10/5/2016.
Từ khi kết quả kiểm phiếu tuần trước cho thấy Anh sẽ rời Liên minh châu Âu (EU), giá dầu cũng như các loại hàng hóa không ngừng giảm. Kết quả bỏ phiếu đã khiến nhà đầu tưmất niềm tin vào sự ổn định của kinh tế và hệ thống tài chính toàn cầu, họ lập tức rút tiền mạnh khỏi các loại tài sản rủi ro và đổ tiền vào các loại hàng hóa an toàn như vàng hay đồng USD.
Đồng USD tiếp tục tăng mạnh so với tất cả các loại tiền tệ trong đó có đồng Bảng Anh. Chỉ số USD, chỉ số theo dõi biến động của đồng tiền này so với một giỏ các loại tiền tệ lớn, tăng 1,1% trong phiên ngày thứ Hai. Đồng USD mạnh khiến dầu trở nên đắt đỏ hơn so với nhà đầu tư sử dụng các loại tiền tệ khác.
Dù giá dầu đã giảm trong nhiều phiên nhưng rất nhiều nhà đầu tư trên thị trường dầu cho rằng giá dầu sẽ sớm tăng trở lại. Sự sụt giảm trong những phiên gần đây chỉ được coi như “quãng nghỉ” của giá dầu sau thời gian dài tăng mạnh, theo nhận định của chủ tịch quỹ Auspice, ông Tim Pickering.
“Giá dầu đã tăng suốt nhiều tháng và Brexit chỉ mang đến cho nó một lý do hợp lý để giảm mà thôi”, ông Pickering nhận định.
Ông Pickering và nhiều chuyên gia ngân hàng khác nhận định trong dài hạn giá dầu vẫn có nhiều yếu tố hỗ trợ tăng giá.
Giới chuyên gia ước tính Brexit chỉ có thể khiến nhu cầu dầu của thế giới giảm khoảng 130 nghìn thùng/ngày tương đương 0,1% tổng lượng tiêu thụ hàng ngày hiện nay. Deustche Bank dự báo con số này ở mức khoảng 100 nghìn thùng dầu/ngày.
Hay nếu so sánh cụ thể hơn, Brexit không tác động đến nhu cầu năng lượng của thế giới nhiều như các vụ bạo động tại Nigeria hiện đang khiến nhu cầu dầu của thế giới giảm khoảng 400 nghìn thùng/ngày.
Nhận định của Goldman Sachs cũng cho thấy tác động của Brexit lên nhu cầu dầu thế giới thực ra rất nhỏ. Rủi ro đối với thị trường năng lượng, theo Goldman Sachs, đến từ việc nhu cầu của Trung Quốc đang giảm đi và sẽ có thể sẽ kéo giá dầu đi xuống. Giá xăng và các sản phẩm năng lượng khác cũng giảm sâu từ 1,8% đến 3,2% trong phiên ngày hôm qua.