Nguồn cung dầu của nhóm nước thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) trong tháng 4/2016 lên mức 32,76 triệu thùng/ngày, mức cao nhất từ tháng 4/2008 - Ảnh: OilField. |
Phiên giao dịch ngày thứ Sáu, giá dầu giảm khi nhà đầu tư đẩy mạnh bán ra để chốt lời, theo tin từ Wall Street Journal.
Trên thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 6/2016 giảm 49 cent tương đương 1% xuống 46,21 USD/thùng. Giá dầu Brent cùng kỳ hạn trên thị trường London giảm 25 cent tức 0,5% xuống 47,83 USD/thùng.
Dù giảm trong phiên cuối tuần nhưng tính cả tuần, cả hai loại giá dầu đã có một tuần tăng mạnh. Giá dầu trên thị trường New York tăng 3,5% và có tuần tăng thứ 10/13 tuần gần đây, còn giá dầu Brent tăng 5,4% và có tuần tăng thứ 5 trong số 6 tuần gần nhất.
Phiên ngày thứ Năm, giá dầu đã chạm mức cao nhất trong 6 tháng sau khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) công bố một báo cáo khá tích cực về cung cầu dầu trên thị trường thế giới. IEA khẳng định hiện đang có nhiều yếu tố cản trở hoạt động sản xuất dầu giúp cho cân bằng cung cầu tốt hơn.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia phân tích về thị trường năng lượng khẳng định các yếu tố gây cản trở sản xuất hiện tại sẽ sớm được giải quyết. Các vụ cháy rừng ở Canada đã được kiềm chế phần nào, sản xuất dầu sẽ sớm được khôi phục trở lại. Chính vì thế các vụ cháy rừng Canada không thể nào giúp giải quyết tình trạng dư thừa dầu mỏ đã kéo dài suốt 2 năm qua.
Giám đốc quỹ đầu tư năng lượng Ritterbusch & Associates, ông Jim Ritterbusch, cho biết trong ngày thứ Sáu, rất nhiều nhà đầu tư đã bán ra chốt lời khi thông tin từ vụ cháy rừng tại Canada đã không còn phát đi tín hiệu tiêu cực nữa.
Một nguyên nhân khiến giá dầu giảm trong phiên hôm qua còn là bởi đồng USD tăng giá. Giá dầu thường bị tác động trực tiếp bởi biến động của đồng USD. Đồng USD tăng sẽ khiến dầu trở nên đắt đỏ hơn đối với các nhà đầu tư sở hữu các loại tiền tệ khác.
Không ít chuyên gia lo ngại giá dầu sẽ sớm bước vào thời kỳ biến động rất mạnh, có thể sẽ tăng hoặc giảm từ 7 đến 8 USD/thùng. Tuy nhiên, khảo sát của Wall Street Journal cho thấy số lượng chuyên gia dự báo về khả năng giá dầu giảm nhiều hơn.
Nguồn cung dầu của nhóm nước thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) trong tháng 4/2016 lên mức 32,76 triệu thùng/ngày, mức cao nhất từ tháng 4/2008 và cao hơn 188 nghìn thùng so với tháng trước đó. Lý do chủ yếu là bởi Iran tăng mạnh sản xuất dầu.
Sau khi phương Tây giỡ bỏ các lệnh trừng phạt với Iran, sản lượng của nước này đã tăng chóng mặt. Trong tháng 4/2016, sản lượng dầu của Iran tăng 300 nghìn thùng/ngày lên 3,56 triệu thùng dầu/ngày, mức cao nhất từ tháng 11/2011.
Cũng theo tính toán của IEA, hiện tại các nhà sản xuất dầu tại Trung Đông đang rất hài lòng vì Trung Quốc và Ấn Độ tăng cường nhập khẩu dầu từ Trung Đông. IEA dự báo tăng trưởng tiêu thụ dầu của 2 nước này tăng mạnh trong suốt cả năm 2016.